Sự kiện: giáo dục, tuyển sinh, điểm thi, điểm chuẩn

Bắt đầu từ năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên lớp 1 chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh.

Ngoài ra, Bộ nhấn mạnh tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào và với bất kỳ động cơ nào.

Sẽ không còn tình trạng học chữ từ mẫu giáo

Trước điểm mới này, chị Lê Thị Thu, phụ huynh học sinh tại Q.10, TP.HCM, tỏ ra vui mừng vì: “Khi không có điểm số thì sẽ không có sự so sánh, sẽ không có những bé mặc cảm, tự ti và cũng sẽ không đẩy những học sinh có điểm cao trở nên chủ quan, lơ là, thiếu chăm chỉ”.

Cũng như nhiều phụ huynh khác, điều quan trọng nhất khi cho con vào lớp 1 là tạo được tâm lý thích học, thích đến trường, vì vậy, khi biết quy định này, một phụ huynh của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM), thẳng thắn: “Có lẽ điều này sẽ giúp giảm đáng kể cảnh trẻ chưa hết tuổi mẫu giáo phải gò lưng đi học thêm để được những điểm 10 đỏ chói ngay khi vào lớp 1”. Phụ huynh này hồ hởi cho rằng không chấm điểm, học sinh sẽ không phải gò mình theo chương trình đào tạo cứng nhắc, có cơ hội rèn luyện, phát triển các mặt tự nhiên, xã hội hơn. Ngoài ra, điều này sẽ giảm được áp lực từ phía cô giáo - lớp có thành tích tốt, cha mẹ và cả học sinh.

Nhận xét thế nào để tạo hứng thú cho học sinh ?

Tuy nhiên, xung quanh điểm mới này, hàng loạt câu hỏi của phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo các trường tiểu học đặt ra, như: Giáo viên sẽ thực hiện việc đánh giá học lực học sinh ra sao? Bằng cách nào phụ huynh sẽ nắm được học lực của con? Giáo viên sẽ nhận xét trẻ như thế nào để mang tính khuyến khích? Vì hiện nay chưa có một hướng dẫn cụ thể nào về các tiêu chí nhận xét và đánh giá học sinh lớp 1 khi chuyển sang hình thức bỏ cho điểm.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP.HCM cho rằng: Bộ cũng như Sở cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá và lời nhận xét để giáo viên lớp 1 áp dụng thống nhất, không để tình trạng mỗi trường đánh giá một kiểu, mỗi quận đánh giá một cách. Có như vậy, những đánh giá của giáo viên mới không chung chung, có tác dụng động viên, kích thích, và phụ huynh cũng qua đó biết được sức học, khả năng tiếp thu của con mình.

Ông Đặng Quang Thành, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), mong muốn: “Giáo viên chỉ rõ những hạn chế của học sinh để phụ huynh phối hợp kèm cặp. Còn gặp vấn đề nhạy cảm thì có thể trao đổi trực tiếp với cha mẹ”. Còn ông Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Phú, cho rằng: “Đòi hỏi giáo viên có sự quan tâm sâu sát đến từng học sinh thì mới nhận xét chính xác”.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Sở đang lấy ý kiến góp ý, đề xuất của lãnh đạo phòng giáo dục 24 quận, huyện để từ đó ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc đánh giá, nhận xét cho thống nhất. Trong đó, việc đánh giá bằng nhận xét dựa trên nguyên tắc động viên, khuyến khích trẻ và tập trung hướng dẫn, giúp đỡ để trẻ đạt chuẩn kiến thức kỹ năng của lớp 1. Mấy năm trở lại đây, TP đã thực hiện việc đánh giá bằng nhận xét cho học sinh trong 2 đến 4 tuần đầu tiên của năm học. Nên vào thời điểm này, các trường tiếp tục triển khai theo hướng dẫn nói trên và văn bản hướng dẫn cụ thể cho năm học này sẽ sớm ban hành trước ngày 5.9”.

Ý kiến

Lựa chọn những hình ảnh dí dỏm để nhận xét cho trẻ “Giáo viên phải có nhận xét công bằng và chính xác, chủ động lựa chọn những hình ảnh tượng trưng phù hợp, vui vẻ dí dỏm để nhận xét cho trẻ”.

Võ Ngọc Thu (Trưởng phòng Giáo dục Q.5, TP.HCM)

Nhận xét chi tiết có thể trao đổi với phụ huynh

Thật ra, học sinh đọc chưa rành, cũng chưa hiểu hết những lời nhận xét trong khi các em để sách vở ở trường, cuối tuần mới mang về nhà. Vì vậy, chúng tôi đang tìm hình thức, hình ảnh đánh giá nào cho phù hợp với trẻ, những chỗ chưa đạt thì sửa bằng bút đỏ để trẻ biết. Còn nhận xét chi tiết thì có thể trao đổi với phụ huynh”.

Lưu Thị Thanh Xuân (Giáo viên Trường tiểu học Hồng Hà, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

 

Theo Bích Thanh, Thanh niên