Theo tin tức trên báo Tuổi Trẻ, danh sách 21 trường ÐH “ma” của Mỹ mà bằng cấp không được công nhận đã được đưa ra, trong đó có ÐH Quốc tế Mỹ và ÐH quốc tế Adam nơi cung cấp học các chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ với hàng trăm người Việt Nam đã và đang theo học, bên cạnh đó, Bộ GD-ÐT khẳng định không công nhận bằng tiến sĩ của các ÐH trong danh sách này.

Cho dù vậy, tình trạng bằng tiến sĩ “ma’ vẫn tiếp diễn. Trong danh sách người có bằng tiến sĩ (tính đến tháng 12-2014) của phòng quản lý khoa học Trường ÐH Sài Gòn mà báo Tuổi Trẻ có được, hiện có ba người đang sử dụng bằng tiến sĩ của ÐH Quốc tế Mỹ. Trong số này có hai người là giảng viên gồm bà N.T.L. nhận bằng tiến sĩ năm 2010, ông H.H.T. nhận bằng tiến sĩ năm 2010 và ông L.H.S. nhận bằng năm 2009.

Không công nhận bằng ‘vô giá trị’ của nhiều trường Đại Học Mỹ

Tình trạng bằng ma, bằng giả vẫn tiếp diễn tại Việt Nam. Ảnh VietnamNet

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông L.H.S. cho biết thời điểm ông theo học tiến sĩ online của ÐH Quốc tế Mỹ tại VN thì ÐH này được Cục Quản lý giáo dục sau trung học của bang California kiểm định, cho đến khi có thông tin về việc Việt Nam không công nhận bằng của Trường Đai Học này và tìm hiểu thêm thì ông được biết “từ năm 2009 trở về trước chưa có quy định rõ ràng về việc công nhận hay không công nhận bằng tiến sĩ online tại VN”.

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Xuân Vang - cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ GD-ĐT - cho biết thông tin về 21 trường ĐH “ma” đã được đưa ra từ năm 2010. Trong số 21 trường này có nhiều cơ sở dạy trực tuyến. Trên thế giới, nhiều nước có các cơ sở giáo dục được cấp phép hoạt động nhưng chất lượng không được kiểm định, do đó bằng cấp không được công nhận. Bên cạnh đó, quy định về việc công nhận bằng của các cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho Việt Nam đã có từ năm 2007.

Hiện nay, nhiều trường ĐH kiểm soát gắt gao bằng ĐH từ nước ngoài, yêu cầu phải được Bộ GD-ÐT thẩm định và công nhận mới được trường công nhận, nhưng một số trường vẫn công nhận hầu hết những người có bằng cấp nước ngoài.Bằng tiến sĩ “ma” không phải là vấn nạn duy nhất của nền giáo dục Việt Nam, tình trạng bằng giả cũng đã xảy ra trong nhiều năm trở lại đây.

Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TPHCM phối hợp Bộ Công an đã khám phá và bắt giữ 13 đối tượng làm bằng giả. Nhóm đối tượng khai nhận, loại bằng cao đẳng và đại học, chúng làm với giá từ 2-4 triệu đồng/bằng, sau đó giao cho tay chân bán lại cho “khách hàng” lên đến 5-7 triệu đồng/bằng. Riêng bằng thạc sĩ và tiến sĩ, thì có giá từ 7-9 triệu đồng/bằng. Từ đầu năm 2014 đến nay, đường dây này đã bán trót lọt từ 500 - 600 bằng cấp các loại…, theo báo Dân Trí đưa tin.

Tin gốc: http://vietq.vn/khong-cong-nhan-bang-vo-gia-tri-cua-nhieu-truong-dai-hoc-my-d50890.html