TTO xin trích đăng:

- Trong cuộc đời đi dạy 17 năm của mình, tôi sợ nhất ngày 20-11. Ngày ấy, tôi thường hay trốn phụ huynh. Tôi rất sợ những tấm thiệp mà kèm trong đó là một, hai trăm ngàn đồng.

Còn nhớ, cách đây 7 năm, thời điểm bắt đầu của văn hóa phong bì trong mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên, học trò nào cũng mang tặng tôi một tấm thiệp được ba mẹ dán cẩn thận. Tôi đã phải làm một việc bất đắc dĩ: mở từng tấm thiệp, nhận tấm thiệp và lời chúc của các em, còn tiền tôi bỏ lại phong bì, nhờ các em mang về đưa cho bố mẹ, tôi cũng gọi điện cho các phụ huynh giải thích với từng phụ huynh.

Nỗi niềm thầy cô trong ngày nhà giáo Việt Nam 20-11

25.000 con hạc giấy màu xanh đã được học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) treo khắp sân trường nhằm tri ân thầy cô giáo trong ngày lễ mừng Ngày nhà giáo Việt Nam tổ chức sáng 19-11-2012 - ảnh tư liệu

Có những phụ huynh dè bỉu: đã nghèo lại còn bày đặt! Có những em học sinh đã khóc khi thấy tôi làm vậy. Tôi đã ôm em vào lòng và nói rằng sau này em sẽ hiểu hơn! Điều mà tôi cũng như bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn là sự thành thật của các em, là cách cư xử của các em, chứ không phải là những phong bì kia!

Nghèo, chúng tôi cũng đã nghèo rồi, có thêm từng đó chúng tôi cũng chẳng giàu! Mà không có thêm từng đó chúng tôi cũng chẳng nghèo hơn! Chỉ mong sao phụ huynh hãy cùng chúng tôi dạy dỗ các em trong bối cảnh xã hội có rất nhiều điều khiến các em xao nhãng việc học! Đó là món quà lớn nhất đối với chúng tôi!

kien

- Ngày nào GV chưa thật sự sống bằng đồng lương họ đổ mồ hôi và chất xám để có thì xã hội (cụ thể là phụ huynh và học trò) vẫn còn xem thường họ.

Câu "chuột chạy cùng sào..." xuất phát từ đâu nếu không phải vì coi thường những người không tự nuôi sống nổi mình (vì phải nhận đồng lương không xứng với công sức họ đã bỏ ra)? Điều phi lý và buồn cười nhất chính là những "con chuột" ấy đã góp phần đào tạo ra không ít nhân tài cho xã hội.

Ngày 20-11 là ngày những GV có tâm buồn nhiều hơn vui!

Thà chúng tôi có 365 ngày sống bình thường nhưng không bị coi thường và được trả lương đúng công sức còn hơn là những giây phút buồn, vui, cay đắng lẫn lộn trong chỉ một ngày như vậy.



- Khi còn đi dạy, tôi rất "sợ" ngày 20-11! Đến ngày này, phụ huynh trường chúng tôi, vùng nông thôn, thường cho con em mang quà là vải vóc, xà bông, sổ tay, viết... đến tặng thầy cô!

Những giáo viên được tặng nhiều quà, nhất là GV chủ nhiệm lớp, thì hớn hở vui mừng trong ý tưởng mình "giỏi" và được nhiều phụ huynh quan tâm!

Tội nghiệp các GV dạy bộ môn thì lèo tèo vài cành bông hồng buồn hiu!

Giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp nhìn nhau quá xót xa!

Đến khi nghỉ hưu, tôi ít về dự ở trường xưa dù có được mời!

Cái "kịch bản" chán phèo làm tôi chán ngán! Báo cáo thành tích dài ngoằng do hiệu trưởng đọc, đến lịch sử truyền thống Nhà giáo của cô phụ trách Công đoàn trường cũng dài không kém! Phần phát thưởng học sinh, giáo viên trường trong các hoạt động thi đua chào mừng 20-11 như thể dục, văn nghệ, hội giảng... cũng lê thê.

Rồi mới đến cựu GV được mời lên nhận bó hoa cùng phong bì chứa một, hai trăm nghìn! Rồi lại ngồi nghe chỉ đạo của UBND xã, ý kiến của Hội PHHS, đáp tạ của hiệu trưởng!

Phần "tọa đàm" cuối cùng là bữa cơm thân mật tại trường với kinh phí từ Hội phí PHHS trích ra và từ các vị khách mời đóng góp bằng "phong bì" khi đến dự.

Không lẽ, ngày 20-11 là ngày được công khai nhận "phong bì" hay sao?! Quá sợ!

Năm An Nhứt

- Tôi từng là giáo viên dạy cũng được 6 năm. Lúc đầu, tôi thấy ngày 20-11 ý nghĩa lắm, nhưng sau này tôi thấy bị biến tướng nhiều quá nên tôi quyết định đến ngày này tôi khóa cửa nhà về quê.

Đến ngày 20-11, vì ba mẹ không có thời gian nên đưa "phong bì" gửi cho GVCN, hoặc đưa tiền cho con mua quà cho GVCN, ba mẹ thì tin con, nhưng con nào có gửi cho GVCN! Một ngày đẹp trời nào đó phụ huynh đến tìm giáo viên và hỏi lại chuyện xưa thì "té ngửa", chưa kể con còn xin tiền mừng sinh nhật cô, liên hoan lớp...

Có năm, tôi thấy một giáo viên ôm một bó hoa hồng nhưng trong mỗi cây hoa ấy là có một phong bì "lấp ló", người tế nhị thì nhẹ nhàng rút ra và nhét vào túi nhưng cũng có người xé phong bì xả rác tại chỗ còn "chê" ít nhiều... (tôi thấy nhột).

Có năm tôi làm chủ nhiệm, tôi trốn hẳn ở nhà thì phụ huynh và học sinh tìm tận nhà để đến "hỏi thăm", lúc về nhà tôi đầy quà, hàng xóm đi ngang nhìn vào "chỉ trỏ"... (tôi thấy "nhột")...

Có năm, tôi thấy giáo viên chuẩn bị sẵn nào bao bì nào túi xốp để chở quà về, xe nào cũng đầy ắp... GV nào cũng có quà riêng những cô lao công không bao giờ có quà dù cuối ngày 20-11 năm nào các cô lao công cũng phải dọn một... bãi chiến trường (hộp quà, hoa héo) do giáo viên để lại...

Kể từ đó, tôi không dám đến trường cũng không dám ở nhà. Học sinh cũ hay mới gọi điện hỏi thăm ghé nhà chơi tôi đều từ chối, về quê thăm ba mẹ cho nó "lành". Bây giờ tôi làm việc khác không liên quan đến giáo dục, nhưng cứ đến ngày 20-11 tôi lại cảm thấy "nhột" lạ kì.

Theo Báo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20141112/khi-thay-co-so-ngay-2011/670752.html