Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyen sinh 2012

Tin liên quan:

cong_nhan_di_hoc

Trác Hồng Ngọc (phải), nhân viên Công ty TNHH Freetrend, với kết quả học tập loại khá đã được Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM trao học bổng toàn phần. Ảnh: P.ĐIỀN

 

Nếu không có sự định hướng, tư vấn rõ ràng, không chỉ công nhân mất thời gian đi học, tiền học phí mà mục tiêu tiếp sức cho công nhân cũng khó đạt.

 

Đó là chia sẻ chân thành của bà Phạm Thị Trang, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ công nhân TP.HCM, tại buổi gặp mặt thân mật các công nhân vay vốn và nhận học bổng từ quỹ này để đi học trong suốt ba năm qua. Bà Trang khái quát: “Ban đầu phong trào đi học chỉ tập trung tại một số công ty, KCX, KCN có mặt bằng đầu vào tương đối cao. Sau đó phong trào đi học được nhen nhóm và lôi cuốn công nhân đi học nhiều hơn. Và cũng chính trong công việc hằng ngày tại các công ty cũng thôi thúc các bạn đi học những mong thay đổi công việc và thăng tiến trong nghề nghiệp”.

Tiền, thời gian...

Lê Thị Cẩm Hương, nữ công nhân nhỏ nhắn, quê miền Tây, nhận vay vốn và được nhận học ngay những ngày đầu tiên Quỹ Hỗ trợ công nhân thành lập, tâm sự: “Cũng nhờ có quỹ hỗ trợ kịp thời mà đến nay em đã có tấm bằng đại học ngành công nghệ thông tin”. Hương kể, khi đó nhà khó khăn nên sau giờ tan ca, Hương lại đạp xe từ quận 7 sang quận 8 học. Sau này, bác Tiếp (ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban Quản lý KCX-KCN TP) tặng cho cái máy vi tính nên việc học hành thuận lợi hơn. Hương nói: “Em sẽ tiếp tục bám trụ tại công ty để vừa làm việc lấy kinh nghiệm, vừa có tiền trang trải cuộc sống, hỗ trợ gia đình. Đợi đến khi công ty có đợt tuyển dụng mới em sẽ nộp hồ sơ thi tuyển để thay đổi công việc”.

 

Tuy nhiên, cũng không ít công nhân đi học vẫn băn khoăn về định hướng đi học và những khó khăn trong công việc nên làm thế nào để cân bằng. Anh Nguyễn Huy Dũng, công nhân Công ty TNHH Organ (KCX Tân Thuận, quận 7, TP.HCM), chia sẻ: “Với công nhân độc thân, chuyện đi học đã là khó, công nhân có gia đình lại càng khó gấp bội, vì phải cân đo đếm từng đồng một mới mong có cơ hội tối tối bước chân đến giảng đường”.

 

Theo anh Dũng, đi học rồi lại phải đối mặt với áp lực. “Có nhiều lúc đơn hàng dồn dập, buộc phải làm thêm ngày Chủ nhật, mà lịch học thì cũng dồn vào ngày cuối tuần. Vậy phải làm thế nào? Vì làm thêm trong ngày nghỉ có thu nhập gấp đôi, con còn nhỏ cần có tiền để mua sữa… nếu lúc đó không tính toán nhanh, các bạn sẽ gặp bế tắc trong việc học hành. Và quyết định của tôi là tạm gác lại những gánh lo thường nhật, chịu khó hy sinh để dồn toàn tâm cho việc học” - anh chia sẻ.

 

Các công nhân cũng băn khoăn vì áp lực công việc, bài tập, tài liệu ôn thi… làm thế nào để sắp xếp cho hiệu quả. Anh Dũng phân tích: Đối với công nhân, sẽ không có đủ thời gian và tiền đóng học phí ở trường đại học, tốt nhất chọn một trường trung cấp nào đó phù hợp với sở thích và khả năng để theo học, sau đó liên thông lên đại học là tiện nhất. Đây là con đường vòng nhưng đảm bảo vừa duy trì công việc, vừa đi học được. Cũng trong thời gian này nếu công ty tuyển dụng nội bộ thì nên mạnh dạn nộp hồ sơ để tìm cơ hội thăng tiến. “Không có nhiều thời gian để đọc tài liệu nên ngay trong giờ nghỉ trưa tôi phải tìm một góc yên tĩnh tranh thủ ôn lại bài cho buổi học sau giờ tan ca” - anh Dũng cho biết.

Học xong, bố trí khó?

Nhiều công nhân chia sẻ, sau khi hoàn thành các khóa học, họ tìm công việc mới nhưng các nhà tuyển dụng lại yêu cầu kinh nghiệm và đưa ra mức lương không thể bằng lương công nhân mà họ đang làm. Vì thế, không ít công nhân học xong đành ngậm ngùi quay lại làm công nhân chờ cơ hội. Ngoài ra, họ cũng bày tỏ quỹ nên tiếp tục hỗ trợ công nhân đi học, đồng thời linh hoạt các thủ tục cho vay, hạ mức điểm chuẩn cấp học bổng… để công nhân dễ dàng tiếp cận với sự hỗ trợ hơn.

 

Trong khi đó, Trác Hồng Ngọc, nhân viên Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung I, Thủ Đức), từ một công nhân bình thường, nhờ kiên trì học hành, cô được đề cử làm nhân viên văn phòng, từ đó cô có cơ hội đi học và tìm được việc làm tốt hơn ngay trong nội bộ công ty.

 

Ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TP, đánh giá nhu cầu đi học trong công nhân rất lớn. Một số công ty đã tạo điều kiện cho công nhân đi học rất tốt, tạo động lực cho việc phát triển đội ngũ nhân sự. “Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các buổi phỏng vấn cấp học bổng cho công nhân, đa số công nhân cho rằng doanh nghiệp nơi họ làm việc chưa thực sự để tâm đến chuyện này. Theo đó, họ phải chọn một công ty khác đỡ áp lực tăng ca để có thời gian đi học. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả việc học hành nâng cao kiến thức, chuyên môn, các công nhân phải định hướng rõ ràng, gần gũi hơn với công việc mà họ đang làm để tranh thủ tìm cơ hội. Riêng những công nhân đã có tuổi cũng nên lựa chọn ngành, thời gian học để không lãng phí thời gian, tài chính và công sức” - ông Tiếp nói.


Tuyển sinh, tuyen sinh 2012, thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh

Kenhtuyensinh (phapluat)