Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi họp báo

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi họp báo

Chủ trì họp báo có Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Chánh văn phòng Phạm Ngọc Phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh và Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Hinh.

Tại buổi họp báo, hàng loạt vấn đề xung quanh kỳ thi đổi mới do phóng viên báo đài đưa ra được lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp thấu đáo.

Mọi cách xử lý đều hướng tới đảm bảo quyền lợi thí sinh

- Tại sao Bộ GD&ĐT chọn tổ chức kỳ thi này vào tháng 7, là thời gian rất nắng nóng, trong khi có thể chọn thi vào tháng 6 như kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước?

Ông Mai Văn Trinh: Đầu tiên, thời gian thi được dự kiến tổ chức vào tháng 6, nhưng ý kiến các trường đại học cho rằng, khi đó, nhà trường chưa kết thúc năm học, ảnh hưởng khá lớn đến việc giải phóng giảng đường và ký túc xá.

Thêm nữa, nếu tổ chức tháng 6, theo phản ánh của học sinh, sẽ hụt mất 2 tuần ôn thi. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Bộ GD&ĐT đã quyết định tổ chức kỳ thi vào đầu tháng 7.

Năm nay, việc nắng nóng bất thường đúng là ngoài tầm kiểm soát. Bộ GD&ĐT sẽ cùng các địa phương, Sở GD&ĐT, nhà trường bàn tính, rút kinh nghiệm.

- Kỳ thi năm nay có hiện tượng phòng thi chỉ có một thí sinh, điều này có gây lãng phí?

Ông Mai Văn Trinh: Câu chuyện phòng thi có một thí sinh xuất phát từ việc tổ chức cho thí sinh lựa chọn môn thi. Chúng ta đang thực hiện đổi mới cách dạy, cách học, quan điểm là không phải dạy một lớp 40 học sinh mà là dạy 40 học sinh trên lớp.

Chúng ta cho các cháu được lựa chọn môn thi theo năng lực, sở trường và như vậy sẽ có chuyện phân bố không đều giữa các môn. Để tránh việc này, hoàn toàn có thể chuyển thí sinh sang địa điểm khác, nhưng như thế các cháu sẽ rất vất vả. Như vậy, các thầy cô giành vất vả về mình để tạo thuận lợi hết sức có thể cho thí sinh.

"Thí sinh nhầm buổi thi được xếp thi một buổi khác để xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đồng ý về mặt nguyên tắc, còn giải quyết được hay không thì các Hội đồng thi xử lý. Nhưng chỉ được xử lý cho thí sinh thi nếu đó là thi để xét công nhận tốt nghiệp. Còn nếu thi để tuyển sinh đại học sẽ không được".

- Có trường hợp thí sinh quên đến thi và được tạo điều kiện cho đăng ký thi môn khác để xét tốt nghiệp, điều này có đúng quy chế?

Ông Mai Văn Trinh: Cho thí sinh do điều kiện, hoàn cảnh không đến dự thi, được đăng ký thi môn khác để xét tốt nghiệp là việc làm mang tính nhân văn. Tuy nhiên số thí sinh này không nhiều, chỉ có một vài trường hợp.

- Bộ GD&ĐT có tính đến chuyện ghép các môn thi trong cùng buổi thi để giảm bớt thời gian?

Ông Mai Văn Trinh: Chúng tôi xin ghi nhận góp ý, nhưng thực ra việc này không mới vì năm 2014, các môn thi trắc nghiệm chúng ta đã ghép rồi. Ở đây còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thời gian thi ngắn mới thực hiện ghép được, còn thời gian dài, nếu ghép sẽ vất vả thí sinh.

Nắm bắt thông tin nhanh để giải quyết kịp thời

- Bộ GD&ĐT nói gì về thông tin lộ đề thi môn Ngoại ngữ trên facebook?

Ông Mai Văn Trinh: Ngay sau khi nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã có công văn phối hợp với Bộ Công an điều tra việc này và hiện nay vẫn đang trong quá trình điều tra.

Nhưng thông tin ban đầu, tài khoản facebook nói trên đã bị hack. Tài khoản này thành lập năm 2013 và từ năm 2013 đến nay chỉ dùng 4 lần để đăng thông tin lên. Khái niệm lộ đề là biết trước khi bóc đề, còn sau khi hàng triệu thí sinh đã biết đề thi, đã ra khỏi phòng thi thì không còn được gọi là lộ đề nữa.

"Thông tin liên quan đến quyền lợi thí sinh, Bộ GD&ĐT cố gắng thực hiện kịp thời và xử lý càng nhanh càng tốt. Còn những việc vi phạm quy chế, việc xử lý cần thận trọng. Việc thu nhận thông tin nhanh là tốt, nhưng quan trọng là thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ để xử lý đúng, có tình, có lý." - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

- Một số thông tin về sự việc xảy ra ở Hội đồng thi ở Thanh Hóa và Thái Bình liên quan đến đề thi làm chậm thời gian làm bài của thí sinh; hay sự việc dùng công nghệ cao đọc lời giải tại điểm thi của Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ GD&ĐT có thể thông tin rõ?

Ông Mai Văn Trinh: Chúng tôi đã nhận được văn bản chính thức của Sở GD&ĐT Thanh Hóa và Sở GD&ĐT Thái Bình. Ở Thanh Hóa, thí sinh hiểu sai, cứ nghĩ sau khi phát đề, tức 2 giờ 15 phút là thời gian làm bài ngay. Nhưng theo quy định, thời gian làm bài là 2 giờ 30. Sau khi phát hiện sự việc, các thầy cô đã phát lại mã đề phù hợp cho thí sinh, việc đó kết thúc vào 2 giờ 28 phút, trước 2 phút thí sinh làm bài.

Còn về sự việc diễn ra trong môn thi Lịch sử sáng nay, ngay sau khi nhận được thông tin, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia đã chỉ đạo Chủ tịch Hội đồng thi của Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trường ĐH Sư phạm tăng cường công tác coi thi để xem có thể phát hiện ra điều gì bất thường không. Đồng thời, các cơ quan chức năng - cụ thể là công an - đã làm biện pháp nghiệp vụ để điều tra sự việc này.

Hiện nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của cơ quan điều tra, nhưng Bộ GD&ĐT đang bám sát diễn biến sự việc. Sau khi có kết luận chính xác, sẽ xử lý theo đúng quy chế; nếu có dấu hiệu hình sự sẽ xử lý theo quy định hình sự.

- Trường hợp thí sinh vi phạm xuất hiện nhiều tại các cụm thi các trường đại học chủ trì, Bộ GD&ĐT nói sao về hiện tượng này?

Ông Mai Văn Trinh: Trong cách thức tổ chức kỳ thi năm nay, cả hai cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì đều có sự tham gia của cả trường đại học và các Sở GD&ĐT; công tác thanh tra thi cũng rải đều 2 loại hình cụm thi, không hề có sự phân biệt giữa 2 cụm thi này. Nếu có, chỉ là sự khác nhau về địa điểm nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh.

Còn việc tỷ lệ vi phạm cao hơn ở cụm thi đại học, thực tế, học sinh thi để vừa lấy kết quả để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, áp lực sẽ cao hơn, có thể do đó mà ý định vi phạm cũng cao hơn. Nhưng, cách xử lý là cùng một quy trình và có sự vào cuộc của cả trường ĐH và cả Sở GD&ĐT.

Thành công từ đề thi và tổ chức kỳ thi nghiêm túc

- Bộ GD&ĐT khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Vậy đâu là thước đo quan trọng nhất để Bộ rút ra kết luận này?

Ông Mai Văn Trinh: Kỳ thi được đánh giá trên nhiều phương diện. Trước hết là về hình thức, những hiện tượng lộn xộn như 5 – 7 trước đây không còn, trường thi sạch sẽ hơn, việc nhân bản phao thi giảm hẳn, không có hiện tượng phao trắng trường thi...

Riêng một số việc xảy ra ở Thanh Hóa là ở ngoài cổng trường thi. Chúng tôi đã kịp thời chỉ đạo Hội đồng thi của tỉnh để tăng cường công tác thanh tra, giám sát, và việc đó không diễn ra ở các buổi thi tiếp theo.

Còn tại sao vẫn có nhiều thi sính vi phạm bị xử lý kỷ luật, điều đó chứng tó chúng ta đã làm nghiêm quy chế thi, để thí sinh đã vi phạm là bị xử lý kỷ luật theo đúng quy chế.

- Bộ GD&ĐT nhận định như thế nào về đề thi THPT quốc gia năm nay?

Ông Mai Văn Trinh: Đề thi năm nay sẽ không thể so sánh với đề thi tốt nghiệp hay đề thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2014 vì mục đích của hai kỳ thi là khác nhau.

Kỳ thi năm 2015 phải đáp ứng mục tiêu kép là dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng và đây là năm đầu tiên chúng ta làm việc này.

Chúng ta ghi nhận thành công bước đầu của Ban đề thi với việc ra đề theo hướng tăng cường đề thi mở, các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, các vấn đề thời sự của đất nước; hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc các con số và sự kiện. Còn kết quả cuối cùng sẽ được đánh giá qua phổ điểm.

Tuyển sinh ĐH: Trường sẽ vất vả hơn để thí sinh được thuận lợi

- Cách tổ chức thi như năm nay liệu có khiến các trường đại học, cao đẳng khó tuyển sinh?

Ông Mai Văn Trinh: Công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng được vận hành theo hướng có sự cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu của nhà trường. Chúng ta đang đi vào thực hiện tự chủ, phân tầng đại học trên cơ sở chất lượng. Các thí sinh năm nay sẽ căn cứ vào kết quả điểm thi để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường phù hợp.

Ngoài ra, trong tuyển sinh năm nay cũng có đổi mới căn bản. Nếu năm 2014, thí sinh đăng ký trước khi biết điểm, sự may rủi sẽ cao. Còn năm nay, trong 20 ngày xét tuyển, cứ 3 ngày, các trường lại công bố danh sách quá trình xét tuyển; thí sinh dựa trên số liệu công bố này để căn chỉnh khả năng đỗ hay không để xem xét có thể chuyển sang đăng ký xét tuyển trường khác phù hợp.

Công việc này sẽ khiến các trường vất vả hơn, phức tạp hơn, nhưng người được hưởng lợi là thí sinh. Hy vọng, với những đổi mới đồng bộ như vậy, việc tuyển sinh sẽ đi vào nề nếp.

- Kỳ thi năm nay với 2 mục đích là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Vậy, thí sinh thi môn đăng ký xét tuyển đại học bị vi phạm đình chỉ, có được xét tốt nghiệp không?

Ông Mai Văn Trinh: Trong quy chế ghi rõ, nếu thí sinh vi phạm từ mức độ đình chỉ thi sẽ không được thi các môn tiếp theo, không được xét tốt nghiệp THPT và tương tự như vậy, đương nhiên sẽ không được lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Nói tóm lại, nếu vi phạm đình chỉ sẽ bị hủy kết quả thi.

Nhanh chóng triển khai công tác chấm thi

- Xin Bộ GD&ĐT cho biết một số nội dung về kế hoạch chấm thi?

Ông Mai Văn Trinh: Việc chấm thi đã được tính toán kỹ lưỡng. Trước khi có quyết định đặt cụm thi, chúng tôi đã cùng các trường, Sở GD&ĐT tính đến chuyện này.

Con số giảng viên có thể tham gia coi thi, chấm thi cũng là một tham số để quyết định đặt cụm thi ở đâu. Về phía các trường, công tác chấm thi đã được tiến hành chủ động. Như thông tin với báo chí, một số trường đã tiến hành làm phách và ngay sau đây, tiến hành công tác chấm thi để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Kỳ thi THPT quốc gia: Bước đầu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Nhìn chung kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đạt được những yêu cầu đề ra.

Kết luận 21 của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội đặt ra nhiều vấn đề đổi mới giáo dục đào tạo một cách căn bản, toàn diện; điều đó thể hiện trong kỳ thi này tương đối rõ, dù chưa hoàn toàn tuyệt đối nhưng cũng đạt những bước đầu tiên trong thực hiện kết luận của Đảng và Nhà nước.

Việc ra đề theo hướng mở, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, hạn chế ghi nhớ máy móc, tác động đến việc dạy và học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, khắc phục việc truyền thụ kiến thức một chiều, khắc phục quá tải; đồng thời rèn học sinh phương pháp tự học. Kỳ thi với 2 mục đích cũng có tác dụng đẩy mạnh phân luồng học sinh.

Theo Thứ trưởng, Nghị quyết 29 yêu cầu đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo hướng giảm nhẹ, không áp lực nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh. Kỳ thi này đã bước đầu đạt được kết quả như vậy.

“Kỳ thi THPT quốc gia cố gắng tận dụng những mặt tốt nhất của hai kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và thi tốt nghiệp THPT trước đây, để làm việc thi cử đơn giản hơn, nhưng đảm bảo chính xác, phù hợp với luật Giáo dục Đại học và các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh. Chúng ta đã thực hiện được việc đó.

Bên cạnh đó, ngoài việc ngành Giáo dục, toàn xã hội đều quan tâm hỗ trợ kỳ thi này, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, đó là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc được phát huy; đồng thời cũng thể hiện chủ trương giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh.

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ket-thuc-thi-thpt-quoc-gia-bo-gddt-giai-dap-cac-cau-hoi-nong-1086411-v.html