Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 và sai phạm ở Hà Giang đang cho thấy sự thiếu sót trong công tác tổ chức thi cử, kéo theo sự trăn trở về nền giáo dục Việt Nam.

Bộ GD&ĐT xác minh: "Nghi vấn bất thường trong khâu chấm thi THPT Quốc Gia 2018 tại Sơn La"

Lưu ý về điểm tiếp nhận thay đổi nguyện vọng

Môn lịch sử vẫn ở mức báo động

Theo phổ điểm của điểm thi THPT quốc gia 2018 do Bộ GD&ĐT công bố ngày 11/07, số lượng thí sinh có điểm trên trung bình của hầu hết các bài thi, môn thi đều chiếm tỉ lệ từ 50% đến 70%, ngoại trừ môn lịch sử. Đây không phải lần đầu tiên môn lịch sử có mức điểm thấp nhất trong các môn thi tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Tuy nhiên, phổ điểm kỳ thi năm nay cho thấy con số thấp kỷ lục về điểm thi của môn này.

Trong tổng số 563.000 thí sinh dự thi môn lịch sử của cả nước, có gần 470.000 em có mức điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm), chiếm tỷ lệ 83%. Thậm chí, dữ liệu của Bộ GD&ĐT còn cho thấy, điểm trung bình môn lịch sử của các thí sinh năm nay chỉ 3,79 điểm, thấp hơn hẳn so với các năm trước. Trong khi đó, tại kỳ thi THPT quốc gia 2017, điểm trung bình môn lịch sử là 4,6 điểm; tại kỳ thi năm 2016 là 4,49 điểm.

Phổ điểm của các môn thi theo khối cũng cho thấy mức điểm thi môn lịch sử không cao. Cả nước có 340.000 thí sinh chọn lịch sử để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng và có tới 78% số thí sinh này có mức điểm dưới trung bình, trong đó có 535 thí sinh bị điểm liệt (bằng hoặc dưới 1 điểm).

Điều này khiến không ít người nghi ngại về việc thí sinh chọn lịch sử trong tổ hợp các môn khoa học xã hội, vì không đủ sức thi các khối khác và chính các em cũng không thích môn học này.

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 để lại sự trăn trở về nền giáo dục Việt Nam

Theo cô giáo Hoàng Thị Lan Hương - Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), kỳ thi năm nay, số lượng thí sinh đăng ký chọn thi môn lịch sử tăng, nhưng chưa hẳn các em đã dành sự quan tâm nhiều hơn đến môn lịch sử và có sự đầu tư trong học tập.

Mặt khác, đề thi lịch sử năm nay khó hơn, đòi hỏi học sinh phải tư duy, có kỹ năng tổng hợp, phân tích và phạm vi kiến thức rộng hơn, không chỉ nằm trong chương trình lớp 12 như mọi năm, mà còn có cả lớp 11, nên việc đạt điểm cao là không dễ.

Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), cũng là Chủ biên chương trình môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, mức điểm môn lịch sử năm nay phản ánh thực chất chất lượng học tập của học sinh.

Thực tế ấy đặt ra trách nhiệm với ngành Bộ GD&ĐT trong việc phải quyết liệt hơn nữa để đổi mới cách dạy, cách học. Chương trình môn lịch sử mới cũng quan tâm tới điều này, tránh việc dạy, học nhồi nhét kiến thức, mà không quan tâm đến phát triển năng lực tư duy.

Băn khoăn về kỳ thi “hai trong một”

Tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận những ngày gần đây là sai phạm về việc can thiệp để nâng mức điểm thi THPT quốc gia năm nay tại tỉnh Hà Giang đang được các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra và chắc chắn sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc. Qua sự việc này cho thấy những lỗ hổng của quy trình giám sát bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình thực hiện khâu chấm thi, nhất là với việc chấm bài thi trắc nghiệm.

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, việc sửa một bài thi trắc nghiệm chỉ mất 6 giây. Như vậy, nếu bộ phận giám sát chủ quan, lơ là, việc chỉnh sửa dữ liệu bài thi không phải là điều quá khó.

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 để lại sự trăn trở về nền giáo dục Việt Nam

Vụ việc trên cũng khiến dư luận đang không khỏi lo ngại về khả năng những hiện tượng tương tự đã từng xảy ra ở nhiều năm, tại nhiều nơi, nhưng vì mọi năm điểm thi cao nhiều, nên khó phát hiện.

Việc ngày 18/07, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Phùng Xuân Nhạ quyết định thành lập tiếp 2 tổ công tác để giúp Bộ trưởng chỉ đạo, kiểm tra xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại tỉnh Sơn LaLạng Sơn càng cho thấy băn khoăn của dư luận là có cơ sở.

Năm nay, có thể do mức điểm thi trung bình của cả nước đều thấp, không còn tình trạng “mưa điểm 10”, nên sự việc mới dễ bại lộ. Liệu đây có phải hệ quả của việc giao cho địa phương tổ chức toàn bộ các khâu của kỳ thi, trong khi kỳ thi lại mang mục tiêu kép: Vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển đại học, cao đẳng?

Sự việc của Hà Giang còn cho thấy, mối nghi ngại của các trường đại học, cao đẳng trong việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2018 để xét tuyển “đầu vào” là có cơ sở. Việc có tới 114 thí sinh ở Hà Giang với hơn 330 bài thi được nâng điểm, trong đó có những em được nâng tới gần 30 điểm, nếu không bị phát hiện, có lẽ những thí sinh này đã chiếm đi không ít cơ hội học đại học của những học sinh học tập nghiêm túc, đi thi bằng sức học thực chất.

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 để lại sự trăn trở về nền giáo dục Việt Nam

Không ít ý kiến cho rằng, đã tới lúc cần có sự điều chỉnh trong việc thực hiện các khâu của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để khắc phục hiện tượng gian lận dẫn đến sự không công bằng cho thí sinh, khâu chấm thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018 nên được quy về một mối, với sự điều hành của Bộ GD&ĐT và sự giám sát của lực lượng an ninh.

Còn ông Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận tải mong muốn các trường đại học được tham gia sâu hơn vào khâu chấm thi để hạn chế hiện tượng gian lận, xóa đi những nghi ngại, băn khoăn về tính thực chất của kết quả thi; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng “đầu vào”.

Theo Hà Nội mới - Kênh Tuyển Sinh

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội công bố thông tin tuyển sinh và mức điểm sàn năm 2018

Hành vi của ông Vũ Trọng Lương trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 có dấu hiệu tội phạm hình sự