Từ năm 2017, môn giáo dục công dân (GDCD) đã được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp, là cơ sở để xét tuyển vào một số ngành ở các trường đại học với hình thức trắc nghiệm khách quan. Nhưng phân phối chương trình môn GDCD trên lớp khá ít (45 phút/ tiết/ tuần). Vậy, làm thế nào để đạt điểm cao trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019?

> Bí quyết ôn tập môn Địa cho kỳ thi TPHT quốc gia 2019

Hướng dẫn ôn tập môn Hóa khi thi THPT Quốc gia 2019

Hướng dẫn ôn tập môn GDCD trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh 1

Học sinh thi tuyển sinh lớp 10 môn công dân năm 2018

Học sinh cần chú ý đến một số phương pháp học và phương pháp làm bài thi, cụ thể:

Phương pháp ôn bài 

- Nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa (SGK): hiện tại, môn GDCD gần như là không có sự đánh đố quá cao cho học sinh nên chỉ cần nắm vững tất cả các kiến thức cơ bản trong SGK lớp 10, 11 và 12 là sẽ có thể làm tốt được bài thi (kiến thức SGK chiếm 70%, kiến thức liên hệ thực tế chiếm 30%).

- Hiểu rõ và phân biệt được các thuật ngữ đặc thù, các "từ khóa" của từng nội dung để làm căn cứ chọn phương án trả lời đúng nhất. Ví dụ như khi đề cập đến các hình thức thực hiện pháp luật (bài 2, SGK GDCD 12), học sinh cần phân biệt: sử dụng pháp luật (công dân thực hiện quyền - được làm); thi hành pháp luật (công dân thực hiện nghĩa vụ - phải làm); tuân thủ pháp luật (công dân không làm điều pháp luật cấm), từ đó học sinh dễ dàng nhận ra đáp án đúng mà không lo bị đáp án nhiễu chi phối.

- Hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy: đây được xem là phương pháp học tập đơn giản nhưng khoa học, có hệ thống và mang lại hiệu quả cao, giúp học sinh nắm vững và khắc sâu kiến thức cơ bản.

- Thường xuyên luyện tập trắc nghiệm để củng cố kiến thức đã học, có thể làm theo từng bài hoặc theo chủ đề. Khi luyện tập trắc nghiệm, cách hiệu quả nhất là đọc câu hỏi, chọn đáp án, sau đó đối chiếu nội dung liên quan trong SGK và kiểm chứng kết quả.

- Chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để vận dụng giải quyết các câu hỏi tình huống mang tính thực tiễn.

Phương pháp làm bài thi

Đọc kỹ câu hỏi để xác định "từ khóa": Mỗi câu hỏi đều có từ khóa thể hiện nội dung yêu cầu phải trả lời, chính là mấu chốt để thí sinh giải quyết vấn đề. Thường thì từ khóa này sẽ in đậm, nếu không in đậm, học sinh phải tìm và gạch chân, từ đó học sinh định hướng được câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ khóa ấy. 

Ví dụ như khi đọc câu hỏi "Vi phạm dân sự là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các quan hệ: A. tài sản và lao động. B. nhân thân và hợp đồng. C. lao động và công vụ nhà nước. D. tài sản và nhân thân", từ khóa của câu hỏi là dân sự, học sinh dễ dàng loại trừ các trường hợp vi phạm hình sự, vi phạm hành chính và vi phạm kỷ luật, sau đó tập trung nhớ lại kiến thức đã học về vi phạm dân sự là hành vi vi phạm đến hai mối quan hệ: nhân thân và tài sản (đáp án D).

Tuân thủ quy tắc "dễ trước khó sau": Sau khi nhận đề, học sinh cần đọc qua một lượt tất cả các câu hỏi, xem những câu nào thuộc mức độ nhận biết thì nên khoanh ngay vào đáp án trong phiếu trả lời. 

Sau khi làm hết những câu hỏi "trúng tủ", học sinh tiếp tục chọn làm những câu hỏi ở mức thông hiểu (vì đối với bài thi trắc nghiệm, các câu hỏi đều có thang điểm như nhau, không giống như bài thi tự luận). Do vậy, câu hỏi khó hay dễ cũng đều có chung phổ điểm, nên chọn làm câu dễ trước để đảm bảo đạt tối đa số điểm. 

Chú ý phân bổ thời gian hợp lý để không bỏ sót câu hỏi nào, trường hợp nếu học sinh không biết chính xác đáp án thì hãy dùng phương án phán đoán, dự báo, loại trừ..., đó cũng là một cơ hội dành cho thí sinh. 

Sau khi đã chắc chắn chọn đáp án đúng cho những câu hỏi thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh bắt đầu đọc và nghiên cứu tìm câu trả lời cho các câu hỏi ở mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao (chiếm khoảng 40%).

- Kỹ năng giải quyết các câu hỏi tình huống:

+ B.1: đọc kỹ phần dẫn để xác định: các chủ thể vi phạm (không vi phạm pháp luật); các hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý.

- B.2: đọc kỹ câu hỏi (thường ở cuối phần dẫn) để xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến, tránh để phần dẫn của câu làm cho bị nhiễu.

+ B.3: loại trừ những chủ thể, hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý mà câu hỏi không đề cập đến và cuối cùng là chọn đáp án đúng.

(Chú ý: nên gạch chân những dữ liệu quan trọng)

Các lỗi thường gặp

- Không đọc kỹ đề, không xác định được ‘‘từ khóa" trong câu hỏi.

- Dừng quá lâu ở một câu: bình quân mỗi câu chỉ được làm trong 1 phút (40 câu/40 phút), 10 phút còn lại để tô đáp án... Nếu dừng lại quá lâu ở một câu sẽ không có thời gian làm các câu khác.

- Nói "không" với "đánh lụi" hoàn toàn: vì mỗi phương án lựa chọn đều có thể có 25% là số đáp án đúng rơi vào phương án lựa chọn đó, nếu thí sinh "chọn bừa" (toàn A hoặc toàn B...) thì sẽ được khoảng 2,5 điểm của bài thi.

Như vậy, để làm bài thi được điểm 5 không quá khó nhưng để đạt điểm 8, 9 học sinh cần nỗ lực rất nhiều, không chỉ nắm vững kiến thức, hiểu, vận dụng linh hoạt, mà còn phải biết phân bố thời gian làm bài và xử lý các câu hỏi một cách hợp lý nhất để giành được số điểm tối đa.

Theo Tuổi trẻ