Hơn 25% thí sinh không đủ điểm sàn đại học cao đẳng năm 2015
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào, tổng số thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng là hơn 726.693 thí sinh. Với mức điểm sàn cho tất cả các tổ hợp môn thi là 15 điểm, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn ngưỡng điểm này. Số thí sinh này nhiều gấp 1,52 lần tổng chỉ tiêu của các trường. Có trên 196.000 thí sinh, chiếm 27% thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng, không đạt ngưỡng để xét tuyển vào các trường đại học.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học khoảng 400.000. Trong đó, có khoảng 350.000 chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở trung học phổ thông.
Như vậy, các thí sinh không đủ điểm thi trung học phổ thông để xét tuyển vào các trường đại học vẫn còn cơ hội xét tuyển vào các trường theo phương án tuyển sinh bằng điểm học tập bậc trung học phổ thông. Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển nguyện vọng một của thí sinh bắt đầu từ ngày 1/8./.
Ngưỡng điểm 15 sẽ báo động học sinh lớp 12
Ngưỡng điểm xét tuyển đã tăng từ 1 - 2 điểm so với năm trước. Tuy nhiên, phản ánh ban đầu của lãnh đạo các trường tỏ ra khá hài lòng với mức điểm này.
15 điểm ở phút chót
Ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một thành viên tham gia Hội đồng Xác định tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2015, phân tích: Điểm sàn có nhích hơn so với mọi năm từ 1 – 2 điểm tùy khối bởi đề thi năm nay không quá khó, và phổ điểm các môn của thí sinh nhìn chung đều tăng.
Ông Hóa tiết lộ, ban đầu, Hội đồng đã gần như thống nhất ở mức điểm 14. Tuy nhiên, sau đó có những ý kiến phân tích nếu dừng ở mức này thì so với năm ngoái chẳng có gì thay đổi. Con số 14,5 điểm cũng đã được đề xuất, nhưng sau đó hội đồng đã thống nhất đưa lên mức 15 điểm. “Về xét tuyển, mức điểm này sẽ “báo động” cho học sinh lớp 12 của năm học tới phải cố gắng.
Còn xét về ảnh hưởng, thì những trường công lập nhóm đầu như y dược, tài chính, ngân hàng… không bị tác động vì họ đã lấy điểm trúng tuyển rất cao. Những trường sẽ bị ảnh hưởng là các trường thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, bởi thí sinh những khu vực này có trình độ yếu hơn. Khối ngoài công lập và cao đẳng cũng bị ảnh hưởng”. Tuy nhiên, theo ông Hóa, ưu điểm của thống kê năm nay là loại trừ được số thí sinh ảo. Vì kể cả khi thí sinh thi các môn để xét được 4 tổ hợp, thì phần mềm cũng loại trừ được để chỉ tính đó là 1 trường hợp trúng tuyển.
“Xét về tổng điểm, sẽ có khó khăn bước đầu đối với việc xét tuyển của một số trường. Nhưng xu hướng giáo dục đại học không thể dậm chân tại chỗ. Hội đồng nhất trí cao phải tăng ngưỡng điểm sàn để tuyển chọn được thí sinh có chất lượng vào đại học, phân hóa được trình độ của thí sinh đại học và cao đẳng” – ông Hóa cho biết. “Có thể chúng ta thấy rằng điểm sàn tăng một điểm là có thêm hàng chục nghìn thí sinh trượt đại học. Nhưng không thể không lo cho chất lượng đào tạo sau này. Hơn nữa, quy định 15 điểm là chưa tính điểm ưu tiên. Các trường đại học thuộc khu vực “3 Tây” còn có ưu tiên khu vực, chính sách, đối tượng… nên thực ra mức điểm chỉ là 13, 14”.
Trường công không lo ngại
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, ông Nguyễn Ngọc Long, cho biết hiện nay trường mới bắt đầu lo việc giấy tờ xét tuyển. “Nhưng cảm quan là con số 15 điểm mà Bộ GD-ĐT đã “chốt” dựa trên các dữ liệu mà Bộ có như số thí sinh, tổng chỉ tiêu, các phổ điểm… Vì vậy con số này là có cơ sở. Và tôi tin mức điểm này là phù hợp. Cũng về cảm quan, tôi thấy, như môn Toán, cùng trình độ thì năm nay kết quả thi của thí sinh chênh hơn năm ngoái từ 1 - 1,5 điểm, vì vậy “điểm sàn” năm nay tăng lên như thế là hợp quy luật”.
Ông Cao Văn, hiệu trưởng ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) cũng nhận định ngưỡng này là phù hợp dù cao hơn so với mọi năm 2 điểm. “Trên thực tế các em làm bài thi năm nay đạt mức điểm 5, 6, 7 tương đối nhiều. Vì vậy tôi không thấy lo lắng gì mà tôi tin rằng việc tuyển sinh của trường sẽ tốt đẹp. Trường sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ mức điểm ngưỡng này, có thể có những ngành tuyển xong từ NV1, có những ngành phải tuyển NV bổ sung nhưng tôi cho rằng trường sẽ tuyển được đủ chỉ tiêu tuyển sinh”. Ông Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn, cho biết mọi năm nhà trường có phổ điểm trúng tuyển khá rộng, tùy từng khoa mà lấy từ 14 đến 19 điểm. “Tôi cho rằng năm nay điểm sàn cao lên thì điểm trúng tuyển vào trường cũng sẽ cao lên tương ứng”.
Còn theo Trưởng ban Quản lý đào tạo của Học viện Nông nghiêp Việt Nam, ông Bùi Trần Anh Đào, thì phổ điểm phụ thuộc từng năm, mỗi năm một khác, tùy thực tế mà Bộ xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng. “Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì như đã công bố, sẽ nhận hồ sơ từ điểm sàn, cao cùng cao mà thấp sẽ cùng thấp. Phải đợi tới sau ngày 1/8, khi thí sinh đăng ký xét tuyển thì chúng tôi mới biết được tình hình cụ thể”.
Tin gốc:
- http://www.vietnamplus.vn/hon-14-so-thi-sinh-thi-dai-hoc-cao-dang-khong-dat-diem-san/335097.vnp
- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/253034/nguong-diem-15-se-bao-dong-hoc-sinh-lop-12.html