Thời điểm này, hàng trăm trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam bắt đầu giới thiệu tuyển sinh. Theo đó, việc cạnh tranh tuyển sinh diễn ra ngày càng phức tạp và gay gắt.
> Thí sinh đăng ký dự thi THPT từ đầu tháng 4
> Hơn 30.000 thí sinh đăng ký kỳ thi năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM
Mặc dù kỳ thi THPT quốc gia 2019 chưa diễn ra, nhưng nhiều trường ĐH, CĐ đã nghĩ ra nhiều cách tuyển sinh để thu hút thí sinh. Vì áp lực chỉ tiêu, một số trường, nhất là các trường tư nhân, trường chưa có thương hiệu hay các trường có ngành nghề mới đã giới thiệu, quảng cáo, tư vấn chưa đúng về đơn vị của mình với các thí sinh. Và, ngay cả khi các trường có tư vấn sai thì cũng không có cơ quan quản lý nào đứng ra giám sát hoạt động này.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh học sinh cuối cấp ở các trường THPT (lớp 12), hiện nay đối tượng được nhắm tới cũng còn có nhiều trường THCS, cụ thể là các học sinh đang học lớp 9. Theo đó, hiện nhiều học sinh, phụ huynh có xu hướng cho con em mình đi học nghề, bỏ qua con đường ĐH, CĐ nên chỉ cần học xong lớp 9, các em hoàn toàn có thể đi học nghề. Hàng loạt các chương trình như tặng quà, phổ biến kiến thức, tiếp xúc tuyển sinh hay tư vấn nghề nghiệp miễn phí mà bản chất chỉ là giới thiệu đến học sinh các ngành, trường khiến nhiều học sinh tỏ ra hết sức bất ngờ.
Nhiều học sinh ở quận Gò Vấp chia sẻ, mặc dù là tư vấn tuyển sinh nhưng các thầy, chuyên gia lại chỉ nói, giới thiệu về một số ngành, trường cụ thể rồi yêu cầu học sinh nhanh chóng đăng ký, nộp hồ sơ trong khi chúng em còn chưa thi THPT Quốc gia.
Khởi động mùa tư vấn tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2019
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh ĐH, CĐ, hiện nay việc tư vấn tuyển sinh gần như được buông lỏng, không quan lý. Tự các trường sẽ bỏ tiền cũng như cách thức để đưa hình ảnh, thương hiệu của mình tới các thí sinh. Vì thế, nhiều trường, nhất là các trường tư thục, mới thành lập, chưa có thương hiệu cần thu hút thí sinh sẽ buộc phải tìm cách quảng bá.
Thậm chí, nhiều trường, các cán bộ làm công tác tuyển sinh còn giới thiệu quá đà, có khi không đúng sự thật hay nhập nhằng về trường, khoa, các mức học phí chỉ với mục đích thu hút các thí sinh theo học.
Tất nhiên, hậu quả của việc tư vấn tuyển sinh bị buông lỏng đã thể hiện trong nhiều kỳ tuyển sinh gần đây, đó là việc các thí sinh sau khi đăng ký theo học (như lời tư vấn tuyển sinh) được một thời gian thì mới biết, mới ngã ngửa là thực tế không như vậy. Lúc này, bỏ học hay tiếp tục là vấn nạn đau đầu mà nhiều khi các thí sinh còn không thể rút hồ sơ để theo học ở trường khác.
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có sự giám sát các hoạt động tư vấn tuyển sinh để đảm bảo chắc chắn các thông tin mà phía đơn các trường đưa ra dành cho thí sinh là đúng, chính xác chứ không chỉ đơn thuần là thông tin nhằm mục đích “quảng cáo, thu hút” như hiện nay.
Theo Đại Đoàn Kết