>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Đề xuất học và thi THPT theo tín chỉ

Cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT 6 môn hay 4 môn đều tốn kém và 99% học sinh đỗ, GS Mai Trọng Nhuận cho rằng nên tổ chức học và thi theo tín chỉ. Chủ trương hướng tới một kỳ thi quốc gia, đáp ứng yêu cầu, cung cấp căn cứ tin cậy cho việc xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đang thu hút sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, tổ chức kỳ thi này như thế nào vẫn đang là một câu hỏi lớn.

Theo GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, tốt nghiệp THPT là để xác nhận việc hoàn thành kiến thức phổ thông vì vậy nên học và thi THPT theo tín chỉ. Ví dụ, 3 năm phổ thông có bao nhiêu tín chỉ, học hết bằng ấy tín chỉ thì được công nhận tốt nghiệp, nếu chưa tích lũy đủ thì học tiếp và trách nhiệm là của giáo viên và hiệu trưởng. Việc thi và đánh giá đã được làm ở 6 học kỳ liên tục học sinh phải học nghiêm túc nếu muốn đạt kết quả tốt.

Ông Nhuận cho biết thêm, việc tổ chức thêm một kỳ thi cuối lớp 12 nữa, dù là 6 môn hay 4 môn, vừa tốn kém, vừa nặng nề mà kết quả luôn là 99% đỗ. Kỳ thi quốc gia chỉ nên dành cho việc đánh giá năng lực và kỳ thi này phải do các tổ chức chuyên nghiệp, độc lập, được phép của Bộ GD&ĐT, đảm nhiệm.

Hsinh-2-3391-1393907040.jpg

Thí sinh trước giờ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Trong khi đó, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần thiết đánh giá kết quả phổ thông. Nếu kỳ thi gắn với giáo dục phổ thông và làm được tốt thì ngoài việc công nhận tốt nghiệp, kết quả kỳ thi còn có thể làm căn cứ dùng thêm để tuyển sinh vào ĐH, CĐ.

Đồng quan điểm, ông Lê Viết Khuyến, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các trường ngoài công lập) cho rằng, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp vì nếu bỏ việc đánh giá học phổ thông thì mỗi nơi sẽ đánh giá một cách và tạo ra các chuẩn mực riêng.

Hai trong một - làm thế nào?

Kể từ khi ý tưởng có một kỳ thi với 2 mục đích xuất hiện, có khá nhiều ý kiến về việc tác hợp này. GS Hoàng Xuân Sính khẳng định sự cần thiết phải tổ chức một kỳ thi mang tính chất quốc gia. Bà nói: "Gọi là kỳ thi tú tài hay tốt nghiệp THPT hay là gì cũng được nhưng phải dần dần đưa nó vào quỹ đạo nghiêm chỉnh chứ không để như thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Thi xong, người muốn làm thợ thì đi làm thợ; người muốn đi học đại học thì đi học tiếp".

Bà Sính cũng lưu ý không nên dàn đều theo kiểu điểm sàn hiện nay. Các đại học trọng điểm như Bách khoa, Sư phạm, Kinh tế... phải thi tuyển với điểm cao mới cho vào; các đại học "làng nhàng" thì chỉ cần ghi danh. Ông Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM băn khoăn với câu hỏi 2 kỳ thi có 2 mục tiêu khác nhau - một là tổng kết 12 năm học; hai là hướng tới tuyển sinh vào ĐH, CĐ, vậy làm đề thi thế nào vấn đề không đơn giản.

Theo ông Nghĩa phân tích, đề thi sẽ phải có phần đánh giá kết quả 12 năm, phần để đánh giá năng lực học đại học và một phần ở giữa 2 phần đó; nhưng ông vẫn băn khoăn: nhóm học sinh hướng tới đại học chỉ chiếm, ví dụ 1/3 hay 2/5 thì số thí sinh còn lại đâu, có cần phải làm tất cả các câu hỏi thi tiến tới đại học và phải là đề thi thế nào để phân luồng thí sinh vào học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp...

Theo Vnexpress