Tăng theo lộ trình
Vừa qua, nhiều sinh viên hai trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận được văn bản điều chỉnh học phí năm học 2016- 2017. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố mức tăng học phí lên đến 30% so với trước đây theo lộ trình tự chủ tài chính. Giải thích điều này, TS. Lê Việt Thủy, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, học phí của nhà trường đang áp dụng nằm trong mức Nhà nước cho phép, đúng lộ trình quy định. "Mức học phí này không quá cao, phù hợp chi phí đào tạo chung, tương đương với nhiều trường đại học tự chủ tài chính khác trong nước. Có rất nhiều ngành 12 triệu đồng/năm, chỉ có một số ngành 17 triệu đồng/năm", TS Thủy cho biết.
Theo TS. Thủy, với việc tăng học phí nhà trường sẽ đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho sinh viên. Đối với sinh viên khó khăn, thuộc diện miễn giảm học phí, nhà trường thực hiện đầy đủ theo các quy định Nhà nước. Ngoài ra, các em không phải đóng thêm bất cứ một khoản tiền nào. Còn các em có hoàn cảnh khó khăn, nhưng chưa tới mức được miễn giảm học phí của Nhà nước mà đủ điểm vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nhà trường vẫn xem xét tặng học bổng hoặc miễn, giảm học phí một phần cho các em.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trạch, Phó giám đốc Học viện Nông Nghiệp Việt Nam cho biết: Mức học phí mà Học viện áp dụng nằm trong lộ trình tăng học phí Chính phủ cho phép và mới chỉ bằng 43% so với mức trần học phí Chính phủ đã quy định cho trường tự chủ. Tốc độ tăng học phí của nhà trường cũng thấp hơn mức 30% mỗi năm cho phép đối với trường tự chủ. Theo ông Trạch, các trường đại học tiến tới tự chủ về tài chính và nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở tăng mức thu học phí (Nhà nước xóa bỏ dần bao cấp). Điều này nhằm tránh vòng luẩn quẩn: Học phí thấp thì trường không thể đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng đào tạo thấp thì không thể tăng học phí, cuối cùng chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu xã hội.
Đối với những trường tự chủ tài chính Nhà nước sẽ cắt kinh phí thường xuyên từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, tất cả các hoạt động của Nhà trường vẫn phải chi, nhiều khoản chi phải theo giá cả ngang với thế giới như máy móc, thiết bị, vật tư, internet… do đó việc tăng học phí là tất yếu.
Nhiều sinh viên “mù mờ” tăng học phí
Dù nhiều trường có phương án tăng học phí, tuy nhiên, rất ít sinh viên biết về lộ trình tăng những năm tiếp theo. Nên hiện nhiều sinh viên khi vào nhập học ở các trường vẫn “mù mờ” thông tin về tăng học phí. Tức là học đến năm nào thì sinh viên được nhà trường thông báo mức học phí năm đó. Do đó, cứ đến đầu năm học sinh viên lại lo lắng khi nhận được thông báo việc tăng học phí. Sinh viên Nguyễn Thảo N. năm thứ hai trường Đại học Nội vụ chia sẻ: “Khi vào nhập học năm nhất, em không biết được những năm tiếp theo trường sẽ tăng học phí như thế nào. Học đến kỳ nào nhà trường thông báo đóng học phí kỳ đó. Do đó, khi biết thông tin tăng học phí, nhiều sinh viên đã phải đi làm thêm để có thêm thu nhập và giảm gánh nặng cho gia đình”.
Đã hoàn thành 4 năm học tại Học viên Bưu chính Viễn thông nhưng bạn Trần Thị Hòa (Minh Khai- Hà Nội) cũng không biết trước lộ trình tăng học phí của nhà trường từ đầu khóa học. “Khi vào nhập học, mình không biết được những năm tiếp theo nhà trường có tăng học phí hay không. Chỉ khi nào nhận được thông báo tăng học phí mình mới biết năm học đó phải đóng tiền tăng lên bao nhiêu”.
Nhằm làm an lòng sinh viên và các bậc cha mẹ, ông Nguyễn Xuân Trạch cho biết: Việc tăng học phí của Học viện Nông Nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ dẫn tới khó khăn về tài chính cho nhiều sinh viên. Tuy nhiên, các phụ huynh và sinh viên cần coi đây là một khoản đầu tư cho tương lai (có thể phải vay mượn) và sinh viên cần học tốt hơn để khoản đầu tư này có hiệu quả. Ở các nước tiên tiến cũng vậy, học phí của họ rất cao và sinh viên phải vay tiền ngân hàng để đi học đại học. Khi được hỏi về việc, khi tăng học phí quá cao so với thu nhập của gia đình liệu rằng sinh viên có bỏ học giữa chừng, ông Nguyễn Xuân Trạch cho biết: “Chúng tôi không thể trả lời được liệu có sinh viên nào phải bỏ học giữa chừng vì không thể chi trả mức học phí trong một năm học không. Tuy nhiên, việc này cả Nhà nước và Nhà trường cũng cần quan tâm xem xét”.
Với sinh viên, ngoài học phí, người học còn phải chi phí nhiều khoản như: Thuê trọ, tiền sinh hoạt, tiền đóng góp các khoản học tập khác... nên việc tăng học phí lên mức quá cao sẽ là gánh nặng với nhiều sinh viên và gia đình. Đặc biệt, việc nhiều sinh viên khi đăng ký học năm đầu không nắm rõ, hoặc không được thông báo về lộ trình tăng học phí của cả khóa học sẽ rơi vào cảnh "đâm lao thì phải theo lao" để theo học hết khóa. Do đó cơ hội theo học của nhiều học sinh sẽ ít đi hoặc làm cho sinh viên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù, Nhà nước và các trường đều có chính sách hỗ trợ cho sinh viên nhưng chỉ có một phần nhỏ được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Theo HQ, nguồn: http://www.baohaiquan.vn/pages/hoc-phi-tang-sinh-vien-phai-theo-lao.aspx