Kể từ năm học 2021 - 2022, học phí bậc đại học dự kiến sẽ tăng mạnh. Ngoài ra, nhiều trường công lập cũng sẽ đổi mới cơ chế hoạt động chuyển sang tự chủ.

> Tự chủ đại học: Ý kiến của lãnh đạo các trường thế nào?

> Đề xuất tăng học phí tất cả bậc học giai đoạn 2021-2026

đóng học phí đại học

Sinh viên đóng học phí tại một trường đại học ở TP.HCM

Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, năm học 2020 - 2021 này trường đang áp dụng học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ (9,8 triệu đồng cho năm học 10 tháng). Ở năm học 2021 - 2022, trường dự kiến vẫn thu học phí theo mức trần quy định đối với trường công lập chưa tự chủ chi thường xuyên. Tuy nhiên theo ông Hạ, lộ trình dự kiến vào năm 2022 - 2023 trường này sẽ chuyển sang tự chủ.

Trong khi đó, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM chính thức tăng học phí từ năm học 2021 - 2022 khi thực hiện tự chủ. Theo dự kiến, học phí năm học tới khoảng 25 triệu đồng/năm cho chương trình đại trà (gấp đôi mức thu hiện nay). Theo đề án ban đầu, học phí dự kiến năm học tới của Trường Đại học Kinh tế - Luật là 20,5 triệu đồng; Trường Đại học Công nghệ Thông tin cũng dự kiến 25 triệu đồng cho năm 2021.

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho hay trường này đã chính thức chuyển sang tự chủ từ năm 2018. Hiện trường đang thực hiện mức học phí tạm thu của năm học 2020 - 2021 là 14,3 triệu đồng/năm (sinh viên có hộ khẩu TP.HCM) và 28,6 triệu đồng/năm (sinh viên có hộ khẩu các địa phương khác).

Trường Đại học Y Dược TP.HCM chính thức thu học phí cho loại hình trường tự chủ từ năm nay. Ngành cao nhất là răng-hàm-mặt 70 triệu đồng/năm cho sinh viên khóa mới, y khoa 68 triệu đồng/năm và ngành thấp nhất 30 triệu đồng/năm. Các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm tăng thêm 10%.

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, để định ra mức thu học phí, nhà trường sẽ phải dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là khả năng chi trả của người học, sau đó là bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra, mức tăng học phí còn được khống chế bởi tỷ lệ phần trăm so với mức thu năm trước. PGS Điền cho biết hội đồng trường đã thông qua và áp dụng cho mức học phí với sinh viên khóa mới từ năm học 2020 - 2021. Trong đó lộ trình tăng học phí toàn khóa học, trung bình toàn trường là 8%, ngành cao nhất tăng 10%. Mức thu học phí hiện nay của trường là khoảng 20 triệu đồng/năm.

PGS Nguyễn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, cho biết trong thời gian qua, trường vẫn thu học phí theo Nghị định 86, nhưng không áp dụng đến trần được thu và cũng chỉ tăng 5%/năm. Riêng năm học 2020 - 2021, dù mức trần học phí tăng so với năm ngoái nhưng lãnh đạo nhà trường đã quyết định không tăng, vẫn giữ mức thu như năm ngoái. Theo đó, học phí đối với sinh viên khóa mới chương trình đại trà là 15,75 triệu đồng/năm; chất lượng cao là 30,45 triệu đồng/năm; đào tạo theo cơ chế đặc thù 18,9 triệu đồng/năm.

Bộ GD-ĐT đề nghị không tăng học phí tất cả các bậc học

Bộ GD-ĐT đề nghị không tăng học phí tất cả các bậc học

Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất xem xét và cho phép giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp học trong năm học 2021-2022.

Theo Thanh niên