Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Học chế tín chỉ: Chỉ hiệu quả nếu làm thực chất

Có mặt ở VN 20 năm nhưng học chế tín chỉ chưa tồn tại đúng với bản chất nên nó không phát huy được thế mạnh vốn có. Đầu năm nay, Bộ GD-ĐT có chủ trương không bắt buộc các trường ĐH, CĐ đào tạo theo tín chỉ. Liệu học chế này có nguy cơ phá sản ở VN? Hiện có 60% trường ĐH, 30% trường CĐ ở VN đào tạo theo tín chỉ. Tuy nhiên hầu hết các trường đều thực hiện học chế này theo kiểu nửa vời.

Một trong những nguyên tắc của học chế tín chỉ là sinh viên được quyền lựa chọn giảng viên, môn học và thời khóa biểu phù hợp. Thế nhưng kể từ năm 2001, khi Bộ yêu cầu áp dụng rộng rãi, hầu như sinh viên các trường chưa bao giờ thực hiện được đúng điều này.

Lỗi thuộc về… phần mềm

Mỗi đợt đăng ký môn học, luôn xảy ra tình cảnh sinh viên phải thức trắng đêm, chen chúc đăng ký. Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đào tạo tín chỉ được 6 năm nhưng đến nay về việc đăng ký môn học vẫn là điều khó khăn. Dù áp dụng phần mềm mới nhưng những lỗi như quá tải, bị xóa tên, mất lịch thi… vẫn diễn ra. Theo TS Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo, đây là trăn trở lớn nhất của trường trong việc Đào tạo tín chỉ.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng lâm vào tình trạng này. Hiện nay sinh viên phải đăng ký môn học lần lượt theo các khoa vì nếu đăng ký bất cứ thời gian nào như nước ngoài, chắc chắn sẽ dẫn đến quá tải. Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng bị lỗi về… công nghệ thông tin. Hai năm liên tiếp hệ thống đăng ký môn học đều trục trặc. Năm nay, trường phải “cắn răng” đầu tư thêm về hạ tầng cho phần mềm này và đã ổn định hơn trước. Theo PGS-TS Dương Anh Đức - Hiệu trưởng nhà trường, vấn đề nằm ở kinh phí. Băng thông internet của các trường ĐH tại VN hiện nay quá hẹp, không thể giải quyết dứt điểm được điều này. Theo tính toán, kinh phí đầu tư phải gấp 10 lần hiện nay mới không diễn ra tình trạng quá tải đăng ký môn học tại các trường.

Thiếu thốn đủ điều

Thực tế cho thấy phần lớn các trường ĐH, CĐ ở VN đều chưa đủ điều kiện để thực hiện học chế tín chỉ. Cơ sở vật chất, hạ tầng hiện nay như phòng thí nghiệm, thư viện… để sinh viên tự học chưa đầy đủ. Giảng viên cũng phải dạy quá nhiều, không đúng tinh thần của đào tạo tín chỉ. Theo các chuyên gia giáo dục, để đảm bảo chất lượng, mỗi giảng viên chỉ dạy tối đa 2 lớp/học kỳ nhưng các trường cũng không thực hiện được điều này.

Liên tục trong hai năm 2010 và 2012, Trường ĐH Sài Gòn tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Đổi mới phương pháp giảng dạy ĐH theo tín chỉ”. Các chuyên gia chỉ ra nhiều hạn chế khi áp dụng hình thức đào tạo này trong điều kiện của VN. Theo PGS-TS Phạm Xuân Hậu (Trường ĐH Văn Hiến), trở ngại nhất là chương trình đào tạo chưa đồng bộ, xơ cứng, thiếu uyển chuyển; ít giảng viên trình độ cao; cơ sở vật chất còn nghèo nàn, thiếu thốn… Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng: “Cách dạy, học vẫn còn chưa thoát khỏi tinh thần niên chế. Tính chủ động của sinh viên còn yếu kém”.

Khi mọi điều kiện để thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ chưa đủ mà vẫn phải làm theo yêu cầu của Bộ, nhiều trường máy móc chỉ chuyển đổi con số. Nghĩa là từ 210 đơn vị học trình theo niên chế  thành 140 đơn vị theo tín chỉ. Như vậy, dù mang hình thức như tín chỉ nhưng thực chất vẫn là niên chế. Tuy nhiên, một thời gian, do giảm đơn vị học trình, phải cắt nhiều nội dung nên chất lượng đào tạo giảm sút…

Làm dần dần nhưng làm đúng

Trong cuộc họp với các trường ĐH vào tháng 2.2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng chính ông cũng không tin có thể đồng loạt đào tạo theo tín chỉ khi đội ngũ giáo viên còn thiếu, cơ sở vật chất và hệ thống tài liệu phục vụ giảng dạy chưa đầy đủ. Vì thế, Bộ khuyến khích các trường chuẩn bị đủ điều kiện mới triển khai thực chất.

Theo tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, việc Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tuyên bố không bắt buộc đào tạo tín chỉ là đã nhìn nhận đúng thực tế hiện nay. Nếu kêu gào đến năm 2010, 2012, 2014 phải đào tạo tín chỉ 100% là bệnh thành tích. Bộ có quy định các trường cần thiết lập lộ trình để chuyển hoàn toàn sang đào tạo tín chỉ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc trì hoãn này có khiến các trường quay lại đào tạo theo niên chế - loại hình mà hầu hết các nước đều không còn thực hiện? Ông Dũng khẳng định: “Phải làm dần dần. Đào tạo tín chỉ là xu hướng tiến bộ và bắt buộc phải làm chứ không thể quay lại đào tạo theo niên chế được”.

Từ quy định 100% các trường thực hiện đến không bắt buộc

Học chế tín chỉ được khởi xướng từ Trường ĐH Harvard năm 1872, sau đó được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới vì tính linh hoạt. Tại VN, năm 1993, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thí điểm đào tạo theo tín chỉ, sau đó đến các trường như: ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt… Năm 2001, Bộ GD-ĐT quyết định áp dụng rộng rãi và quy định đến hết năm 2010, tất cả các trường ĐH, CĐ chuyển sang đào tạo theo tín chỉ. Tuy nhiên, trước tình hình thực tế, cho đến nay, Bộ không bắt buộc tất cả các trường phải đào tạo theo tín chỉ nữa.

Nguồn: thanhnien.com.vn