Cùng tìm hiểu về những yếu tố khiến tỉnh Hòa Bình tăng 29 bậc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT so với năm ngoái nhé!
Theo dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT của khoảng một triệu thí sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp ngày 24/7, Nam Định dẫn đầu về điểm trung bình 9 môn thi, tăng một bậc so với năm ngoái. Hòa Bình tăng mạnh nhất khi từ vị trí áp chót (62) lên hạng 33. Điểm trung bình 9 môn của khoảng 9.600 thí sinh tỉnh này đạt 6,289 điểm, tăng 6,23% so với năm ngoái. Trong 63 địa phương, đây là mức tăng cao nhất.
Bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thứ hạng của Hòa Bình năm nay phản ánh sự nỗ lực lớn của tỉnh và ngành giáo dục. "Kết quả năm 2022 về thứ hạng tăng nhiều (29 bậc) nhưng về điểm bình quân thì tăng đảm bảo lộ trình: năm 2021 tăng 0,2 điểm so với năm 2020, năm 2022 tăng hơn 0,3 so với năm 2021", bà Tuyến nói, đồng thời chỉ ra năm nhóm lý do giúp tỉnh đạt được kết quả này.
2021-2022 là năm học thứ ba Hòa Bình thực hiện chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng phổ thông, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đây cũng là năm thứ ba Sở Giáo dục và Đào tạo giao trách nhiệm về chất lượng giáo dục cho các nhà trường. "Giáo viên chịu trách nhiệm về chất lượng bộ môn mình dạy trước tổ chuyên môn và lãnh đạo trường, tổ chuyên môn chịu trách nhiệm trước ban giám hiệu, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở", bà Tuyến chia sẻ.
Hòa Bình giải thích lý do tăng vọt thứ hạng điểm thi THPT
Sở Giáo dục và Đào tạo dùng kết quả tuyển sinh vào lớp 10 để đánh giá về chất lượng của các Phòng Giáo dục và trường THCS, điểm thi tốt nghiệp THPT để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng trường THPT. Sở còn xây dựng tiêu chí điểm cộng và trừ khi đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và cán bộ quản lý đối với điểm trung bình chung các môn thi.
Lý do thứ hai được bà Tuyến đưa ra là khóa học sinh tốt nghiệp năm nay là khóa đầu tiên tỉnh tổ chức thi tuyển sinh đầu vào lớp 10 cho 100% trường THPT sau nhiều năm chỉ thực hiện với các trường ở trung tâm thành phố, huyện. Điều này giúp tăng chất lượng đầu vào các trường THPT.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm học 2021-2022 tỉnh Hòa Bình vẫn dạy học trực tiếp được, chỉ một số trường phải học trực tuyến trong thời gian tính bằng tuần hoặc ngày.
Thời gian học sinh đến trường học trực tiếp, các trường tăng buổi dạy (học hai buổi mỗi ngày hoặc học thứ 7, chủ nhật) theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bà Tuyến cho biết đến cuối tháng 3 đầu tháng 4, các nhà trường đã kết thúc chương trình học đối với các môn thi tốt nghiệp và dành toàn bộ tháng 4, 5, 6 để ôn tập cho học sinh lớp 12.
"Các trường đều ôn đến sát ngày thi, nhiều trường ôn đến ngày 4/7. Rất nhiều giáo viên ngoài những buổi ôn theo giờ học trên lớp, còn tận dụng để ôn cho học sinh vào buổi tối, ngày nghỉ, giao bài cho các em làm theo ngày trên các ứng dụng như Zoom, Facebook, Zalo", bà Tuyến thông tin.
Về kế hoạch ôn luyện cho học sinh, cán bộ cốt cán từng bộ môn xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, mỗi môn từ 500 đến 2.000 câu hỏi để giáo viên ôn tập cho học sinh. Các trường khảo sát, phân loại để có kế hoạch ôn sát với từng nhóm đối tượng ở từng môn học, đồng thời có định hướng học sinh lựa chọn khối, lớp theo năng lực ngay từ đầu cấp.
Có 36 trường THPT và 11 trường Phổ thông dân tộc nội trú, Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chú trọng đến các trường ở vùng xa, thiếu giáo viên hoặc giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm ôn thi. Ngay từ đầu năm học, Sở đã điều động giáo viên cốt cán, có năng lực hỗ trợ các trường này.
Bà Tuyến chia sẻ cũng trong năm học rồi, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai kỳ thi thử tốt nghiệp THPT cho 100% các trường bằng đề chung của tỉnh. Căn cứ kết quả, giáo viên phân tích, chỉ ra những lỗi chưa đạt, xác định môn các em có thể tăng điểm để điều chỉnh nội dung ôn tập theo từng nhóm đối tượng. Ban giám hiệu phân công giáo viên bộ môn, chủ nhiệm kèm phụ đạo đối với học sinh có kết quả thi thử kém và có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Ngoài ra, rất nhiều trường tổ chức thi thử thêm 1-2 lần nữa để điều chỉnh nội dung ôn tập.
Cuối cùng, bà Tuyến nhận định việc phân tích kết quả thi năm 2021 để rút kinh nghiệm cũng giúp địa phương này nâng cao thành tích trong năm nay. Bà cho biết năm ngoái, một số nguyên nhân khiến Hòa Bình có điểm trung bình đứng áp chót, trong đó có việc điểm trung bình chung khối giáo dục thường xuyên thấp kéo điểm toàn tỉnh xuống (số thí sinh hệ giáo dục thường xuyên chiếm 10%).
Vì vậy năm học này, Sở tập trung tập huấn cho giáo viên dạy các môn thi của Trung tâm Giáo dục thường xuyên từ phương pháp ôn thi, xác định nội dung ôn cho từng đối tượng học viên để cải thiện kết quả.
Bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả thi học sinh giỏi quốc gia của Hòa Bình năm học này cũng có bước tiến đáng kể cả về số lượng và chất lượng giải (tăng từ 11 lên 23 giải). "Điều đó cho thấy chất lượng giáo dục chung toàn tỉnh có sự chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định", bà Tuyến nói.
Không có dữ liệu để phân tích sâu về các yếu tố giúp Hòa Bình thăng hạng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng một chuyên gia giáo dục cho hay việc được học trực tiếp, không bị gián đoạn bởi dịch là một trong những lý do khách quan giúp kết quả thi của học sinh Hòa Bình tốt hơn nhiều tỉnh, thành khác - những nơi bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi Covid-19.
> Lớp có 29 học sinh đạt điểm khối A01 từ 27 trở lên
> Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH của các trường phía Bắc theo điểm thi tốt nghiệp 2022
Theo VnExpress