Chương trình "điều ước cho em" được phát động để giúp đỡ, thực hiện hóa ước mơ cho các học sinh và giáo viên ở vùng khó khăn như cải tạo trường học, nhà vệ sinh, lắp nước sạch,...

hoạt động giảng dạy

Từ trái qua: Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ, đại diện Trung ương Hội Chữ thập đỏ hợp tác tổ chức chương trình "Điều ước cho em"

Chiều 11/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa tổ chức lễ phát động chương trình "Điều ước cho em".

Chương trình nhằm kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cùng hỗ trợ học sinh, giáo viên tại các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn đầu, "Điều ước cho em" tập trung vào 6 nhóm chính, gồm: Đầu tư, xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học vùng đặc biệt khó khăn; xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; hỗ trợ đồ dùng học tập và sinh hoạt; phối hợp tài trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh.

Việc triển khai chương trình "Điều ước cho em" xuất phát từ thực trạng cơ sở vật chất trường lớp chưa được cải thiện đồng bộ trong những năm qua, đặc biệt tại những vùng khó khăn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có hơn 440.000 phòng học nhưng tỷ lệ kiên cố hóa chỉ đạt 79,5%. Nếu tính riêng cấp mầm non, con số này chỉ 62,5%, thể hiện rõ nhất tại vùng núi phía bắc, Bắc và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96 nên chưa đủ triển khai học hai buổi trong ngày. Nếu xét nhà vệ sinh tại các cấp, chỉ 67% trên tổng số 188.000 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn kiên cố.

Từ cuối năm 2020, "Điều ước cho em" đã được triển khai, hỗ trợ xây dựng 15 công trình trường đẹp, nhà bán trú, nhà vệ sinh cho học sinh các tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Quảng Trị, Quảng Ngãi... Trong lễ phát động, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết hỗ trợ hàng chục công trình, hơn 50.000 suất ăn và bữa ăn... trị giá gần 127 tỷ đồng.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ mong muốn chương trình "Điều ước cho em" sẽ kết nối, sẻ chia và lan tỏa giá trị nhân ái trong cộng đồng, thúc đẩy hỗ trợ phát triển giáo dục tại các vùng khó khăn. "Để triển khai được nhiều điều ước cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị ngành giáo dục các cấp tham mưu cho chính quyền, chỉ đạo nhà trường thống kê, đăng ký nhu cầu cụ thể", bà Minh nói.

Người không học chuyên ngành sư phạm vẫn có thể trở thành giáo viên

Tự hào người Việt với những công trình nghiên cứu xuất sắc

Theo Vnexpress