Ngoài ở nước Đức, tiếng Đức còn được nói tại Áo, tại nhiều vùng rộng lớn của Thụy Sĩ, tại Liechtenstein, Luxemburg cũng như nhiều vùng miền bắc nước Ý, miền đông nước Bỉ và miền đông nước Pháp. Tiếng Đức là ngôn ngữ chính thống duy nhất hoặc theo từng địa phương tại bảy nước châu Âu. Trong Liên minh châu Âu, tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp là những ngôn ngữ làm việc quan trọng nhất. Hiện trên khắp thế giới có khoảng 15 đến 16 triệu người đang học ngoại ngữ là tiếng Đức.
Biết tiếng Đức sẽ dễ dàng tiếp cận văn hóa và đời sống thực tiễn của nước Đức. Trong công tác hỗ trợ việc truyền bá tiếng Đức, Bộ ngoại giao Đức hợp tác chặt chẽ với viện Goethe, với Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), với Cơ quan trung tâm về giáo dục nước ngoài và Cơ quan trao đổi sư phạm của hội nghị các bộ trưởng văn hóa.
Việc học tiếng Đức được bổ sung bằng một hệ thống thi cử nhằm khẳng định những sinh viên nước ngoài muốn du học Đức có đủ kiến thức tiếng Đức. Kỳ thi TESTDAF mới được đưa vào sử dụng.
Viện Goethe cũng như Trung tâm Việt-Đức tại Hà Nội và Trung tâm Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh mở các khóa dạy tiếng Đức và cung cấp thông tin về các khóa dạy tiếng Đức tại Đức cũng như về các tài liệu giáo khoa , đồng thời tổ chức những kỳ thi cấp chứng chỉ về tiếng Đức.
Xã hội dân sự Đức
Họ giúp trẻ em nhập cư học tiếng Đức, cùng đi với một tổ chức phi chính phủ đến một khu vực khủng hoảng để giúp những người chạy nạn hay tham gia làm lính cứu hỏa tự nguyện: 23 triệu người ở Đức – một phần ba số dân trên 16 tuổi – tích cực hoạt động vì cộng đồng, dù là trong công tác xã hội, bảo vệ môi trường, hay trong những nhóm người chung sở thích. Những người này là chỗ dựa của xã hội dân sự ở Đức. Họ giải quyết các vấn đề và giúp đỡ những người khác mà không hề nhận tiền cho bản thân.
Xã hội dân sự, việc làm của công dân, công tác xã hội – có nhiều tên gọi cho việc làm tình nguyện. Nhà khoa học Helmut Anheier, Giáo sư xã hội học thuộc Đại học Heidelberg, định nghĩa xã hội dân sự là „năng lực tự tổ chức của xã hội – độc lập với nhà nước, nhưng không nhất thiết đối lập với nhà nước“.
Một trong những viên gạch quan trọng xây nên xã hội dân sự là các quỹ xã hội. Những quỹ xã hội làm nhiều việc trong đó có việc cấp học bổng, lo kinh phí cho các bảo tàng hay bỏ tiền lo chỗ ở cho những người cần được chăm sóc … thật sự bùng nổ tại Đức. Trong năm 2008 các quỹ này đạt con số kỷ lục mới. Hiệp hội các quỹ xã hội của Đức tính được 16.406 quỹ loại này – thêm 6% so với năm trước đó.
Nước Đức đã vươn lên vị trí dẫn đầu các nước có nhiều quỹ làm công tác xã hội nhất châu Âu. Đặc biệt tăng trưởng là con số các quỹ công dân mà ở đó ai cũng có thể trở thành người sáng lập. Về mặt này Đức ở vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ. Gần như duy nhất trên thế giới là các quỹ chính trị gần gũi với các đảng, hoạt động cho chính trị, xã hội và phát triển.
Cũng có nhiều tổ chức phi chính phủ của Đức có mặt trên toàn cầu. Các tổ chức này dấn thân cho thương mại thế giới công bằng cũng như cho những con người bị đe dọa bởi sự diệt chủng. Chính vì vậy mà công việc của họ như cái gai trong mắt các chính trị gia tại những quốc gia độc tài. Nhưng công luận lại đánh giá cao cho sự dấn thân của họ. Và cũng công nhận họ trên trường quốc tế, ví dụ như trường hợp của Monika Hauser: Nữ bác sĩ phụ khoa này đã thành lập nên „medica mondiale“, một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những phụ nữ bị chấn thương bởi chiến tranh, và đã được trao giải Nôben luân phiên năm 2008.
Kenhtuyensinh.vn (theo: đại sự quán Đức)