>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, học đường

Cứ đầu năm học mới, không chỉ phụ huynh học sinh lo lạm thu mà nhiều thầy cô giáo cũng rất sợ "lạm thu". Nghe phụ huynh ca thán, thấy ánh mắt học trò nhìn thầy cô thiếu niềm tin thì làm sao đạo lí, kiến thức học để làm người có thể cảm thụ được?

Bài viết Trần Thị Kim Liên (nguyên HT Trường THCS Đống Đa, Hà Nội)dưới đây đề cập đến một vấn đề về tài chính -các khoản: được thu, thu thỏa thuận, thu hộ, xã hội hóa (XHH) giáo dục với mong muốn phụ huynh hiểu đâu là lạm thu tiêu cực, đâu là thu để phục vụ học sinh.

"Két" nhà trường luôn rỗng?

Nguồn thu của nhà trường có ngân sách nhà nước (NSNN) cấp từ hệ thống mầm non đến phổ thông - phân bổ theo số lượng học sinh của từng trường. Cụ thể: Mầm non được cấp 3,4 triệu đồng /học sinh /năm, Tiểu học 3 triệu /học sinh/năm, THCS 3,7 triệu/học sinh/năm, THPT 4 triệu / học sinh/năm. Khối trường chuyên được phân bổ như sau: Trường Chuyên Hà Nội-Amsdam15 triệu/học sinh/năm, Trường Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông), Chuyên Sơn Tây 10 triệu/ học sinh/năm.

Những khoản chi đầu năm học khiến hiệu trưởng đau đầu

Những khoản chi đầu năm học khiến hiệu trưởng đau đầu

Tiền NSNN qui định trích 60% để chi trả lương, 40% chi dùng cho sửa chữa CSVC, tiền điện nước, phục vụ các hoạt động dạy học... Trường có nhiều học sinh thì NSNN cấp nhiều tiền.

Ngoài nguồn NSNN cấp nhà trường được thu học phí từ năm học 2013-2014 với mức 40.000 đồng/tháng/học sinh nội thành, 20.000 đồng/tháng/học sinh ngoại thành và nông thôn. Các em diện chính sách như con thương binh liệt sĩ, hộ nghèo được miễn giảm, một số vùng miền khó khăn học sinh được cấp gạo15 kg/ tháng (chính sách mời của năm học này). Nguồn thu từ học phí qui định 60% chi cho các hoạt động của dạy học, 40% hỗ trợ bù vào lương vì NSNN không đủ cấp .

Đơn cử thực tế ở một trường nội thành Hà Nội, khuôn viên 6000 m2, đạt chuẩn Quốc gia, có 28 lớp học (tức là trường loại 1) với 700 học sinh. NSNN cấp 3,7 triệu /học sinh x (700 học sinh - 50 học sinh miễn giảm) = 2405 triệu đồng. Tiền được thu từ học phí: 40.000 đồng x 9 tháng /học sinh x 650 học sinh  = 234 triệu đồng. Vậy két của trường sẽ có 2.639 triệu đồng phải nộp vào Kho bạc nhà nước quản lí, giám sát chi tiêu.

Thu không đủ bù chi

Theo qui chuẩn trường có 55 giáo viên, 3 BGH và 8 nhân viên không có lao công. Tổng số chi trả lương cho đội ngũ giáo viên, nhân viên (5 triệu/tháng x 58 giáo viên) + (2,5 triệu/ tháng x 8 nhân viên) x11 tháng = 3.410 triệu). Tiền điện theo hóa đơn 8 triệu /tháng, nước 3 triệu /tháng. Tổng 11 tháng là 121 triệu đồng.

  • Hai khoản bắt buộc phải chi như trên là 3531 triệu đồng.
  • Nếu lấy tổng thu 2.639 triệu trừ tổng chi 3.531 triệu  = âm 892 triệu đồng.

Một năm học có rất nhiều hoạt động giáo dục nội ngoại khóa bắt buộc phải thực hiện: Hội học, Hội giảng, Hội khỏe, Hội diễn, các hoạt động theo chủ điểm hàng tháng, hỗ trợ đột xuất HS có hoàn cảnh đặc biệt, thưởng thi đua các phong trào học sinh giỏi, hoạt động từ thiện ...

Để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu xã hội - nhà trường phải trang bị máy vi tính, sách thư viện, dụng cụ y tế, văn phòng phẩm, bàn ghế, quạt đèn, đường điện, sân chơi ..... Chưa kể, nếu có dịch bệnh phải lo phun thuốc diệt trùng, sát khuẩn ...bao nhiêu thứ sẽ cần kinh phí phải lấy từ NSNN và học phí mà không có thì đành nhìn mọi thứ xuống cấp ...

Nhà trường không có tiền trả lương giáo viên - phải chờ xin NSNN - vì thế chuyện chậm lương, nợ lương là bình thường. Việc sửa chữa nhà trường phải chờ phê duyệt dài dài .... nếu trường có tiền. Không có tiền xin UBND quận, huyện với cơ chế " xin - cho" thì phải hàng năm.

Để bảo vệ an toàn học sinh, vệ sinh sạch sẽ buộc phải thuê thêm 2 nhân viên bảo vệ, 2 lao công. Khoản này mỗi năm phải bù chi (2,5 triệu x 4 người x 11 tháng = 110 triệu). Nguồn nước ô nhiễm, đun nước bằng than độc hại học sinh, các đoàn kiểm tra y tế phê bình nên các trường đa phần mua nước bình. Vậy tiền này lấy ở đâu?

Những khoản thu làm hiệu trưởng "đau đầu"

Đất nước đang hội nhập quốc tế, Tin học cần phổ cập nhanh chóng, không có máy vi tính thì dạy trò như thế nào? Chỉ còn cách bàn bạc thỏa thuận với phụ huynh cùng phối hợp mua máy thuê người dạy (vì hiện chưa có chỉ tiêu giáo viên tin học).Vì vậy mới có khoản thu thỏa thuận - đây là khoản có nhiều ý kiến phản bác nhất.

Với những gia đình thực sự khó khăn, đối tượng chính sách được miễn giảm, không thu đổ đồng. Phụ huynh được giải thích cặn kẽ. Thu chi theo qui chế dân chủ, công khai thì vẫn bị gọi đó là lạm thu. Có nhiều người vẫn cho rằng nhà trường thuộc trách nhiệm quận, huyện phải cấp kinh phí. Thực tế nguồn NSNN không dễ gì xin được nên nhiều trường đành để xuống cấp đỡ mang tiếng lạm thu, hiệu trưởng an toàn .

Với những khoản thu hộ dễ gây hiểu nhầm thu vào "két của trường" như: BHYT, BHTT với gần 400.000 đồng. Loại bảo hiểm này cần thiết nếu có chuyện rủi ro xảy ra với học sinh. Nên chăng sau này các cơ quan bảo hiểm thu theo năm tài chính - bắt đầu từ tháng 1 của năm mới  để giảm bớt số tiền dồn vào đầu năm học.

Ngoài ra, khoản thu hộ còn có tiền quĩ Đoàn Đội: 18.000 đồng/ học sinh/ năm nhưng thực chi không đủ - nhà trường phải bù chi. Một khoản thu gây nhiều tranh cãi bức xúc đó là qũi hội cha mẹ học sinh (CMHS) của lớp, của trường. Hội CMHS hoạt động theo nguyên tắc phối hợp chặt chẽ chăm lo cho học sinh, động viên thầy trò hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học...

Có nhiều người ác ý gọi các vị đại diện CMHS là "tay sai của nhà trường,tiếp tay cho các thầy cô ăn tiền..." Không phủ nhận là có những vị "tình nguyện tham gia" rồi lợi dụng danh nghĩa trường làm việc sai trái, tiêu cực. Còn đa phần các vị được phụ huynh bầu đại diện cho trường, lớp đều là những nhà hảo tâm làm phúc, làm việc thiện cho con em mình. Nhiều người đã bỏ sức, bỏ tiền của thời gian lo cho học sinh của lớp mà không tính toán.

Cần sức dân

Trong khi NSNN cấp cho nhà trường hoạt động chưa đủ, đặc biệt trường công lập ở thành phố từ 1.000 học sinh, nông thôn 1.200 học sinh trở xuống rất khó khăn (không kể trường chuyên và dân lập) thì càng cần sự chung tay góp sức ủng hộ về tinh thần và vật chất của phụ huynh và nhân dân.

Việc đóng góp phục vụ HS không chỉ có ở Việt Nam, mà ngay các trường học ở các nước Châu Âu (Đức, Pháp ...) vẫn phải dựa vào sự XHH của dân. Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, ngoài các vấn đề thuộc tầm vĩ mô - hãy quan tâm xây dựng các đơn vị cơ sở trường học từng vùng miền. Ngoài việc thực hiện đúng qui chế dân chủ, công khai minh bạch, đặc biệt người hiệu trưởng  - chủ tài khoản, chịu trách nhiệm trước xã hội và phụ huynh phải có cái tâm trong sáng vì HS mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ GD hiện nay.

Theo  Trần Thị Kim Liên (nguyên HT Trường THCS Đống Đa, Hà Nội) - Trích đăng từ Vietnamnet 25/10/2013