Nếu bạn đang cảm thấy khó khăn, chán nản khi tự học tiếng Trung. Liệu tự học Tiếng Trung có thể chinh phục học bổng du học tại Trung Quốc? Bài viết sau đây sẽ tạo động lực cho bạn tiếp tục nỗ lực học Tiếng Trung.
Bạn thắc mắc liệu có thể tự học Tiếng Trung không?
Hạ là cựu sinh viên khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP HCM. Cô tham gia kỳ thi đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế (HSK), giành học bổng thạc sĩ ngành Triết học Mác - Lênin của Đại học Tương Đàm, tỉnh Hồ Nam, năm 2020. Trường hiện cho sinh viên học online vì dịch bệnh, nhưng Hạ quyết định xin bảo lưu vì muốn có thời gian bổ sung kiến thức nền tảng.
Hiện Hạ về quê Quảng Nam, tiếp tục làm thêm và dành thời gian đọc sách chuyên ngành bằng tiếng Việt rồi mới nghiên cứu sách bằng tiếng Trung. Với Hạ, việc giành học bổng du học và học thạc sĩ trái ngành là những bước ngoặt lớn trong cuộc đời.
1. Hoàn cảnh gia đình của cô gái chinh phục học bổng nhờ tự học Tiếng Trung
10 tuổi, Hạ mồ côi mẹ. Nhà cô nằm giữa những ngôi mộ, trong khu mà tất cả hàng xóm đều cách nhau một khu vườn rộng vài trăm m2. Sợ ma nhưng Hạ chưa bao giờ dám níu bước chân ba mỗi chuyến đi làm xa vì biết rằng chuyến đi đó chứa hy vọng về cuộc sống ngày một tốt hơn của gia đình. Ngày đi học, tối đến làm bạn với bóng đêm đã tôi luyện Hạ thành con người gan dạ.
Học đại học ở TP HCM, ngoài giờ lên lớp, Hạ đi phát tờ rơi, bán sữa, làm gia sư hay tiếp thị hàng hóa. Khi Hạ đang học năm thứ ba, ba cô mất vì đột quỵ. Mọi thứ dường như sụp đổ vì ba là động lực phấn đấu của Hạ. Lúc ấy, người xung quanh nhìn cô với ánh mắt thương hại và thốt lên những lời cảm thán. Nhưng Hạ không cho phép mình buông xuôi mà tin sẽ gặt quả ngọt nếu nỗ lực.
2. Từ nỗ lực tự học Tiếng Trung đến chinh phục học bổng du học tại Trung Quốc
Mê phim Trung Quốc, lớn lên chút thích nghe bài hát tiếng Trung, Hạ tự học tiếng sau khi tốt nghiệp đại học năm 2018, kiếm được một công việc ổn định. Cô tham khảo cách mọi người học trên mạng rồi mua giáo trình tiếng Trung và học theo hướng dẫn trên YouTube. Khó khăn lớn nhất là không có môi trường rèn luyện. Chữ viết khó nhớ nên cô phải luyện mỗi ngày.
Khi vốn từ đã khá, cô sử dụng một số app để kết bạn và nói chuyện với người Trung Quốc, đa phần là các bạn đang học tiếng Việt. Những người bạn giúp Hạ chỉnh phát âm và ngữ điệu tự nhiên hơn.
Cô gái quê Quảng Nam bắt đầu có ý định du học sau khi đọc được bài chia sẻ kinh nghiệm trong hội tự xin học bổng Trung Quốc. "Tôi nghĩ mình đã học tiếng Trung thì không nên bỏ phí, tại sao không đi học thêm để mở mang kiến thức? Tôi quyết định học nghiêm túc để du học", Hạ nói.
Sau giờ đi làm, Hạ dành 3-4 tiếng buổi tối để học tiếng. Một bài trong giáo trình sẽ được chia thành hai ngày: Một ngày học từ vựng, ngữ pháp; ngày còn lại làm bài tập và đọc bài khóa nhuần nhuyễn. Trước khi học bài mới, cô ôn lại kiến thức và từ vựng bài cũ. Ở công ty, cô tranh thủ những lúc nghỉ, mở bài giáo trình Hán ngữ để nghe đi nghe lại hoặc xem thêm video tiếng Trung trên YouTube.
Trong 3 tháng, cô hoàn thành ba cuốn giáo trình và đăng ký thi HSK 5. HSK gồm 6 cấp độ và mỗi trường ở Trung Quốc sẽ có yêu cầu về HSK khác nhau. Hạ thi đạt 192 điểm HSK 6, vừa đủ điểm xin học bổng.
Nộp bốn hồ sơ vào các trường đại học An Huy, Sư phạm Hồ Nam, Trịnh Châu và Tương Đàm, Hạ gửi hồ sơ mềm trên hệ thống trước, sau đó gửi bản cứng qua đường bưu điện đến trường. Tuy nhiên, lúc kiểm tra hành trình của bưu cục, cô mới biết hồ sơ không có ai nhận. Vì Covid-19, các trường liên tục đóng cửa. "Tôi đã rất lo vì hồ sơ có nguy cơ bị hủy hoặc gửi trả về. Cuối cùng, các trường thông báo không cần nộp hồ sơ cứng", Hạ nhớ lại.
Sau thời gian chờ đợi, Hạ nhận tin đỗ học bổng toàn phần của Đại học Tương Đàm, nhưng là ngành... Triết học Mác - Lênin, không phải Báo chí như nguyện vọng. Năm 2020, ngôi trường do Mao Trạch Đông thành lập thay đổi chính sách, tập trung học bổng cho ngành Triết học. "Tôi khá hụt hẫng, suy nghĩ rất lâu xem có nên chấp nhận quyết định hay từ bỏ", Hạ kể.
Cô xin tư vấn của một người chị học chuyên ngành Triết học bên Trung Quốc và tự tìm hiểu, nhận ra học Triết là học cách tư duy, khi đã nắm được rồi thì có thể ứng dụng vào bất cứ lĩnh vực nào trong khối xã hội. Học Triết học, cô cũng có thể làm việc trong lĩnh vực báo chí truyền thông.
Sắp tới, Hạ vào Sài Gòn, xin việc liên quan tới tiếng Trung để chờ được đi học. Cô dự định sau khi du học sẽ về nước, làm việc trong mảng tiếng Trung. Nếu có cơ hội, cô mở lớp dạy tiếng Trung hoặc dạy tiếng Việt cho người Trung Quốc.
"Ở hoàn cảnh của mình, tôi chỉ có một con đường duy nhất là cố gắng. Tôi không đóng khung bản thân trong bất kỳ lĩnh vực nào. Miễn là lĩnh vực đó tôi tư duy tốt, làm tốt và thoải mái với công việc", Hạ chia sẻ.
Nhắc tới Dương Thị Hạ, anh Trần Ngọc Duy, hiện học thạc sĩ ngành Giáo dục Hán ngữ Quốc tế, admin của cộng đồng tự xin học bổng Trung Quốc, bày tỏ sự khâm phục. Trong một sự kiện nhằm khích lệ các bạn có nhiều kinh nghiệm chia sẻ và tạo động lực cho thế hệ sau, anh Duy đã nghe Hạ kể câu chuyện của mình.
Thông qua nói chuyện, anh nhận thấy Hạ thực sự cầu thị, luôn thể hiện sự quyết tâm và nhiệt huyết trong việc theo đuổi ước mơ du học Trung Quốc. "Một năm mà chinh phục được HSK 6 cho thấy bạn ấy đã cố gắng rất nhiều", anh Duy nói.
> TOP 5 công cụ miễn phí giúp bạn nâng cao khả năng ngoại ngữ
> Điểm chuẩn các ngành học liên quan đến tiếng Hàn Quốc tại một số trường Đại học
Theo VnExpress