Trần Mai Ngọc (1988) hiện là Assistant Professor (giáo sư trợ lý) Toán tại Đại học Texas - Austin (Mỹ) chia sẻ về hành trình cùng môn Toán của bản thân.
Trước khi quay lại Mỹ vào năm 2017, nữ giáo sư trẻ từng có 7 năm học phổ thông và đại học ở Australia, 3 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ (postdoc) tại Mỹ và 2 năm là giáo sư tại Đại học Bonn (Đức).
GS Trần Mai Ngọc nói rằng rất nhiều người thường nghĩ muốn trở thành nhà Toán học, ngay từ khi còn nhỏ phải có năng lực đặc biệt hoặc phải giành được các giải quốc gia, quốc tế. Nhưng thực tế, câu chuyện của chị lại hoàn toàn không giống vậy.
“Quả thực tôi có thích Toán từ những năm cấp một, nhưng khi đó đơn giản chỉ vì cảm thấy học rất vui. Tôi chưa bao giờ là học sinh xuất sắc về Toán. Thời phổ thông ở Việt Nam, tôi chưa từng theo học lớp chuyên Toán, cũng không lọt vào tốp những học sinh đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi cấp quận", chị Ngọc kể.
Ước mơ “muốn làm Toán” của chị Ngọc càng trở nên rõ ràng hơn khi vào năm lớp 8 theo bố mẹ sang Australia học tập.
“Tôi nhận thấy có một sự chênh lệch rất lớn giữa trình độ Toán của học sinh Việt Nam và học sinh Australia. Khi ấy, tôi thấy rất bực vì tại sao mình lại bị xếp vào lớp học kém đến vậy. Bất bình và cũng thêm một chút lo lắng, tôi sợ rằng sau 3 năm nữa, nếu phải quay trở lại Việt Nam, với chương trình học chậm thế này, tôi sẽ không thể thi nổi vào đại học trong nước”, chị Ngọc nhớ lại.
GS Trần Mai Ngọc cho biết mọi thứ trong Toán khá rõ ràng và công bằng
Vì vậy, mục tiêu của chị Ngọc lúc bấy giờ là phải học với tiến độ thật nhanh để có thể “vượt lớp”. Bỏ qua giai đoạn lớp 8, nữ sinh người Việt được học thẳng lên lớp 9 ở Australia, sau đó là lớp 11. Đến năm 16 tuổi, chị Ngọc đã hoàn thành chương trình lớp 12 tại đây.
“Với kết quả học tập như thế, tôi có thể lựa chọn theo học bất kỳ ngành nào ở đại học Australia. Nhưng khi ấy, tôi nghĩ rằng mình phải chọn ngành nào cần sự tự học là chính, bởi như vậy mới có khả năng đi xa. Cuối cùng, tôi vẫn chọn Toán - một phần vì học phí ngành này rẻ và khả năng ứng dụng của Toán vào các ngành khác cũng rất gần gũi”.
Theo GS Ngọc, điều khiến chị thích thú nhất khi học Toán là chỉ cần bút và máy tính là có thể cạnh tranh với mọi người trên thế giới. “Mọi thứ trong Toán khá rõ ràng và công bằng. Tôi nhận thấy mình không gặp bất cứ điều gì bất lợi khi làm Toán”, chị Ngọc nói.
Đến năm 2009, chị Ngọc giành học bổng tiến sĩ tại Mỹ, theo học về xác suất thống kê ở UC Berkeley. Lựa chọn hướng đi này, theo chị Ngọc, là khá phù hợp tính cách của bản thân.
“Tôi thường thích phân tích mọi thứ dựa trên các con số cụ thể thay vì bị ảnh hưởng bởi một lý thuyết hay định luật nào đó. Do đó, việc phân tích số liệu mà cụ thể là toán thống kê sẽ cho phép mình làm việc độc lập từ những số liệu. Ngoài ra, tôi cũng thích tìm kiếm những vấn đề khó, chưa có người giải ra và mình có thể đem lại một cách nhìn mới mẻ, khác lạ”.
Trong hơn 15 năm làm Toán, niềm vui của GS Ngọc là giải thành công những bài khó, đôi khi trải qua hàng chục năm vẫn chưa có lời giải.
“Tôi từng giải thành công một bài toán liên quan thiết kế bán đấu giá. Trên thực tế, có những cuộc đấu giá khá phức tạp. Ví dụ ở Hà Lan, chính phủ đấu giá đường cao tốc theo giờ, hay như ở Mỹ, có các cuộc đấu giá sóng radio.
Trong thiết kế của các cuộc đấu giá ấy, có nhiều bài toán đặt ra, ví dụ như làm thế nào để các cuộc đấu giá ấy thực sự công bằng, hay làm thế nào để có thể đem về nhiều lợi nhuận nhất. Tôi từng mất gần 2 năm để giải ra bài toán khá phức tạp mà mất khoảng 15 năm vẫn chưa có người tìm thấy lời giải. Đó là điều khiến tôi rất hạnh phúc”.
Hay một bài toán tới đây GS Ngọc sẽ thực hiện liên quan các vấn đề về môi trường. Một phần lý do khiến chị quyết định giải bài toán này là vì tình yêu với Hà Nội.
“Hà Nội trong trí nhớ của tôi vốn rất đẹp. Nhưng giờ đây, tốc độ đô thị hóa đã khiến không khí Hà Nội không còn được trong lành như xưa. Đó là lý do khiến tôi muốn giải bài toán này. Nó sẽ giải quyết được nhiều câu hỏi, ví dụ nếu có một nguồn nước bị nhiễm độc, làm sao để tìm ra nguồn của sự nhiễm độc ấy", GS Ngọc nói.
Tất nhiên, trên hành trình ấy cũng có không ít lần chị gặp bế tắc. Nhưng nữ giáo sư trẻ cho rằng người làm Toán cũng giống đang đi vào trong một căn phòng tối, phải lần mò để tìm thấy cánh cửa ra. Dù rằng cũng có những lúc sẽ đi vào đường cụt, điều quan trọng là mình không đứng yên một chỗ, mà vẫn tìm mọi cách để thoát ra theo một con đường khác.
“Người làm Toán không bao giờ được chùn bước mà lúc nào cũng phải tiến về phía trước. Tôi tin rằng bài toán nào cuối cùng cũng có một công tắc để bật sáng, cho nên điều mình cần làm là phải cố gắng để tìm ra công tắc ấy”, GS Ngọc nói.
> Học giỏi, yêu thích Ngữ Văn và Ngoại ngữ nên làm nghề gì?
> Thủ khoa ĐH Sư phạm TPHCM 2019: Từng 3 năm là sinh viên ngành y đa khoa
Theo ZING News