Sự kiện: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TUYỂN SINH ĐẠI HỌC | KHOA GIÁO

SV Cao đẳng bức xúc vì chờ 3 năm mới được liên thông ĐH

Quy định này vấp phải sự phản đối của hàng nghìn sinh viên vì quá 'phân biệt đối xử' với sinh viên hệ Cao đẳng.

Quy định mới của Bộ GD&ĐT yêu cầu sinh viên Cao đẳng sau khi ra trường 3 năm sau mới được liên thông lên đại học đã dấy lên nhiều tranh cãi từ hàng nghìn sinh viên đang khắp cả nước.

"Công sức đổ sông đổ biển"

Bạn Kim Huyền, 20 tuổi, sinh viên hệ cao đẳng ĐH Ngân hàng, hụt hẫng cho biết, trước đây, dù điểm thi đại học của Huyền có thể xét tuyển nguyện vọng 2 ở trường khác, nhưng bạn vẫn quyết định theo học hệ cao đẳng ĐH Ngân hàng để có thể liên thông.

Cô nàng chấp nhận như vậy vì ban đầu nghĩ như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn thay vì ôn lại đại học 1 năm, có khi chỉ ra trường muộn hơn nửa năm so với các bạn học chính quy nếu học liên thông. Dù học cao đẳng nhưng chính bản thân Huyền vì phải duy trì điểm số ở mức khá giỏi thì mới tính được tới chuyện liên thông. Bạn cho biết quy định mới này như gáo nước tạt vào mình. “Bao nhiêu công sức gần như đổ sông đổ biển cả”.

Huyền cũng cho biết nhiều bạn cùng lớp khi nghe tin này cũng bức xúc và cảm thấy chơi vơi vô cùng. Khi 2 năm vừa qua, các bạn đã cố gắng hết sức để củng cố điểm của mình ở mức khá giỏi, chỉ với hi vọng có thể liên thông được đại học. Thế mà giờ, nhiều bạn đã chuẩn bị tâm lý không cần thì cuối kì nữa, chẳng việc gì phải cố gắng, vì dù gì cũng phải đợi đến 3 năm, hoặc không thì thi lại đại học.

Hàng ngàn sinh viên cao đẳng bức xúc vì quy định mới về học liên thông - Ảnh 1

Hàng nghìn sinh viên Cao đẳng đang vô cùng bức xúc với quy định liên thông mới này.

“Nói thật là nếu giờ ngồi ôn thi lại đại học cũng không là vấn đề gì, nhưng rất mất thời gian, tốn tiền của mà cũng vô ích, bởi chương trình toán cấp 3 đa phần không dùng cho việc học hiện tại. Ngân hàng lại là ngành khó xin việc, ai muốn làm cũng phải có bằng đại học, chứ cầm bằng cao đẳng rất khó có người nhận. Vậy mà giờ mình còn phải đợi 3 năm, ra trường tụi mình biết làm gì đây? Mình nghĩ nếu quy định đó được áp dụng cho các thí sinh mới năm nay còn được, chứ áp dụng ngay cho hệ cao đẳng hiện tại thì…” - Huyền bức xúc nói.

Bạn Trọng Huệ chia sẻ: “Nếu mà là tớ, tớ sẽ không thèm học nữa, vì bình thường học liên thông cũng đã không có cái bằng đại học như hệ chính quy rồi. Nay lại thêm như vậy thì thật sự vừa mất thời gian, mà đến khi ra trường thì cũng khó mà xin được việc. Dù là sinh viên hệ chính quy, nhưng tớ không thích quy định mới này. Tớ cảm thấy các bạn học cao đẳng, cũng học như người ta nhưng vẫn bị phân biệt đối xử quá”.

"Ở nước ngoài, liên thông không phức tạp như thế!"

Oanh, SV ĐH Công nghiệp cho hay: “Theo mình thì quy định này chỉ nên dành cho các bạn học trung cấp nghề, còn các bạn đang học cao đẳng thì nên xem xét lại. Vì ít nhiều các bạn học cao đẳng cũng đã và đang có một khối kiến thức kha khá để lên đại học. Hơn nữa, dù các bạn ấy không học hệ chính quy, nhưng các bạn ấy cũng đã trải qua kì thi đại học, có thể trong số ấy, không ít bạn chỉ thiếu nửa điểm để học chính quy. Như vậy có lẽ quá hà khắc với sinh viên hệ cao đẳng".

Hoàng Ngân, đang là SV Cao đẳng năm 2, phân tích: "Nếu nói rằng con đường liên thông dễ dàng hơn thi Đại học thì mình không đồng ý. Tụi mình cũng phải thi mới được liên thông lên đại học, chứ đâu phải được tuyển thẳng. So với sinh viên Đại học, tụi mình phải đi đường vòng và mất thêm 1-2 năm nữa, vậy cũng đã khó khăn rồi. Giờ ngồi chờ thêm 3 năm thì mình nghĩ chắc sẽ có khối bạn không thiết tha gì vào Cao đẳng nữa, sẽ cố sống cố chết thi Đại học hoặc là học Cao đẳng xong rồi ngưng, không học lên tiếp”.

Nam Anh, du học sinh ở Mỹ được 3 năm thì cho rằng giáo dục Việt Nam khá phức tạp.“Tại sao lại có con số 36 tháng, như vậy là 3 năm rồi còn gì? Thực chất thì thi cử chỉ có hiệu quả một phần nào thôi. Ở Mỹ, để liên thông lên đại học, chỉ cần đủ tín chỉ, lấy lớp chuyên ngành theo yêu cầu. Ở một số trường thì cũng có thi, nhưng điểm thi không quyết định tất cả.

Hàng ngàn sinh viên cao đẳng bức xúc vì quy định mới về học liên thông - Ảnh 2

Nam Anh: "Giáo dục Việt Nam còn khá nhiều phức tạp và có nhiều chỗ thừa".

Nếu như ở Việt Nam, mình thấy các trường sẽ lấy điểm cao từ trên xuống, đến khi đủ chỉ tiêu thì thôi.

Còn ở Mỹ, bên cạnh thi cử, các trường còn dựa vào bài luận, kinh nghiệm sống, hoạt động ngoại khoá của sinh viên để xét. Thế nên, sinh viên giỏi (dựa trên nhiều yếu tố) thì sẽ vào trường giỏi, còn trung bình khá thì vào trường tầm tầm. Rõ ràng ở Việt Nam nhiều kì thi quá, và thậm chí có nhiều kì thi đâm ra thừa”.

Quy định mới của Bộ Giáo dục được đưa ra nhằm mục đích hạn chế những trường hợp lợi dụng liên thông, “làm dơ” giáo dục đại học. Tuy nhiên, quy định mới này đang gây sốc đối với không ít các ét vê. Fanpage Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông mới được lập nhưng đã có hàng nghìn lượt like và bình luận. Nữ sinh Minh Nguyệt cũng đã gửi một bức thư rất cảm động đến Bộ trưởng để xin xem xét.

Theo quy định về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố ngày 25/12/2012, người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ nghề, CĐ đủ 36 tháng sau khi được cấp bằng mới được liên thông lên trình độ ĐH. Khi thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH hệ chính quy phải dự thi 3 môn, gồm một môn cơ bản, một môn cơ sở ngành và một môn chuyên ngành (hoặc thực hành nghề).

Cơ sở giáo dục ĐH tự ra đề thi và xác định điểm trúng tuyển. Những người chưa có bằng đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp đến ngày nộp hồ sơ thi lên trình độ CĐ hoặc ĐH phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm.

Kênh Tuyển Sinh ( Theo Ione)