Tại hội nghị thường niên “Bản hòa ca trí tuệ”, được tổ chức ngày 8/10, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ vai trò của sáng tạo trong khoa học, nghệ thuật, kiến thức, dạy học nói chung.

Để trở thành nhà lãnh đạo, bạn có cần giỏi Toán học?

Để trở thành nhà lãnh đạo, bạn có cần giỏi Toán học?

Trong Ngày hội Toán học Mở năm 2021, GS Ngô Bảo Châu giải đáp thắc mắc nếu muốn làm lãnh đạo hoặc trở thành người thành công, HS có cần học giỏi Toán không.

GS Ngô Bảo Châu quan niệm phần "sáng" trong "sáng tạo" là chúng ta nhìn vạn vật một cách rõ hơn, thấu suốt hơn để rồi tạo ra cái mới.

Ông đánh giá sáng tạo là phần cốt yếu trong công việc nghiên cứu. Con người cần sáng tạo cả trong khoa học, nghệ thuật hay hoạt động truyền đạt văn hóa, kiến thức, dạy học nói chung.

“Người thầy thực thụ không bao giờ truyền đạt lại kiến thức đã chết, không phải chỉ đọc thuộc lòng như trong sách, giảng đi giảng lại. Bài giảng luôn có sự sáng tạo. Kiến thức truyền đạt cho học sinh có thể không do giáo viên tìm ra nhưng họ hiểu rất sâu, kiến thức dạy hôm nay liên quan đến hôm qua hay thực tế như thế nào”, GS Châu nói.

 - Ảnh 1

Giáo sư Ngô Bảo Châu từng được tặng thưởng Huy chương Fields

Tương tự, học trò cũng vậy. Nếu không có sự tìm tòi, sáng tạo, ông nghĩ việc học vẫn chưa đến nơi đến chốn. Người học cần hiểu kiến thức mà thầy giáo truyền đạt theo cách của mình.

GS Ngô Bảo Châu kể lại câu chuyện nhà toán học người Anh Andrew Wiles, người đầu tiên giải được bài toán Fermat.

Andrew Wiles từng làm việc với bài toán Fermat trong vòng 6-7 năm với nhiều thất bại. Vào giây phút tìm ra lời giải, ông nói mô tả đó như khi đi trong phòng tối 6-7 năm, bất chợt, ánh sáng lóe lên, mọi thứ được xếp đặt hợp lý, logic. Đó là giây phút sáng tạo. Sự lao động miệt mài, học tập, khổ luyện đã mang lại giây phút thăng hoa đó.

Trong khi đó, bà Tôn Nữ Thị Ninh định nghĩa sáng tạo là cách tiếp cận, tư duy chủ động, phải luôn luôn chất vấn sự việc, tư duy phản biện. Bà cho rằng phải coi sáng tạo là định hướng xuyên suốt, xuyên thấu của giáo dục thế kỷ 21.

“Thế giới luôn biến động nhanh, phức hợp, giáo dục cũng phải đổi mới, thích nghi liên tục, lồng ghép sáng tạo mới đáp ứng được đòi hỏi của thế kỷ mới”, bà nhận định.

GS Trần Thanh Vân cũng đề cao tính sáng tạo trong giáo dục. Theo ông, chúng ta cần tạo điều kiện cụ thể để giúp con em phát triển về tư duy, tính quan sát, sự tò mò, phân tích, đặt câu hỏi trước những hiện tượng gặp trong đời sống hàng ngày.

GS Thanh Vân thông tin đã có nhiều phương án giáo dục đang được triển khai như Hướng tiếp cận Reggio Emilia tại Little Em’s đặc biệt dành cho các em lớp mẫu giáo - mở lòng và mở trí.

Trong lớp học, các em đặt câu hỏi và thầy, cô tạo điều kiện để chính các em làm thí nghiệm, quan sát, ghi nhận, rồi trình bày ý tưởng cho cả lớp.

Các em đặt câu hỏi, đối thoại, tiếp tục làm thí nghiệm với sự hỗ trợ của giáo viên cho đến khi hiểu bài. Lúc này, khi thầy, cô đưa những khái niệm về khoa học, các tế bào thần kinh của trẻ đã ghi nhận ngay vào não rồi, học lúc nào không biết.

Theo ZING News