Miễn học phí cho cấp tiểu học

Trong khi điều 59 của Hiến pháp 1992 quy định “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” thì dự thảo sửa đổi đã không còn nêu câu này mà thay bằng câu chung chung ở điều 42: “công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.


Ông Nguyễn Việt Hùng (cử tri P.12, Q.4, TP.HCM) cho rằng nội dung nói trên của dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một bước lùi (so với Hiến pháp hiện hành). Theo ông, giáo dục là quốc sách hàng đầu nên bậc tiểu học, thậm chí tiến tới bậc trung học, phải hoàn toàn miễn phí.

Trước đây, ngay trong phiên thảo luận ở tổ tại kỳ họp thứ tư của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Thanh Hải - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng cho rằng quy định như điều 42 của dự thảo là một bước lùi. Ông đề nghị không chỉ tiểu học mà cả trung học cơ sở cũng cần miễn học phí, vì “muốn phát triển bền vững phải chăm lo ngày càng tốt hơn việc nâng cao trình độ dân trí”. Theo đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP - chí ít thì nên giữ như điều 59 Hiến pháp năm 1992 là tiểu học được miễn học phí. Ông không đồng tình với cách giải thích của ủy ban soạn thảo: dự thảo thay quy định “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí” bằng “Nhà nước quy định phổ cập giáo dục” nhằm mở ra khả năng Nhà nước có thể quy định các cấp học khác; Nhà nước có chính sách học phí, học bổng...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) - chia sẻ: “Tôi nghĩ dự thảo ghi như vậy là đã “bỏ lửng” vấn đề giáo dục miễn phí ở bậc tiểu học đã được hiến định lâu nay. Nếu chấp nhận như vậy, cách vận dụng trên thực tế sẽ không hợp lý (có thể có địa phương sẽ miễn phí nhưng cũng có địa phương không miễn phí hoặc tất cả đều thu tiền). Đồng thời sẽ không công bằng cho những đứa trẻ cùng độ tuổi nhưng sinh sống ở các địa phương khác nhau với điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các em là quyền được đi học”.

Bà Cúc nhấn mạnh thêm trước đây kinh tế có khó khăn hơn nhưng Hiến pháp vẫn quy định rất rõ: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”. Phổ cập tiểu học đã thực hiện rất tốt, nếu chúng ta không chú ý duy trì thì thành quả trên có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Tôi cho rằng vẫn phải nêu rõ trong Hiến pháp mới: “bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”, bà Cúc đề nghị, và nói thêm: đáng lý ra việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần xem xét đặt vấn đề tiến thêm một bước nữa là giáo dục không phải trả học phí đối với cấp II (từ lớp 6-9).

Bà Cúc cho biết thêm ở trường bà đang giảng dạy có nhiều phụ huynh là lao động phổ thông. Hằng năm, nhiều phụ huynh thường xin miễn giảm một số khoản tiền với lý do có hai con hoặc ba con cùng đi học trong khi đời sống phụ thuộc vào nguồn thu nhập chạy xe ôm, giúp việc nhà, làm tạp vụ... Thực tế này cho thấy nhiều phụ huynh vẫn đang gặp khó khăn trong chi tiêu cho con cái học hành, nên xã hội cần chăm lo, tạo điều kiện tối đa để ai cũng có thể được học hành.

 

Nhiều chính sách giảm học phí đang được tiến hành

Còn đâu tính ưu việt của giáo dục?


Tinh thần xây dựng xã hội học tập trong đó ai cũng học, ai cũng lo cho người khác học chưa được thể hiện trong dự thảo sửa đổi.

Dự thảo đã bỏ điều 59 trong Hiến pháp 1992, hóa ra học tiểu học là không bắt buộc và có thể phải đóng học phí. Mà như vậy thì còn đâu tính ưu việt của chế độ ta trong khi nhiều nước châu Phi còn thực hiện miễn phí ở bậc học bắt buộc này. Hơn nữa nước ta đã ký vào công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em, trong đó có ghi rõ “Thực hiện chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người” (điều 28, khoản a). Nếu bỏ điều 59 thì Hiến pháp mới sẽ không phù hợp với cam kết quốc tế mà VN đã tham gia.

Trong điều 66 (sửa đổi, bổ sung điều 35, 36 của Hiến pháp 1992) ghi một câu rất mơ hồ tại khoản 2 là “Nhà nước quy định phổ cập giáo dục”. Ghi như vậy thiếu cả định tính (bậc nào) lẫn định lượng vì phổ cập thì có nơi đạt 75% đã được công nhận phổ cập, có nơi 98% cũng chỉ là phổ cập.

Trích nội dung sửa đổi của hiến pháp và hiến pháp năm 92

 

Ðiều 59 Hiến pháp năm 1992

Ðiều 42 dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi bổ sung điều 59)

Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.

Công dân có quyền học văn hóa và học nghề bằng nhiều hình thức.

Học sinh có năng khiếu được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng.

Nhà nước có chính sách học phí, học bổng.

Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác được học văn hóa và học nghề phù hợp.

Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.

 

Có được miễn giảm học phí khi học liên thông chính quy

 

 

Xem bài gốc: Tuổi Trẻ

Kenhtuyensinh

Theo: báo Tuổi Trẻ