Hàng chục bà giáo già kêu cứu

Nhiều giáo viên mầm non (GVMN) ở huyện Mê Linh (Hà Nội) rơi vào hoàn cảnh hết sức trớ trêu: 28 - 40 năm trong nghề vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định. Hơn 3 năm qua họ đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng từ huyện đến thành phố và vẫn đang chờ đợi câu trả lời thỏa đáng.

Văn bản bị “bỏ quên”, giáo viên chịu thiệt

Có thâm niên công tác nhưng khi nghỉ hưu, các giáo viên lại gần như trắng tay, có người phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày.

Nghỉ hưu nhưng chỉ được hưởng trợ cấp BHXH một lần

Công cuộc gõ cửa các cơ quan chức năng của các bà giáo về hưu nhưng không được hưởng chế độ hưu trí bắt đầu từ năm 2009. Bản danh sách “kêu cứu” gồm 23 GVMN đứng tên có chung hoàn cảnh: Thâm niên trong nghề từ 28 - 40 năm vẫn không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Trong đó có những người đã nghỉ hưu nhưng không đành lòng nhận “khoản trợ cấp một lần”, có người ngấp nghé đến tuổi về nghỉ mà vẫn không thể đủ thời gian tham gia BHXH.

Cô giáo Nguyễn Thị Thêu – nguyên giáo viên Trường Mầm non Quang Minh B - kể: “Tôi bắt đầu công tác trong nghề từ năm 1977. Khi tôi nghỉ hưu vào tháng 4.2011 thời gian tham gia BHXH mới được 9 năm, chưa đủ điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí. Tôi về hưu chỉ được hưởng chế độ trợ cấp một lần, thẻ BHYT cũng bị thu lại luôn. Đến nay tôi vẫn chưa nhận khoản trợ cấp này”.

Chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hợi – giáo viên Trường Mầm non Chi Đông - cũng ở vào tình trạng tương tự như cô giáo Thêu. Cô Hợi dạy học từ năm 1982, thời điểm đó lương GVMN nhận được là 40kg thóc/tháng. Đến nay, cô Hợi có thâm niên 31 năm công tác, nhưng khi về hưu vào năm 2014 cô cũng mới tham gia BHXH được hơn 12 năm, vẫn chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí.

Không chỉ giáo viên, cả hiệu trưởng, hiệu phó các trường có thâm niên công tác gần 40 năm cũng có chung hoàn cảnh. Cô Ngô Thị Minh – nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Minh A - cho hay: “Từ năm 2002, chúng tôi bắt đầu tham gia BHXH nhưng sắp đến tuổi nghỉ hưu nên không đủ thời gian để được hưởng chế độ hưu trí. Sau này tôi mới biết cơ quan chức năng đã có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn này cho các giáo viên, nhưng chúng tôi chưa được thực hiện theo chế độ hướng dẫn đó”.

 

giao vien, ve huu, luat lao dong, chinh sach, bao hiem xa hoi, tro cap, lao dong

 

Cô giáo Ngô Thị Minh (phải) – nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Minh A - khi về hưu vẫn không được hưởng chế độ hưu trí.

Vì đâu nên nỗi?

Các bà giáo ở huyện Mê Linh có cớ để cho rằng mình đã bị bỏ quên chế độ.

Năm 2004 Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và Thứ trưởng Bộ GDĐT ký công văn liên tịch số 2150/GDĐT-BHXH gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Thời điểm này, huyện Mê Linh vẫn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Đây là công văn đề nghị các địa phương thực hiện chính sách BHXH và BHYT theo những nội dung cụ thể đã được Chính phủ quy định và các bộ chức năng hướng dẫn. Trong đó nêu: “Những NLĐ đã có thời gian làm việc liên tục tại các cơ sở mầm non từ trước hoặc sau khi Chính phủ ban hành NĐ số 73/1999/NĐ-CP ngày 19.8.1999 mà chưa tham gia đóng BHXH thì có thể đóng BHXH cho thời gian từ tháng 1.1995 đến khi đã tham gia đóng BHXH. Mức đóng bằng 15% mức tiền lương tính trên mức tiền lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm thu, nộp”.

Ngoài hướng dẫn thực hiện chế độ cho NLĐ trong các cơ sở mầm non đã được Chính phủ quy định, công văn còn nhấn mạnh đến đối tượng cần quan tâm “đặc biệt là đối với những đối tượng GVMN có nhiều năm công tác...”. Vậy nhưng vẫn có những giáo viên cống hiến lâu năm trong nghề nhưng vẫn bị bỏ quên.

Cô Ngô Thị Minh cho rằng, chiếu theo hướng dẫn trên thì những giáo viên có thâm niên và tham gia đóng BHXH từ năm 2002 sẽ được đóng lùi lại cho thời gian tính từ tháng 1.1995. Thực hiện đúng như vậy, đến khi nghỉ hưu các cô sẽ có đủ 15 năm được tham gia BHXH và chỉ thiếu 5 năm theo điều kiện như hiện nay để được hưởng chế độ hưu trí.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, những hướng dẫn trong công văn chưa được thực hiện ở địa bàn huyện Mê Linh. Không được đóng BHXH lùi lại từ tháng 1.1995, các GVMN tiếp tục bị thiệt thòi khi không được thực hiện quyền lợi theo Quyết định số 45/2011/QĐ-TTg về quy định hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện đối với GVMN có thời gian công tác từ trước 1995 nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Vì thế nhiều GVMN cống hiến hơn 30 năm trong nghề ở Mê Linh về nghỉ gần như trắng tay, có người phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống qua ngày.

Trong danh sách 23 GVMN  gửi đơn kêu cứu vì chưa được hưởng chế độ hưu trí, người công tác trong ngành lâu nhất là cô giáo Tạ Thị Viền (từ năm 1972), người có thời gian công tác ít nhất là cô giáo Phan Thị Dần (từ năm 1975). Các cô giáo trước khi về nghỉ hưu đều được nhận Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, nhiều cô liên tục đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (Vĩnh Phúc - PV).

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: báo Lao Động