Từ cuối năm 2020 đến nay, cô Huyền, chủ nhiệm một lớp 12 ở Vĩnh Long, liên tục nhận được câu hỏi "mặt mũi em này thế nào" từ giáo viên bộ môn.

Theo Thông tư 26/2020, có hiệu lực từ tháng 10/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, giáo viên đánh giá học sinh phải kết hợp giữa nhận xét và điểm số. Trước đó, cách đánh giá này chỉ áp dụng cho môn Giáo dục công dân, các môn khác cho điểm.

Là giáo viên Văn, năm nay cô Huyền dạy ba lớp 12 với hơn 100 học sinh. Chuẩn bị cho đợt đánh giá, cô nhận xét học sinh trước khi có điểm kiểm tra cuối kỳ I. Nội dung gồm thái độ học tập, chuyên cần, khả năng tiếp thu, năng lực tự học và trình độ viết, đọc. Đến lúc có điểm kiểm tra định kỳ và tổng kết học kỳ I, cô đối chiếu với phần đã nhận xét và chỉ cần chỉnh sửa ở một vài em.

Trước đây mỗi giáo viên có một sổ điểm cá nhân để ghi điểm học sinh ở tất cả lớp mình phụ trách với đầy đủ cột điểm. Nay cô Huyền phải làm thêm danh sách học sinh kèm điểm, phần nhận xét được đánh máy rồi in ra, chuyển cho giáo viên chủ nhiệm. Điểm và nhận xét của tất cả giáo viên bộ môn sau đó đóng thành quyển, nộp về Ban giám hiệu nhà trường.

Việc đánh giá kết hợp giữa nhận xét và cho điểm khiến giáo viên vất vả hơn. Các giáo viên Sử, Địa, Công nghệ, Giáo dục Công dân... mỗi tuần chỉ dạy 1-2 tiết, phải dạy 5-7 lớp mới đủ chỉ tiêu, đồng nghĩa sẽ phải nhận xét hàng trăm học sinh. Thời gian lên lớp ít, lại không phải chủ nhiệm nên nhiều giáo viên không nhớ mặt học sinh, chỉ dựa theo các cột điểm để đánh giá đại khái.

Phần nhận xét được in ra nộp về trường, không phát cho học sinh hay gửi về phụ huynh nên không tác dụng. Để đỡ "phí công", cô Huyền thường chụp lại phần nhận xét, gửi về để phụ huynh nắm được tình hình học tập của con.

Cô giáo hy vọng có phần mềm hoặc sổ điểm điện tử để giáo viên nhập điểm, nhận xét trực tiếp trên hệ thống, giảm bớt công đoạn tự làm sổ, thông tin cũng được gửi về điện thoại của phụ huynh. "Khi đó, tôi nghĩ việc nhận xét của giáo viên mới có ý nghĩa, bản thân thầy cô cũng sẽ nhận xét có trách nhiệm hơn khi biết những gì mình viết ra đến với phụ huynh, học sinh", cô Huyền nói.

giáo viên chật vật đánh giá học sinh

Sổ theo dõi và đánh giá học sinh được giáo viên ở Vĩnh Long sử dụng trong năm học 2020-2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Thầy Nguyên, giáo viên Toán một trường THPT ở TP HCM với 2.000 học sinh, cũng "mướt" mồ hôi làm đánh giá sau đợt kiểm tra cuối kỳ I.

Thầy kể với giáo viên dạy Toán, Văn, nếu làm công tác chủ nhiệm thì phải dạy ba lớp với khoảng 150 học sinh. Để nhận xét hết các em không mấy khó khăn. Tuy nhiên, với giáo viên các môn ít tiết trong tuần là "bất khả thi". Chẳng hạn giáo viên Giáo dục công dân, số học sinh phải nhận xét là 700, riêng môn Công nghệ là 1.000. Không nhớ hết mặt học trò, giáo viên phải nhận xét na ná nhau như: Chăm, ngoan, có tiến bộ trong học tập, cần nỗ lực hơn về việc học.

Theo thầy Nguyên, hiệu quả của cách đánh giá này chưa rõ ràng. Với môn Toán, giáo viên thường yêu cầu học sinh làm bài trên bảng, giấy nháp hoặc các bài kiểm tra. Khi chấm, giáo viên thường sửa rất kỹ, có nhận xét và rút kinh nghiệm chung cho cả lớp. Với môn Văn, giáo viên còn có lời phê vào từng bài kiểm tra.

"Bây giờ, giáo viên phải làm thêm một thao tác nữa là đánh giá bằng nhận xét sự tiến bộ về thái độ, hành vi và kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập môn học, hoạt động giáo dục để làm gì?", thầy giáo đặt câu hỏi. Chưa kể, giáo viên nhận xét ở sổ điểm, học sinh, phụ huynh đều không đọc được nên không hiệu quả.

Thông tư 26/2020 có hiệu lực từ tháng 10/2020, học kỳ I năm học 2020-2021 là lần đầu áp dụng việc đánh giá nhận xét kết hợp điểm số. Qua khảo sát, mỗi trường có cách làm riêng.

Hiệu trưởng một trường TP HCM cho biết, để ghi điểm cho học sinh, hiện có các sổ: Sổ học bạ, sổ gọi tên và ghi điểm, sổ ghi điểm của giáo viên. Theo Thông tư 26, các cột điểm kiểm tra, đánh giá có sự thay đổi (không còn kiểm tra một tiết), nhưng các cột điểm trong các sổ này chưa kịp thay đổi. Do đó, trường khuyến khích giáo viên in thêm bảng danh sách học sinh, các cột điểm theo thông tư mới và thêm cột nhận xét, kẹp vào sổ điểm cá nhân giáo viên. Bảng điểm này cuối học kỳ sẽ được sao thành nhiều bản, gửi cho giáo viên chủ nhiệm để có cơ sở đánh giá học sinh toàn diện và gửi về cho phụ huynh để nắm bắt việc học của con.

Theo hiệu trưởng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành mẫu sổ ghi điểm mới thống nhất để phù hợp với Thông tư 26. Ngoài ra, cần khuyến khích việc nhận xét học sinh bằng các ứng dụng công nghệ để giảm tải áp lực cho giáo viên và tạo sự liên kết chặt chẽ với phụ huynh.

Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP HCM, đã tập huấn cho giáo viên cách nhận xét học sinh theo tinh thần Thông tư 26. Trường đưa ra một số gợi ý, minh họa cho việc nhận xét học sinh tương ứng với kết quả học tập. Chẳng hạn, với các em đạt 8-10 điểm có thể nhận xét: Năng lực học tập tốt; Học tập tích cực, chăm chỉ. Với em đạt ngưỡng trung bình, từ 5 đến dưới 6,5 thì nhận xét: Cố gắng hơn sẽ tiến bộ; Học được nhưng chưa cố gắng...

Do đặc thù trường nội trú, số lượng học sinh ít nên giáo viên theo rất sát học sinh. Việc đánh giá học sinh theo cách mới không gây khó khăn với giáo viên của trường. "Điều quan trọng nhất là giáo viên phải đánh giá sát năng lực, thái độ học tập, chỉ ra những hạn chế để các em tốt hơn. Cách đánh giá mới này sẽ có hiệu quả tích cực", Hiệu phó Trần Văn Minh cho hay.

> Vì sao không nên học theo thời khóa biểu hằng tuần?

> Giáo viên lo thất nghiệp vì học sinh được tự chọn môn học

Theo VnExpress