Việc Bộ GD-ĐT cho phép không dạy môn học ở tất cả các tuần và học sinh sẽ được học theo mạch kiến thức thay vì lặp lại số tiết của từng môn mỗi tuần được chính các nhà trường nhận định là thay đổi tất yếu.
Thời khóa biểu linh hoạt phù hợp cho các hoạt động ngoại khóa khi thực hiện chương trình mới
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Không thể thực hiện chương trình mới nếu “bó cứng”
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Ba Đình, Hà Nội), cho rằng: Nếu Bộ không cho phép các trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch dạy học như vậy mà vẫn “bó cứng” theo thời khóa biểu (TKB) lặp lại mỗi tuần thì chắc chắn không thể thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Hà phân tích: Thay đổi lớn nhất trong chương trình mới là dạy học tích hợp, liên môn. Thay vì dạy 3 môn riêng biệt vật lý, hóa học, sinh học thì từ năm học tới sẽ gộp thành môn khoa học tự nhiên hoặc môn lịch sử và địa lý chỉ còn 1 môn thay vì 2 môn độc lập như trước kia. Do vậy, việc dạy học sẽ theo nhiều chủ đề liên môn và nếu cứ rải ra mỗi tiết 1 - 2 tuần với từng môn thì sẽ không thể đủ thời lượng để dạy học theo chủ đề được. Tương tự, việc dạy học trải nghiệm cũng vậy, cần phải trao quyền tự chủ cho giáo viên (GV) và các nhà trường để dành một lượng thời gian nhất định cho việc học tập tại khu di tích, bảo tàng lịch sử hoặc dạy học tại thực địa... Nếu không, hoạt động này chỉ có thể tính vào hoạt động ngoại khóa hoặc tham quan đơn thuần.
Thực tiễn cho thấy sự cần thiết Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định: “Việc Bộ cho phép không dạy môn học ở tất cả các tuần vì thực tiễn cho thấy sự cần thiết của điều này. Ví dụ, khi dạy một nội dung bài học nhưng phải dạy trong nhiều tiết, nếu nhà trường và GV muốn dạy học liền mạch, không cắt rời mạch kiến thức để HS dễ nhớ, dễ vận dụng thì có thể dạy liền trong một khoảng thời gian khoảng 2 tiết học thay vì tuần này dạy 1 tiết nhưng đến tuần sau mới có tiết học của môn học đó để học tiếp nội dung ấy. Như vậy, các trường phải hình dung là việc xây dựng TKB sẽ không theo chu kỳ tuần như bây giờ mà kế hoạch dài hơi hơn, có thể là 8 tuần (nửa học kỳ)”. |
Tương tự, GV Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), nói rằng TKB hiện nay sẽ có những hạn chế khi Bộ yêu cầu thực hiện tiết học ngoài nhà trường. Chẳng hạn với môn lịch sử, để tổ chức tiết học tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thì TKB phải xếp sao cho có thời lượng 2 tiết và bắt đầu từ 8 giờ, đúng giờ mở cửa của bảo tàng trong khi học sinh (HS) học từ 7 giờ. Từ đó, thầy Du cho hay, theo chương trình mới, HS học theo chuyên đề, môn tự chọn thì việc học theo TKB lặp lại, dàn trải sẽ không còn phù hợp. Có thể sắp tới, TKB nên xây dựng theo số chuyên đề của từng môn học thì sẽ đảm bảo tính liên tục của các nội dung kiến thức.
Vì thế, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), khẳng định: “Thay đổi này là tất yếu, nhất là với những môn học hiện nay có quá ít thời lượng/tuần nếu dạy cứng phân phối thì kiến thức sẽ bị đứt quãng. Ví dụ môn giáo dục quốc phòng, giáo dục công dân, công nghệ... hiện nay nếu tuần nào cũng phải xuất hiện đủ các môn thì chỉ có thể bố trí 1 tiết/tuần nên rất khó có chất lượng thực sự”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết thực hiện TKB như hiện nay, một số bài học của một số môn học sắp xếp 1 tiết/ngày sẽ đứt gãy mạch cảm xúc, đặc biệt đối với môn thuộc lĩnh vực xã hội.
5 lưu ý để thực hiện hiệu quả TKB mềm Theo thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), cần có lưu ý 5 điều sau để triển khai đạt hiệu quả: - Hệ thống văn bản chỉ đạo phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của hiệu trưởng trong việc tổ chức hoạt động riêng cho nhà trường. - Thay đổi thói quen học tập của HS để từ đó GV mới có thể dạy theo hướng mở. - Phải giải quyết thời gian làm việc của GV. - Cần đảm bảo sự liên thông giữa các trường trong cùng tỉnh, thành phố hoặc giữa các tỉnh. Một khi TKB theo hướng linh động sẽ dẫn đến sự không giống nhau giữa các trường và như vậy việc chuyển trường của HS khi có nhu cầu sẽ không thực hiện được. - Việc tổ chức học tập theo hướng linh hoạt phải thay đổi từ tư duy của GV. Hiện nay GV dạy theo tiết, hết tiết thì họ về nghỉ nên ai cũng muốn TKB “đẹp”. Để đáp ứng tất cả mọi GV đều có TKB theo hướng linh động “đẹp” là điều không thể. Nếu tổ chức và sắp xếp không tốt sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và mất công bằng trong phân công GV. |
Ông Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (Cần Thơ), cũng cho hay các trường muốn dạy học theo hướng đổi mới lâu nay rất mong chờ hướng dẫn mang tính “cởi trói” mạnh mẽ như vậy từ phía Bộ GD-ĐT. Ông Dũng lấy ví dụ, với môn sinh học trung bình thời lượng cả năm hiện nay nếu chia đều sẽ chỉ có 1,5 tiết/tuần. Trong khi nhà trường lâu nay thực hiện theo mô hình “trường học gắn với sản xuất kinh doanh”, HS có một mảnh vườn lớn để trồng cây theo mùa, vừa giúp thực hành kiến thức môn học vừa thực hành việc kinh doanh. Tuy nhiên, không thể gói gọn trong 1 tiết học được và nhà trường phải cho gộp số tiết lại để dạy hoặc chủ động cho HS học trải nghiệm vào ngoài giờ chính khóa mà không thu thêm gì từ HS.
Ngay cả với môn ngữ văn, ông Dũng cho biết dù có nhiều thời lượng nhất, với 3 tiết/tuần nhưng hầu hết các bài đều phải dạy trong ít nhất 3 tiết mới hết nội dung kiến thức cần đạt. Nếu được xếp TKB theo học kỳ thay vì theo tuần thì HS sẽ được học hết nội dung bài học ngay trong một buổi thay vì đang học dở rồi dừng lại chờ học buổi sau.
“Phép thử” với công tác quản lý
Lãnh đạo các nhà trường đều cho rằng xây dựng TKB theo học kỳ, theo năm học chắc chắn sẽ khó hơn, vất vả hơn nhưng lợi ích về kết quả giáo dục sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết với đặc thù là một trường công lập tự chủ nên nhà trường đã xây dựng kế hoạch khá linh hoạt. Từ năm 2014 đến nay, từ chương trình khung của Bộ, trường đã tổ chức biên soạn, điều chỉnh thành một chương trình phù hợp và hiệu quả. Mỗi năm nhà trường liên tục xây dựng lại bằng cách thay đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp hơn. Ông Hà Xuân Nhâm cũng đã từng nhiều lần bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT có cơ chế khuyến khích về mặt tinh thần và thúc đẩy hỗ trợ về cơ sở pháp lý, như có thêm những văn bản cụ thể hóa đường hướng... giúp cho các nhà trường thực sự tự chủ hơn trong xây dựng kế hoạch dạy học, dạy theo chủ đề liên môn và không rải đều số môn trong một tuần như lâu nay.
Ông Đặng Việt Hà khẳng định hướng dẫn mà Bộ GD-ĐT nêu ra là hướng đi đúng nhưng cũng đồng nghĩa với việc trong một vài năm đầu các cấp quản lý phải chấp nhận sự khác biệt giữa các nhà trường, không đưa ra một yêu cầu mang tính “đồng phục”. “Đây cũng là dịp để các trường có năng lực và mong muốn đổi mới tận dụng cơ hội để bứt phá và chắc chắn HS học sẽ hiệu quả hơn, hào hứng hơn”, ông Việt Hà nhận định.
Xem thêm: Giáo viên lo thất nghiệp vì học sinh được tự chọn môn học
Theo Thanh Niên