Academy.vn: Kỹ năng cho người đi làm - Học là Áp dụng được ngay!
Trách nhiệm của nhà trường và giáo viên
- Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường (tất nhiên nhà trường chịu trách nhiệm chính) mà còn phải mở rộng phạm vi từ gia đình đến xã hội. Ngay từ nhỏ, gia đình đã có vai trò rất lớn trong việc hình thành văn hóa giao tiếp cho con cháu. Ông, bà, cha mẹ là những thầy cô giáo đầu tiên hướng dẫn cách giao tiếp có văn hóa cho con, cháu (đi chào, về hỏi, gọi dạ, bảo vâng một cách có lễ phép).
Bài học vào đời ấy sẽ được tiếp tục củng cố và phát triển thêm với những nội dung phong phú, mức độ cao hơn ở các bậc học tiếp theo. Phải thấy rằng giáo dục văn hóa giao tiếp là không hề giới hạn bởi cấp học nào, bởi thời gian, không gian nào mà cần phải được tiến hành ở tất cả các bậc học, ở mọi lúc, mọi nơi, phải tiến hành một cách đồng bộ, nhất quán, tiến hành có nội dung, có kế hoạch, có phương pháp và thật kiên trì thì mới có hiệu quả. Nếu thiếu nhất quán sẽ xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì sẽ phản tác dụng. Không thiếu trường hợp ở nhà, ở trường thì “con ngoan, trò giỏi”, ra ngoài xã hội lại vi phạm đạo đức, pháp luật. Phải chăng đó một phần là do tình trạng giáo dục không đồng bộ, nhất quán, thiếu sự giám sát chặt chẽ. Vì vậy sự liên kết, phối hợp trong giáo dục là rất quan trọng.
- Cần hết sức chú ý và coi trọng đúng mức đến vai trò của người giáo viên ớ tất cả các bậc học, các môn học. Không được “ủy quyền” toàn bộ cho GV ở những môn học có ưu thế hơn như: Giáo dục công dân ở phổ thông, hay Tâm lí học, Giáo dục học ở trường Sư phạm. Đành rằng ở các môn học đó có phần ưu thế, nhưng nếu chỉ phó thác toàn bộ cho họ mà thiếu sự đồng tâm, hiệp lực của nhiều GV của nhiều môn học khác nũa thì chắc chắn kết quả sẽ không cao. Tuy nhiên cũng phải thấy đươc ưu thế của các môn học đó và các môn thuộc ngành khoa học xã hội & nhân văn khác như Cơ sở văn hóa Việt Nam, như Mĩ học…để có phương pháp khai thác hiệu quả.
- Giáo viên là người trực tiếp thực thi nhiệm vụ cao quí “vì lợi ích trăm năm trồng người” cho xã hội. Vì vậy người giáo viên trước hết phải là người hoàn hảo nhất về tất cả mọi phương diện, là “tấm gương sáng” cho học sinh soi vào. Trong vấn đề giáo dục văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường cho HS, SV thì bộ mặt văn hóa tinh thần của GV phải thật sáng sủa ( tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm…trong sáng ). Rõ ràng muốn dạy người khác làm người thì trước hết người dạy phải là CON NGƯỜI - con người chân chính, con người có nhân cách tốt.
Trong giáo dục, nhân cách của người thầy có ảnh hưởng rất lớn đến HS,SV. (văn hoá giao tiếp của người Việt) “Tôn sư trọng đạo” sẽ giảm khi người thầy “có vấn đề”. Chỉ cần khiếm khuyết một trong những vấn đề thuộc về đạo đức, nhân cách của người thầy, hiệu quả của giáo dục sẽ bị giảm sút, thậm chí không có kết quả, phản tác dụng: tư tưởng (lệch lạc, bảo thủ, cá nhân), lối sống (bê tha, buông tuồng), tư cách (không đứng đắn)…hoặc thiếu tâm huyết với nghề, chỉ coi nghề dạy học là nghề phụ mà nghề chính là các phương tiện kiếm sống khác, hay thầy chưa thể “tất cả vì học sinh thân yêu”…đều là những điều phản cảm trong giáo dục.
Nếu cách cư xử của giáo viên trên lớp cũng như ngoài lớp luôn luôn được cân nhắc thận trọng trước sau như một thì hiệu quả giáo dục sẽ rất cao. HS, SV luôn “theo dõi”, giám sát, học tập thầy cô ở tất cả mọi phương diện trong cuộc sống.
Nếu dạy chữ, dạy kiến thức là thuần trí tuệ thì thì dạy lễ, dạy nghĩa lại cần đến cả trái tim, tâm hồn, tình cảm, dạy bằng cả nhân cách của chính mình. Nhà trường phải giáo dục cho HS ý thức tự giác, tự nguyện làm theo những chuẩn mực của cái đẹp, từ lời ăn, tiếng nói, tác phong trong sinh hoạt đến lối sống đều hướng đến những “chân, thiện, mĩ”.
Tóm lại, giáo dục văn hóa giao tiếp, đạo đức học đường, văn hóa học đường là nhằm xây dựng không gian văn hóa học đường thật sự trong lành, tốt đẹp có sức cảm hóa, sức hấp dẫn, sức lan tỏa để đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt những cái phi văn hóa từ trong nhà trường đến ngoài xã hội. Để thực hiện được mục tiêu cao quí đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự quyết tâm, bền chí giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội khác, trong đó vai trò của nhà trường, đặc biệt nhiệm vụ của giáo viên là cực kì to lớn.
Xây dựng một môi trường văn hóa giao tiếp sư phạm đặc trưng
Phải có một môi trường văn hóa giao tiếp sư phạm đặc trưng bởi trường Sư phạm là trường dạy nghề, trường mang tính mô phạm, qui phạm nhất. Vì vậy phải xây dựng được những chuẩn mực về văn hóa giao tiếp trong chương trình đào tạo. Trường Sư phạm cần có môn dạy về văn hóa giao tiếp bởi đây được xem như “cửa ngõ” vào đời, là môn trang bị kiến thức mặt bằng văn hóa giao tiếp, môn học làm người đầu tiên để sau đó đi sâu vào các vấn đề thiết yếu khác như: đạo đức học đường, văn hóa học đường …Đây là những vấn đề thuộc “tiên học lễ”. Để thực thi tốt mục tiêu, nhiệm vụ môn học, trường Sư phạm phải nghiên cứu, trình bày được các luận chứng khoa học và phương án giải guyết các vấn đề:
* Về chương trình
Phải thiết kế được chương trình đào tạo. Xác định rõ mục tiêu, nội dung, đối tượng, phương pháp và kế hoạch dạy- học thật cụ thể. Chương trình phải xuất phát từ chiến lược đào tạo con người mới XHCN Việt Nam “đức –tài”, “hồng – chuyên”.Chú ý các vế trước “đức, hồng”. Đồng thời phải xuất phát từ thực tiễn văn hóa học đường của chúng ta lâu nay và việc tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, đặc biệt phải biết kế thừa những di sản văn hóa truyền thống nhằm giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.
* Về nội dung
Chương trình phải có nội dung thật phong phú, hấp dẫn. Đó là những bài học giao tiếp đa chiều giữa nhiều đối tượng (SV- GV, SV- SV, GV- GV, SV- CB NV và ngược lại), giao tiếp trong nhiều môi trường ( trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường…), trong nhiều hình thức dạy học (chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ…) với những cách thức, tình huống ứng xử sư phạm khác nhau…Quan hệ giao tiếp và ứng xử sư phạm giữa GV và SV trong quá trình dạy học cần lưu ý là có sự điều chỉnh giữa các phương diện: Về mặt đạo lí phải giữ phép “tôn sư trọng đạo”. Nhưng về mặt khoa học cần thể hiện tính dân chủ bình đẳng để cùng nhau trao đổi, tranh luận trong những vấn đề chuyên môn, học thuật nhằm rèn luyện năng lực tư duy độc lập, tạo tính năng động, sáng tạo cho SV để không bị gò bó, trói buộc, lệ thuộc, chấp nhận một cách khiên cưỡng, từ đó làm cho quan hệ giữa GV và SV trở nên gần gũi, thân thiết, hòa đồng, vừa thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời qua đó cũng thể hiện được sự gắn bó giữa truyền thống và hiện đại.
- Chương trình phải xây dựng được chuẩn văn hóa giao tiếp và hình thành được thói quen giao tiếp có văn hóa cho SV. Ông bà ta xưa đã từng dạy rất kĩ lượng là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Từ lời ăn, tiếng nói, hệ thống nghi thức lời nói phải giản dị, trong sáng, dễ hiểu phù hợp với từng đối tượng. Phải có ý thức cẩn trọng, nghĩ suy kĩ lượng khi giao tiếp, biết chọn lời hay, ý đẹp làm cho lời nói có giá trị “gói vàng”. Nghìa là văn hóa giao tiếp trong nhà trường sư phạm phải đạt được tính thẩm mĩ. Phải qua chương trình kỹ năng giao tiếp sư phạm, làm cho SV có thái độ thẩm mĩ và trách nhiệm đối với lời nói và hành động. Nhà trường phải dạy cho SV hiểu rằng lời nói hay, lời nói đẹp là biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của con người. Lời nói có giá trị được chắt lọc từ tâm hồn trong sáng, nhân hậu của con người có văn hóa.
- Trong môi trường sư phạm, cần chống những lối nói thô tục, suồng sã, những thái độ, hành vi gây phản cảm có lúc xúc phạm đến người khác. Đồng thời cũng nên tránh những lối giao tiếp hoa mĩ, cầu kì. Phải dạy cho HS, SV biết xúc cảm, đồng cảm, chia sẻ, có ý thức trách nhiệm trong công việc. Phải biết tôn trọng và có ý thức giữ gìn bảo vệ những giá trị của “ chân, thiện, mĩ”, đồng thời kiên quyết chống lại tất cả những gì phản lại “chân, thiện, mĩ”.
Trong thời đại ngày nay, việc mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác, hòa nhập với thế giới bên ngoài là một tất yếu. Trong cuộc giao lưu ấy phải biết “gạn đục khơi trong” để chắt lọc được những tinh hoa văn hóa nhân loại, bổ sung, làm phong phú thêm cho truyền thống văn hóa dân tộc. Cho dù thế giới có hiện đại, có tân tiến bao nhiêu chăng nữa thì chúng ta cũng phải giữ vững được cốt cách, bản lĩnh, bản sắc Việt Nam trong văn hóa giao tiếp, vẫn hết sức coi trọng những giá trị văn hóa truyền thống.
Theo tài liệu Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường. Viện Nghiên cứu giáo dục ĐHSP TP HCM – 12/2009.