Tại trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, có một nữ giảng viên khoa Luật vì phải phẫu thuật nên nhờ sinh viên thi hộ và được cấp chứng chỉ nghề nghiệp.
Ngày 18/9, ông Phan Kim Tuấn, Trưởng phòng tổ chức hành chính Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng (Đại học Kinh tế Đà Nẵng) cho biết đang phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu, thống nhất biện pháp kỷ luật nữ giảng viên này.
Sự việc bị phát hiện do đồng nghiệp của nữ giảng viên gửi đơn thư lên nhà trường vào tháng 10/2021. Theo phản ánh, nữ giảng viên tham gia khóa học Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên chính hạng 2, do Đại học Đà Nẵng tổ chức hồi đầu năm 2021. Tuy nhiên, vào ngày thi hết môn hôm 2/4/2021, giảng viên này đã nhờ một sinh viên năm thứ tư của Khoa Luật đi thi hộ. Sự việc diễn ra trót lọt và nữ giảng viên sau đó được cấp chứng chỉ.
Theo ông Tuấn, ngày hôm đó, nữ giảng viên nhập viện mổ ruột thừa và bị nhiễm trùng vết thương. Khi viết tường trình lại sự việc, nữ giảng viên đã thừa nhận nhờ thi hộ.
Đảng ủy Đại học Đà Nẵng sau đó thu hồi quyết định kết nạp Đảng; Đại học Sư phạm Đà Nẵng (nơi cấp chứng chỉ) thu hồi chứng chỉ đã cấp với giảng viên này. Đảng ủy Đại học Kinh tế Đà Nẵng cũng đề nghị Ban giám hiệu xem xét xử lý nữ giảng viên với tư cách là một viên chức. "Hình thức kỷ luật ban đầu nhà trường đưa ra là khiển trách", ông Tuấn nói.
Giảng viên không chấp nhận bị xử lý kỷ luật vì hết thời hạn
Dù vậy, việc xử lý kỷ luật đến nay chưa thực hiện được.
Ông Tuấn nói, trước Tết Nguyên đán một tuần, Đại học Kinh tế Đà Nẵng mời nữ giảng viên lên làm việc và yêu cầu viết kiểm điểm. Mọi việc đã được thống nhất, trường cũng thông báo đến Khoa Luật về thời gian họp kiểm điểm.
Tuy nhiên, trước ngày Khoa Luật họp, nữ giảng viên thông báo mình bị ốm và xin hoãn. Khoa Luật đã đề nghị nhà trường dời việc họp kiểm điểm sang sau Tết.
Sau Tết, nhà trường triệu tập cuộc họp kiểm điểm nhưng nữ giảng viên Khoa Luật lại cho rằng thời hạn xử lý với mình theo khoản 3 điều 53 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã hết thời hạn 90 ngày (tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm của viên chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền).
Theo ông Tuấn, việc này đã làm phát sinh tình huống pháp lý về thời điểm nào được xem là thời điểm phát hiện sự việc. Nữ giảng viên cho rằng mốc thời gian phát hiện vi phạm là từ khi có đơn thư phản ánh (tháng 10/2021) và cô đã viết tường trình thừa nhận hành vi để báo cáo cho Đảng uỷ nhà trường. Trong khi đó, có quan điểm khác cho rằng, thời điểm phát hiện vụ việc là sau khi Đảng uỷ ra thông báo về việc cá nhân có vi phạm.
"Với lập luận như trên, nữ giảng viên kiên quyết không thực hiện xử lý kỷ luật. Chúng tôi đã đề nghị các bên liên quan, kể cả Khoa Luật và tham vấn thêm ý kiến luật sư bên ngoài, nhưng cũng đang 50/50. Vì thời điểm phát hiện sự việc chưa được xác định chính xác, dẫn tới không chốt được còn thời hạn xử lý hay không", ông Tuấn lý giải.
Trưởng phòng tổ chức hành chính Đại học Kinh tế Đà Nẵng nói, quan điểm của nhà trường là "không bao che", nhưng cũng phải tuân theo các quy định pháp luật hiện hành để tránh "bị kiện ngược".
"Trong trường hợp này hành vi sai phạm đã rõ ràng. Chúng tôi đang đi theo hướng vận động, thuyết phục nữ giảng viên thực hiện quy trình xử lý kỷ luật để chấm dứt sự việc", ông Tuấn nói.
> Nhiều trường đại học thông báo xét tuyển bổ sung 2022
> Điểm chuẩn đại học 2022 đang "lạm phát"
Theo VnExpress