Khác với Tết nguyên đán mưa phùn ẩm ướt của ta hay dịp Năm Mới đầy băng tuyết có khi tới dưới -25 độ C ở Nga, thời tiết mùa đông trên quần đảo Nhật Bản thường rất đẹp: da trời xanh ngắt và nắng rực rỡ. Trừ vùng Hokkaido phía bắc nói chung thời tiết không rét lắm. Vùng Kanto nhiệt độ thường loanh quanh 9 – 10 độ C. Lễ Giáng Sinh và đón Năm Mới ở Nhật diễn ra không phô trương ồn ào, thậm chí còn yên tĩnh hơn nhiều lễ hội mùa hè.


Nhật Bản chỉ có khoảng 0.5% dân số theo đạo Thiên Chúa và cũng không có lễ Giáng Sinh chính thức. Ngày 25 tháng 12 ở Nhật là ngày làm việc bình thường. Thay vào đó người Nhật lại được nghỉ vào ngày 23 tháng 12 vì đó là sinh nhật của đương kim Hoàng Đế Nhật. Năm nay ông này 71 tuổi. Tuy nhiên người Nhật rất thích hội hè. Biết được tâm lý này các cửa hàng lớn luôn bày ra các lễ hội để bán hàng. Nhiều người cho rằng lễ Giáng Sinh ở Nhật thực chất là “sáng kiến” của các cửa hiệu và siêu thị. Giáng Sinh ở Nhật không mang màu sắc tôn giáo như ở Italia chẳng hạn. Từ đầu tháng 12 phố xá đã bắt đầu treo đèn trang trí. Các trung tâm lớn ở Tokyo như ga Tokyo, Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Roppongi, Ginza v.v. đều treo đèn gọi là illumination rất đẹp. Đặc biệt nổi tiếng có lẽ là hành lang đèn có tên “Tokyo Millenario" do đạo diễn mỹ thuật người Ý tên là Valerio Festi thiết kế chạy dài 800 m tại Marunouchi gần ga Tokyo. Hành lang được bật lên từ đêm 24/12 và sáng như vậy vào buổi tối trong suốt một tuần đến 1/1. Hành lang này được kế tiếp bởi đèn illumination dài 4 km của thành phố. Gần đến ngày Giáng Sinh tại các quảng trường đều có đặt cây thông. Các siêu thị bán nhiều đồ của lễ Giáng Sinh như giầy ủng đỏ đựng đầy bánh kẹo bên trong, các vòng lá thông gắn băng lụa đỏ và chuông mạ vàng, có cả bánh ngọt mùa Giáng Sinh của châu Âu như panettone có xuất xứ từ Italia. Một số nhân viên bán hàng hóa trang thành ông già Noel khi phục vụ khách hàng. Các cửa hàng bách hóa lớn (department stores) mở cửa đến 11 giờ đêm, làm việc cả 31 tháng 12 và 1 tháng 1. Trai gái thường lấy mùa Giáng Sinh để tỏ tình, tặng quà nhau mang ý nghĩa đặc biệt, đưa nhau đi Tokyo Disney Land hoặc Tokyo Disney Sea chơi, hoặc ăn uống tại các nhà hàng sang trọng trong đêm Noel. Vé đi chơi Tokyo Disney Land và Tokyo Disney Sea vào đêm Giáng Sinh và Năm mới phải mua trước cả năm. Vào đêm Giáng Sinh các gia đình Nhật thường ăn bánh ngọt mùa Giáng Sinh do họ tự làm hoặc mua ở hiệu.

 

Cây thông Noel tại Shibuya





Cây thông Noel tại Shibuya Tokyo Millenario



Nhật Bản đón Năm Mới theo công lịch như ở các nước Âu châu và Mỹ vậy. Thông thường người Nhật làm việc đến ngày 28 tháng 12. Ngày đó các công sở thường tổ chức ăn uống tiễn năm cũ. Đây là dịp các nhân viên được lĩnh tiền thưởng cả năm (bằng 5 – 6 tháng lương) vì thế họ có tiền ăn chơi xả láng. Các nhà hàng thường đông nghẹt khách vào các đêm trước cuối năm khoảng một tuần. Sau đó ai về nhà nấy. Người thì đi du lịch nước ngoài. Người thì cùng gia đình về thăm bố mẹ ở quê. Những người khác thì đón năm mới ở nhà. Vì thế phố xá trở nên vắng vẻ lạ thường.

Đón Năm Mới, người Nhật thường có tục lệ gọi là Susuharai - lau rửa nhà cửa cả trong lẫn ngoài để tẩy sạch các vết nhơ của năm cũ đi, làm nhà cửa sạch sẽ mới mẻ đón năm mới. Sau đó họ trang trí hai bên cửa ngõ bằng cây thông để đón may mắn vào nhà. Tục lệ này có tên là Kadomatsu. Có nhà thêm cả cây tre và cành mai. Dưới vòm cửa ra vào không thể thiếu Shimenawa - một loại trang trí bắt nguồn từ đạo Shinto, hình cái nùn rơm có cuốn băng giấy chữ chi - để ngăn không cho quỷ lai vãng vào địa phận nhà, tương tự như phong tục cắm cây nêu ngày Tết của ta vậy. Gửi thiếp chúc mừng Năm Mới - gọi là Nengajo- cho bạn bè, người quen v.v là phong tục ai cũng làm ở Nhật. Nengajo giống như bưu thiếp và có số sổ xố ở trên. Đầu Năm mới Nhà nước quay sổ xố và những ai nhận được nhiều Nengajo thì có cơ may trúng thưởng nhiều hơn. Bưu điện Nhật thường quy định ngày gửi Nengajo. Những Nengajo bỏ đúng thời gian quy định sẽ được đưa đến cho người nhận đúng ngày 1 tháng 1 bất kể người đó ở nơi nào trên nước Nhật.



Kadomatsu - trang trí cửa ra vào dịp Năm Mới





Cửa đền thờ đạo Shinto cổ nhất ở Izumo với nùn rơm shimenawa vĩ dại nhất Nhật bản. Nùn rơm này dài 13 m, nặng 6.6 tấn



Vào dịp Năm Mới các kênh TV của Nhật có nhiều chương trình ca nhạc, hài, v.v. Đêm 31 tháng 12 rất nhiều người Nhật ngồi trước TV xem chương trình “Đỏ - Trắng”. Chương trình này mời các ca sỹ nổi tiếng trong năm như BoA, Hamazaki Ayumi, Mikawa Ken-ichi, nhóm Morning Musume, nhóm Kinki Kids, nghệ sỹ dân ca, v.v. tham gia. Các nghệ sỹ được chia làm hai phe đỏ và trắng để khán giả cho điểm. Chương trình kéo dài 5 tiếng đồng hồ từ 7 giờ tối đến giao thừa. Đầu Năm Mới TV thường chơi giao hưởng số 9 - Ode to Joy của Beethoven và phát trước trình hoà nhạc Năm mới của Nhà hát Wienna. Giao hưởng số 9 của Beethoven được người Nhật rất ưa thích vì nó kết nối nước Nhật với châu Âu theo một cách rất đặc biệt. Trong Đại chiến thế giới I các tù binh người Đức bị giam ở nhà tù tỉnh Tokushima đã lập một giàn nhạc nghiệp dư của những người tù. Mùa xuân năm 1918 dàn nhạc của tù binh Đức này đã cùng với các quản giáo người Nhật trình diễn giao hưởng số 9 của Beethoven. Từ đó giao hưởng này trở nên rất nổi tiếng ở Nhật.

Đúng vào lúc giao thừa các chuông lớn ở tất cả các chùa trên toàn nước Nhật thi nhau cất tiếng. Người ta đẩy một cây gỗ lớn treo trước cái chuông húc vào chuông làm vang lên âm thanh nghe như tiếng cồng. Chùa Chion-in ở Kyoto có một cái chuông như vậy nặng tới 74 tấn. Tiếng chuông vang lên 108 lần để rửa sạch 108 tội lỗi của con người, theo như đạo Phật dạy. Lúc này nhiều gia đình kéo nhau ra chùa để lễ, đốt bùa cầu may v.v. Chùa lớn nhất Tokyo là Meiji đêm 31 tháng 12 thường đông nghẹt tới cả triệu người.


 

Đồ ăn osechi

Để giải phóng các bà nội trợ khỏi nấu nướng vì đã quá bận trong những ngày Năm Mới, người Nhật có tục lệ chuẩn bị sẵn đồ ăn nguội gọi là Osechi trong một cái hộp lớn để cả nhà cùng ăn. Các siêu thị đều có bán các hộp Osechi như vậy. Vị của các món Osechi khá đặc biệt vì lẫn cả mặn lẫn ngọt và thông thường là lạnh, nên người không quen lúc đầu thấy khó ăn. Thường thì đại gia đình tụ tập ăn uống. Một số gia đình ở Tokyo mà gia đình các con cái anh chị em sống rải rác thì không đến nhà bố mẹ như xưa mà tất cả họp mặt tại các nhà hàng vào ngày đầu Năm Mới. Khách đến chơi nhà chủ dịp Năm Mới thường mừng tuổi cho trẻ con chủ nhà. Tùy theo quan hệ giữa chủ và khách tiền mừng tuổi cho trẻ con có thể từ vài nghìn đến vài chục nghìn yên (tức từ vài chục đến vài trăm USD). Cũng có người thay tiền bằng tặng phiếu mua quà. Các phiếu này do các cửa hiệu bán. Người được tặng phiếu có thể dùng phiếu như tiền để mua hàng tại các cửa hiệu nói trên. Làm như vậy người lớn hướng được trẻ con dùng tiền vào những việc mà họ nghĩ là có ích cho trẻ con. Ví dụ phiếu mua sách chỉ dùng để mua sách mà không mua được các thứ khác. “Khách” ở đây là người gia đình, họ hàng. Bạn bè đồng nghiệp, nhân viên không đến chơi nhà nhau, trừ phi rất hãn hữu được mời hẹn ngày giờ rõ ràng. Người ngoại quốc mới đến Nhật thường rất ngạc nhiên vì người Nhật rất hiếm khi mời khách đến nhà chơi. Vì thế khi ai đã được mời thì đều coi đó là một sự ưu ái đặc biệt và không bao giờ từ chối.

Ở Nhật chỉ có khoảng 10 ngàn người Việt, lại sống rải rác không theo một cộng đồng lớn nào. Tại các trường đại học các hội sinh viên Việt Nam hay tổ chức hội hè khá vui vẻ. Ở một số nơi người Việt cũng tổ chức họp mặt đón Tết ta, ăn uống, văn nghệ, mua bán quà lưu niệm. Còn nói chung, người Việt ở Nhật đón Năm Mới theo người Nhật, tức là theo công lịch và thường là tại gia. Đồ ăn quê hương cũng không thiếu. Bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò thủ, nem chua, lạp xưởng, bì bóng lợn, bánh phở, bánh đa nem, v.v. thậm chí cả mắm tôm đều có thể đặt mua từ các tiệm của người Việt và các tiệm Tàu tại Tokyo, Yokohama, v.v. Chỉ cần gọi điện thoại đặt. Người ta sẽ gửi đến tận nhà. Nhận hàng rồi sau đó mới trả tiền qua bưu điện. Nếu không thích nấu nướng ở nhà, bạn có thể tới ăn ở các tiệm ăn Việt Nam ở Ikebukuro, Shinjuku, Shibuya, Ginza v.v. Người mới ở trong nước sang thường chê đồ ăn ở các tiệm này là đắt và không ngon bằng ở trong nước (tất nhiên rồi). Nhưng đối với những người xa quê hương đã lâu như tôi thì một số nhà hàng Việt Nam ở Tokyo nấu cũng được, giá phải chăng, và đặc biệt là thái độ phục vụ rất lịch sự niềm nở với nội thất đẹp ấm cúng. Thỉnh thoảng gia đình tôi vẫn mời vài người bạn thân là người Nhật tới các nhà hàng Việt Nam ăn uống. Mấy người này rất mê món ăn Việt nam.

Cuối năm 1993 tôi từ Italia trở về Hà Nội và tham gia tổ chức hội nghị quốc tế về vật lý hạt nhân lần đầu tiên tại Việt Nam (tháng 3 năm 1994). Đúng vào 12 giờ đêm giao thừa 1993 sang 1994 một đồng nghiệp Mỹ gọi điện cho tôi từ Hoa Kỳ hỏi về visa vào Việt Nam. Tôi phải bịt một bên tai để tiếng pháo nổ ngoài phố khỏi át đi tiếng ông nói trong điện thoại. Còn ông này thì lúc đầu không hiểu có sự cố gì đang xảy ra ở Hà Nội mà nghe thấy nhiều tiếng nổ ầm ầm. Bây giờ một mùa xuân lại sắp đến. Tự dưng tôi bỗng nhớ tiếng pháo giao thừa lần cuối cùng cách đây 11 năm ấy.