Sẽ cân nhắc, điều chỉnh dự thảo quy chế cho phù hợp

Sau gần một tháng dự thảo quy chế thi và tuyển sinh được công bố, tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, ông có thể cho biết những nội dung góp ý nào đáng quan tâm và sẽ được Bộ tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung?

Các ý kiến góp ý đến nay, chủ yếu tập trung vào một số nội dung cụ thể như: việc cấp bao nhiêu giấy báo điểm cho mỗi TS là phù hợp, mỗi đợt xét tuyển được đăng ký vào nhiều trường hay vào một trường nhưng 4 nguyện vọng như dự thảo quy chế; một số ý kiến băn khoăn về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của các đề án tuyển sinh riêng; một số ý kiến về việc tổ chức các cụm thi sao cho TS có thể đến dự thi thuận lợi nhất...
Ban soạn thảo quy chế sẽ nghiên cứu, tiếp thu, cân nhắc việc điều chỉnh dự thảo trên nguyên tắc xem xét một cách toàn diện tác động của mỗi điểm cần điều chỉnh, đảm bảo tối đa quyền lợi của TS và chất lượng nguồn tuyển.

Công bố danh sách cụm thi, quy chế tuyển sinh 2015 vào tháng 2

GS-TSKH Bùi Văn Ga

Thưa ông, dư luận lo lắng vấn đề thay đổi thang điểm cũng như nguyện vọng xét tuyển sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của TS?

Về thang điểm: Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, do đó yêu cầu phân hóa kết quả thi của TS phải được đặt ra cao hơn so với trước đây. Trong kỳ thi THPT quốc gia, dự thảo quy chế dự kiến sử dụng thang điểm 20 đối với tất cả 8 môn thi. Thay đổi này hướng tới đảm bảo quyền lợi cho TS.

Trước đây, sử dụng thang điểm 10, chấm đến 0,25, như vậy thang điểm được chia thành 40 mức. Vì thế, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian có thể không được tính điểm do chưa đi đến kết quả cuối cùng, do vậy TS sẽ bị thiệt. Với thang điểm 20, cũng chấm đến 0,25, lúc đó thang điểm được chia thành 80 mức. Do đó, những lập luận, diễn giải, tính toán trung gian sẽ được tính điểm, như vậy TS có lợi hơn.

Bộ dự kiến sử dụng thang điểm 20 cho kỳ thi THPT quốc gia 2015. Tuy nhiên, hiện tại Bộ đang tiếp tục lắng nghe ý kiến của giáo viên, học sinh và các chuyên gia trước khi chính thức đưa vào quy chế.

Về nguyện vọng xét tuyển: Mặc dù trong mỗi đợt xét tuyển, TS chỉ được sử dụng một giấy xác nhận kết quả thi, nhưng mỗi giấy cho phép TS đăng ký xét tuyển tối đa vào 4 ngành hoặc nhóm ngành của một trường. Trong khi đó, trước đây TS có thể thi tối đa 2 trường ĐH ở 2 đợt khác nhau và mỗi trường chỉ một nguyện vọng. Như vậy, theo dự thảo quy chế tuyển sinh mới thì TS có số nguyện vọng đợt đầu tiên nhiều hơn số nguyện vọng của kỳ thi 3 chung. Với quy định này, TS thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội đăng ký các ngành khác nhau của một trường.

Ngoài ra, theo dự thảo quy chế, trong thời gian của mỗi đợt xét tuyển TS có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác. Nếu TS thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội hơn để vào các trường có sử dụng những khối thi khác nhau khi muốn thay đổi nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển.

Kể từ đợt 2 trở đi, theo quy chế kỳ thi 3 chung trước đây, TS không trúng tuyển đợt 1 có thể nộp giấy vào nhiều trường, còn theo dự thảo mới TS chỉ nộp vào một trường với 4 nguyện vọng. Một số ý kiến cho rằng dự thảo quy định như vậy có thể gây thiệt thòi cho TS từ đợt 2 trở đi. Ban soạn thảo ghi nhận và sẽ cân nhắc việc điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, TS cũng cần lưu ý rằng với việc cùng một lúc có thể đăng ký được vào nhiều trường không chỉ gây khó khăn cho các trường do số TS ảo tăng mà TS cũng gặp khó do không thể dự đoán được khả năng trúng tuyển của mình để kịp rút hồ sơ sang trường khác, nhất là những TS có kết quả ở mức thấp, chưa trúng tuyển đợt xét đầu tiên, sẽ chịu rủi ro rất lớn.

Công bố danh sách cụm thi và quy chế trong tháng 2

Việc dự kiến có 2 loại cụm thi vẫn chưa thuyết phục được số đông dư luận. Có ý kiến cho rằng cụm thi ở địa phương nếu chỉ để xét tốt nghiệp THPT mà bắt TS phải di chuyển để dự thi sẽ gây vất vả, lãng phí không cần thiết. Bộ liệu có thay đổi quan điểm về việc tổ chức cụm thi địa phương hay không?

Việc tổ chức cụm thi dựa trên các nguyên tắc: TS thuận lợi hơn khi dự thi so với năm 2014; địa điểm tổ chức cụm thi có cơ sở hạ tầng đảm bảo tiếp nhận được số lượng TS dự kiến đến dự thi; quy trình tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hay tại tỉnh đều giống nhau theo cùng quy chế và kế thừa các kinh nghiệm tổ chức cụm thi ở kỳ thi 3 chung trước đây. Dự thi tại các cụm thi liên tỉnh là các TS có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Những năm trước đây để thi ĐH, TS phải về các thành phố lớn, còn năm nay có thể thi tại trường ĐH ở tỉnh của mình hoặc tỉnh lân cận. Như vậy so với trước đã thuận lợi hơn.

Đối với các tỉnh có TS chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT, nếu tỉnh đề nghị, Bộ sẽ đồng ý tổ chức cụm thi tại tỉnh và điều động một trường ĐH có kinh nghiệm tổ chức thi về phối hợp với Sở GD-ĐT địa phương.

Hiện nay, Bộ đã dự kiến các cụm thi liên tỉnh (mỗi cụm ít nhất cho 2 tỉnh) và đã gửi dự thảo bố trí các cụm thi đến các địa phương để tham khảo ý kiến. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các địa phương, Bộ sẽ điều chỉnh lại việc phân bố các cụm thi cho phù hợp nhất, đảm bảo việc tổ chức kỳ thi an toàn và tạo thuận lợi tối đa cho TS. Danh sách các cụm thi sẽ được công bố trước khi TS làm thủ tục đăng ký dự thi, dự kiến trong tháng 2 tới.
Bao giờ việc chỉnh sửa dự thảo quy chế sẽ hoàn tất và có thể ban hành chính thức, thưa ông?

Theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi hết thời gian lấy ý kiến góp ý, Bộ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và công bố các quy chế trong tháng 2.2015, sớm hơn các năm trước để các cơ sở giáo dục - đào tạo, học sinh, giáo viên chủ động thực hiện.

Cân nhắc khi lựa chọn số môn thi

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, với phương thức xét tuyển được quy định trong dự thảo quy chế tuyển sinh, những học sinh đăng ký dự thi nhiều môn hơn sẽ có nhiều cơ hội để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hơn. Tuy nhiên TS phải cân nhắc thận trọng trong việc chọn số môn thi phù hợp với năng lực của mình: chọn nhiều môn sẽ tăng cơ hội xét tuyển, nhưng việc ôn tập lại không tập trung, có thể ảnh hưởng đến kết quả thi và do đó có thể làm giảm cơ hội trúng tuyển.

Điều quan trọng nhất đối với TS là phải xác định được ngành nghề, sở thích của mình, trên cơ sở đó lựa chọn số môn thi tối ưu nhất để tập trung ôn tập. Tuyển sinh luôn có tính cạnh tranh cao nên nếu TS chọn lựa đúng môn thi sở trường để thể hiện tối đa năng lực thì sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

Đổi mới thi luôn nhắm đến quyền lợi của TS, làm cho kỳ thi công bằng hơn, tránh tối đa mọi sự rủi ro, tạo thuận thuận lợi hơn để TS thể hiện năng lực của mình. Năm nay TS đăng ký xét tuyển vào trường sau khi đã có kết quả thi nên có thể dự đoán được kết quả, giảm thiểu rủi ro như quy định của kỳ thi 3 chung trước đây.

Theo Báo Thanh niên, http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/giam-rui-ro-tao-thuan-loi-cho-thi-sinh-526259.html