>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học

Vừa qua, 150 học sinh THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, cán bộ Đoàn tiêu biểu đã tham dự diễn đàn “Tiếng nói của học sinh TPHCM” lần thứ 6 năm 2014 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Nhiều vấn đề thời sự liên quan đến môi trường học đường đã được học sinh mạnh dạn phản ánh…

Cập nhật chương trình

Đó là bức xúc của nhiều học sinh THPT và điều các em mong mỏi là có thêm nhiều giờ thực hành và giảm bớt thời lượng học lý thuyết dày đặc như hiện nay. Việc “học chay” đã khiến việc học mất hứng thú, trở nên nặng nề, khô khan, mơ hồ và khó hiểu. Không những thế, học sinh còn phải học những kiến thức lạc hậu, không bám sát những thay đổi nhanh như vũ bão của thời đại công nghệ, kỹ thuật số ở thế kỷ 21.

Nữ sinh Nguyễn Hoàng Linh Phương bức xúc phản ánh: “Nội dung ở môn tin học quá lỗi thời, thiếu cập nhật kiến thức, công nghệ mới có thể ứng dụng vào thực tế. Cụ thể, ở lớp 10 và 11, chúng em được học chương trình Pascal, Word quá lỗi thời, không thể áp dụng cho những tiết thực hành, bài giảng điện tử đòi hỏi sử dụng Excel, phần mềm Powerpoint...”.

Cũng như nhiều học sinh khác cảm thấy môn tin học chưa giúp người học có thể thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, Linh Phương nêu vấn đề: “Cái cần thì chúng em không được học và cái không cần thì phải học?”.

Thấy rõ tầm quan trọng của môn ngoại ngữ tiếng Anh, học sinh cũng đề nghị ngành GD-ĐT TPHCM đầu tư dạy môn này bài bản, theo chuẩn để các em thành thục 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết để tự tin trong giao tiếp.

Tp.HCM đổi mới chương trình dạy phổ thông

Tp.HCM đổi mới chương trình dạy phổ thông

Theo em Nguyễn Thái Hữu Anh (Trường THPT An Đông), học sinh nào nói tiếng Anh tốt, tự tin giao tiếp đều học ở những trung tâm có yếu tố nước ngoài vì được thực hành nhiều. Vì thế nhà trường cần xem lại cách dạy và học tiếng Anh chỉ nghiêng về đọc, viết không hiệu quả như hiện nay. Tuy tiếng Anh là lợi thế của học sinh TPHCM nhưng chất lượng giảng dạy chưa đồng đều và ở khu vực ngoại thành, học sinh chưa có điều kiện học và thực hành tiếng Anh theo chuẩn nên thua kém các bạn ở nội thành.

Trước thực trạng học sinh đang phải chịu áp lực học quá nhiều môn lý thuyết khô khan lẫn kiến thức khó hiểu, một học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong kiến nghị nhà trường nên đầu tư trang bị thiết bị dạy học hiện đại, công nghệ mới - hình ảnh 3D vào tiết học thực hành. Có như thế, học sinh mới hứng thú với các môn học khó. Một số học sinh cũng kiến nghị cần đổi mới phương pháp dạy môn lịch sử, bổ sung thêm các sự kiện lịch sử.

Tăng kỹ năng sống

Nữ sinh Phạm Thái Tiểu Mi (Trường THPT Bình Khánh huyện Cần Giờ) phản ánh chương trình môn giáo dục công dân có nhiều nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi, nhận thức của học sinh. Cụ thể chương trình lớp 10 môn triết học với những khái niệm về duy vật, duy tâm… rất khó hiểu, mơ hồ. Bên cạnh việc truyền thụ lý thuyết xơ cứng, cách thức kiểm tra môn này cũng nặng nề, bắt học thuộc lòng đã gây áp lực, khiến học sinh ngán học.

Tiểu Mi đề nghị nên đưa môn học này về đúng chức năng của nó là dạy học sinh làm người, sống có đạo đức, hành xử, ứng xử đúng… Trước nhiều vấn nạn học đường như học sinh nữ mang thai, đánh nhau ở trường học… Tiểu Mi cho rằng cần xem lại môn giáo dục công dân đã phát huy tác dụng như thế nào?

Trước nhiều biến động phức tạp của cuộc sống, học sinh kiến nghị nhà trường cần tăng thêm chương trình dạy kỹ năng sống, trải nghiệm nhiều hơn để các em biết cách ứng xử, đối phó với các tình huống, tai nạn có thể xảy ra. Dẫn chứng thực tế nhà trường cũng tổ chức tập huấn, dạy các chuyên đề về kỹ năng sống nhưng dù tham gia học sinh cũng không thấm sâu, học sinh Phạm Thái Tiểu Mi cho rằng cần có thêm những chương trình trải nghiệm, thực hành thiết thực hơn. Một học sinh khác đề nghị nên đưa chương trình giáo dục giới tính, kỹ năng sống vào môn giáo dục công dân.

Một vấn đề khiến học sinh bức xúc là ngành GD-ĐT vẫn chạy theo bệnh thành tích, cái gì cũng quy ra điểm số, vì chỉ tiêu nên cả thầy lẫn trò đều phải “hành xác” nhau, chịu áp lực nặng nề. Và với cách dạy - học để thi cử, học sinh không tránh khỏi sự thiếu hụt kỹ năng sống cần thiết như năng động, linh hoạt giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Ngoài quan tâm đến chương trình giáo dục tình yêu biển đảo, hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, học sinh còn phải biết rung động trước những hoàn cảnh khó khăn của các bạn ở vùng sâu, vùng xa của TPHCM. Ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ học sinh ở vùng sâu, vùng xa để giúp các bạn vượt qua khó khăn, theo đuổi ước mơ học hành được nhiều người ủng hộ.

Lắng nghe học sinh thổ lộ tâm tư, nguyện vọng và đề đạt ước muốn có môi trường học và rèn luyện tốt hơn, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đã giải đáp, thông tin về chủ trương đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo của TP.

Theo thầy Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, ngành GD-ĐT TP đang chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng chương trình dạy ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế cho học sinh. Điều này giúp học sinh TP tiếp cận với chuẩn giáo dục tiên tiến. Về trang bị kỹ năng sống, nếu nói không được học là không đúng vì nó được lồng ghép vào các môn học tại trường. Đây là chủ đề rộng và tùy vào điều kiện xã hội, chúng ta phải làm liên tục, đáp ứng nhu cầu của học sinh. Vai trò của người học rất quan trọng, vì thế, ngoài học ở trường, học sinh phải tự học, tự trang bị thêm kiến thức, kỹ năng sống để thích ứng với mọi tình huống phát sinh trong cuộc sống.

Là đô thị có tiềm năng, phát triển năng động, TPHCM đang rất cần nguồn nhân lực trẻ có trình độ, kỹ năng chuyên sâu để vươn xa hơn, hội nhập với thế giới sâu hơn. Để góp phần xây dựng TPHCM giàu đẹp hơn, rất cần sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của học sinh - những người chủ tương lai của TP.

Theo Khánh Bình, SGGP