>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Hôm nay, ngày 17-4, hạn cuối thí sinh trên cả nước nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tại các trường THPT. Qua khảo sát một số trường THPT và một số địa phương cho thấy, hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 có những chuyển biến tích cực.

Tuyển sinh 2014: Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ giảm đáng kể

Theo lịch tuyển sinh năm 2014, từ ngày 17-3 đến 17-4, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ nộp hồ sơ tại các trường phổ thông để các trường tổng hợp, nộp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), bàn giao cho các trường tuyển sinh. Đến nay, nhiều trường THPT đã cơ bản hoàn tất công tác thu nhận hồ sơ. Trong đó, tại nhiều trường học của tỉnh Nam Định, số hồ sơ đăng ký của thí sinh có xu hướng giảm rõ rệt.

Theo Hiệu trưởng Trường THPT A Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) Dương Văn Chủng, tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của trường những năm trước đây trung bình khoảng 2,5 hồ sơ/học sinh. Tuy nhiên, năm 2014, công tác tư vấn, hướng nghiệp được đẩy mạnh, nhất là có sự phối kết hợp với các đơn vị liên quan trong địa bàn và phụ huynh học sinh cho nên số lượng hồ sơ đăng ký giảm đáng kể. Trong số 562 học sinh lớp 12, trường thu nhận được khoảng một nghìn hồ sơ, đạt tỷ lệ khoảng 1,5 hồ sơ/học sinh. Trong đó, thí sinh dự thi vào khối A vẫn chiếm tỷ lệ lớn khoảng 85%; khối B khoảng 10%; còn lại là các khối A1 và C, D.

Tuyển sinh 2014: Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ giảm đáng kể

Tuyển sinh 2014: Hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ giảm đáng kể

Tại Trường THPT Nam Trực (huyện Nam Trực. Nam Định), do xác định được năng lực học tập cho nên số hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh lớp 12 có sự phân chia rõ rệt. Phần lớn số thí sinh tập trung vào những khối ngành đang có nhu cầu việc làm ở những trường "tốp trung".

Trong tổng số 860 hồ sơ đăng ký dự thi ở 77 cơ sở đào tạo ĐH, CĐ trên cả nước, nhiều hồ sơ đăng ký tập trung vào các trường ĐH: Công nghiệp Hà Nội (75 hồ sơ); Nông nghiệp (66 hồ sơ), Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội (45 hồ sơ), Giao thông vận tải (44 hồ sơ).

Không chỉ ở Nam Định, tại Hà Nội, theo Hiệu trưởng Trường THPT Tân Lập (Đan Phượng) Nguyễn Văn Dũng, toàn trường thu được 1.150 hồ sơ trong tổng số 515 học sinh lớp 12, giảm đáng kể so với năm học trước. Trong đó, những học sinh có năng lực học tập tốt thường chỉ nộp một, hai hồ sơ đăng ký tuyển sinh chứ không nhiều như những năm trước đây, một học sinh có thể nộp nhiều hồ sơ. Trong khi đó, tại Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân) nhận được 1.115 hồ sơ trong tổng số 521 học sinh lớp 12 (trung bình 2,1 hồ sơ/học sinh). Theo cô giáo Trần Thị Kim Liên, xu hướng đăng ký ngành nghề năm 2014 của trường có nhưng thay đổi khi khối ngành kinh tế đã giảm nhiều, khối ngành liên quan đến lĩnh vực môi trường, công nghệ thông tin, kỹ thuật có xu hướng tăng...

Đối với tỉnh miền núi Hòa Bình cũng có xu hướng thay đổi tích cực. Những lớp có nhiều học sinh kém, trung bình thường lựa chọn tuyển sinh CĐ hoặc trung cấp, học nghề. Theo tính toán sơ bộ, trong tổng số gần chín nghìn học sinh lớp 12 có khoảng sáu nghìn hồ sơ đăng ký tuyển sinh ĐH, chiếm khoảng hơn 60% số học sinh lớp 12, còn lại là dự thi CĐ và học trung cấp... Những trường thí sinh đăng ký tuyển sinh nhiều cũng tập trung vào những trường "tốp trung", phù hợp với nhu cầu việc làm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội địa phương như khối ngành công nghiệp, lâm nghiệp, nông nghiệp...

Theo lịch thi, tuyển sinh của Bộ GD và ĐT, trong hai ngày 9 và 12-5, các Sở GD và ĐT sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH, CĐ; để các trường sẽ xử lý dữ liệu tuyển sinh cho nên chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ đăng ký dự thi vào các khối ngành trên toàn quốc. Tuy nhiên, bước đầu xu hướng dịch chuyển trong đăng ký ngành nghề tuyển sinh năm 2014 có những tín hiệu đáng mừng. Theo Giám đốc Sở GD và ĐT Nam Định Nguyễn Văn Tuấn, để thí sinh đạt kết quả tốt cho tuyển sinh năm 2014, ngay trong quá trình ôn tập thi tốt nghiệp THPT cũng chính là chuẩn bị kiến thức cho học sinh thi vào đại học Mặt khác, công tác phân luồng, định hướng cho học sinh thi vào ĐH, CĐ cần căn cứ vào lực học của mình để trên cơ sở đó chọn đúng năng lực cũng cần được chú trọng.

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc Bộ GD và ĐT tăng cường điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo cũng như sự vào cuộc của các địa phương trong phân luồng, hướng nghiệp, dự báo nhu cầu nguồn nhân lực tạo tiền đề quan trọng trong việc dịch chuyển khối ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội. Mặt khác, tình trạng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng nhiều chính là những cảnh báo để học sinh và phụ huynh lựa chọn ngành nghề đăng ký tuyển sinh. Nhận thức về giáo dục ĐH của người dân từng bước có những thay đổi nhất định theo hướng tích cực; việc lựa chọn ngành, chọn trường đã theo hướng chất lượng; thí sinh đã bước đầu có quyết định thực tế hơn trong việc lựa chọn học nghề hay học ĐH được thể hiện rõ nét qua một số kỳ tuyển sinh gần đây. Năm 2014 dù chưa có số liệu tổng hợp chính thức nhưng bước đầu có thể nói, xu hướng giảm số lượng hồ sơ cũng như sự lựa chọn ngành nghề của thí sinh không tập trung quá nhiều vào những ngành "hot" sẽ tạo thuận lợi cho cả công tác đào tạo của các trường cũng như phân bố nguồn nhân lực sau này.

Theo tác giả Mạnh Xuân, báo Nhân dân