Giảm áp lực tuyển sinh theo "mùa"

Trường đại học Nguyễn Trãi tổ chức tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), thực hiện đổi mới công tác tuyển sinh, tăng quyền tự chủ cho các trường ĐH, năm 2015, một số trường và nhóm trường được tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng. Theo đó, các trường xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh bảo đảm các yêu cầu về: Đối tượng tuyển sinh; phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển); ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào; lệ phí tuyển sinh; điều kiện thực hiện phương án tuyển sinh (nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị, sự phối hợp); công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và giải quyết các khiếu nại, tố cáo... Đáng chú ý, các trường tuyển sinh riêng phải bảo đảm không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của trường tổ chức luyện thi; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch khi tuyển sinh. Mặt khác, trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự thi kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD và ĐT quy định.
Việc đổi mới, tăng tự chủ thu hút nhiều trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Theo Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD và ĐT) Trần Văn Nghĩa, cả nước có khoảng 180 trường ĐH, CĐ xây dựng phương án tuyển sinh riêng.
Đến nay, đã có khoảng 125 trường hoàn thành đề án, lấy ý kiến dư luận xã hội và được Bộ GD và ĐT có công văn xác nhận phù hợp quy chế tuyển sinh. Một số trường hoàn thành đề án sớm đã cơ bản hoàn thành xét tuyển lần một. Điển hình như Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) xét tuyển đợt một năm 2015, từ ngày 1-1 đến hết ngày 15-2. Việc xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập tính theo điểm tổng kết lớp 10, lớp 11 và học kỳ một lớp 12 của ba môn đăng ký xét tuyển theo ngành đào tạo. Mức điểm trung bình tối thiểu để xét tuyển đối với hệ ĐH là 6 điểm, hệ CĐ là 5,5 điểm. Trường ĐH Thành Đô (Hà Nội) nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 15-1 đến 10-2 và tổ chức nhập học vào ngày 9-3 với tổng số 1.800 chỉ tiêu. Hình thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc THPT hoặc tương đương tính theo điểm tổng kết lớp 10, lớp 11 và học kỳ một lớp 12 của tổ hợp ba môn xét tuyển lấy từ cao xuống thấp.
Trong quá trình học tập, sinh viên có thể được đăng ký thêm một chương trình đào tạo để được cấp hai văn bằng. Ngoài ra, một số trường cũng thông báo xét tuyển ngay từ đầu năm như Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội); Trường ĐH Thành Đông (Hải Dương); Trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận)...

Thay đổi nhận thức về "mùa tuyển sinh"

Việc các trường tổ chức xét tuyển ngay từ đầu năm gây nhiều bất ngờ đối với thí sinh.
Vì đây là lần đầu, các trường tổ chức đợt xét tuyển sớm mà không phải đợi đến sau kỳ thi, tuyển sinh chung như những năm trước đây. Tuy nhiên, kết thúc đợt một, số thí sinh dự tuyển chưa nhiều và các trường chủ yếu đặt mục tiêu làm thay đổi nhận thức không còn "mùa tuyển sinh" như trước cho thí sinh là chính. Tại Trường ĐH Thành Đô có 150 thí sinh đăng ký xét tuyển gồm 50 thí sinh đăng ký trực tiếp và 100 thí sinh đăng ký qua mạng in-tơ-nét.
Theo TS Ngô Xuân Hà, Hiệu trưởng nhà trường, thực tế xét tuyển ngay từ đầu năm cho nên nhiều thí sinh chưa quen.
Năm 2015, nhà trường chưa thể kỳ vọng nhiều mà chủ yếu để thí sinh thay đổi dần nhận thức về tuyển sinh. Nhất là, việc tuyển sinh hai kỳ sẽ giảm được áp lực "mùa tuyển sinh" như trước đây và tăng cơ hội cho thí sinh theo học ĐH, phù hợp cách làm của nhiều trường ĐH trên thế giới đang triển khai. Trong khi đó, tại Trường ĐH Nguyễn Trãi kết thúc đợt một tuyển sinh được năm thí sinh vào khối ngành kinh tế tài chính, quản trị kinh doanh và 62 thí sinh dự thi môn năng khiếu vào khối ngành kiến trúc, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất... Theo PGS, TS Nguyễn Văn Nhã, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Nguyễn Trãi, việc tổ chức kỳ xét tuyển từ đầu năm sẽ là khởi đầu cho những năm tới trong việc thay đổi nhận thức thí sinh về công tác tuyển sinh. Thực tế, nhiều trường ĐH trên thế giới tổ chức tuyển sinh tối thiểu là hai kỳ mỗi năm và tối đa có tới bốn kỳ mỗi năm. Hy vọng năm 2015 với cách tuyển sinh mới, thí sinh dần hiểu được việc học ở ĐH không giống như học ở phổ thông. Cơ hội thực hiện nguyện vọng theo học ĐH của thí sinh được mở ra nhiều hơn và công tác tuyển sinh bớt phiền hà hơn cho thí sinh. Đợt tuyển sinh đầu năm cũng là một cuộc "sát hạch" để các trường tạo uy tín, thu hút học sinh theo học. Thí sinh được quyền tự chủ lựa chọn thời điểm học, tốc độ học và thậm chí là cả môn học.
Theo các chuyên gia giáo dục, việc tổ chức tuyển sinh nhiều lần trong năm cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với cách tổ chức đào tạo theo tín chỉ hiện nay. Việc tổ chức nhiều lần tuyển sinh, không theo "mùa" không chỉ diễn ra đối với các trường ngoài công lập mà còn cả với những trường thuộc diện "tốp đầu".
Điển hình như ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức tuyển sinh trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực. Thí sinh dự tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào hai đợt tháng năm và tháng tám.
Điều đó cho thấy, việc "phá vỡ" cách tuyển sinh truyền thống (chỉ tổ chức từ tháng bảy) đang dần giảm những áp lực nặng nề không đáng có với thí sinh về "mùa tuyển sinh" như những năm trước đây.

Theo Nhân dân, tin gốc: http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/25775802-giam-ap-luc-tuyen-sinh-theo-mua.html

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh 2015, kỳ thi quốc gia 2015