Chiều 24/3, phát biểu tại họp báo thường kỳ quý I/2017, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết, năm 2017 chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm giảm 20% so với năm trước. Lý do để tránh dư thừa đội ngũ nhà giáo.

"Trước đây chúng ta dự tính mức tăng dân số cao nhưng thực tế số lượng trẻ sinh ra đang giảm dần. Nếu tiếp tục đào tạo giáo viên theo quy mô như hiện nay thì tỷ lệ dư thừa đội ngũ sư phạm sẽ lớn. Do đó, chúng tôi quyết định rút dần quy mô đào tạo ngành này", Thứ trưởng Ga nói. Việc quy hoạch lại hệ thống sư phạm đang được tiến hành.

Giảm 20% chỉ tiêu ngành Sư phạm trong năm 2018 - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga.



Theo ông Ga, tổng chỉ tiêu đào tạo năm 2017 của toàn hệ thống giáo dục đại học giảm. Cụ thể, chỉ tiêu của các trường đại học, cao đẳng cả nước là hơn 390.000, giảm 30.000 so với năm trước. Điều này phù hợp với xu hướng giảm quy mô đại học mà Bộ Giáo dục đã đề ra. Chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, đại học chiếm 40% tổng số thí sinh của kỳ thi THPT quốc gia (hơn 950.000 thí sinh), sẽ cân bằng được cơ cấu giáo dục giữa đào tạo đại học và đào tạo nghề.

Từ ngày 21/6, thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia với 5/6 môn thi trắc nghiệm. Để học sinh làm quen với sự đổi mới này, các trường THPT sẽ tổ chức kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ II lớp 12 theo phương thức giống kỳ thi thực tế.

Rút kinh nghiệm từ sai sót đề trong kỳ thi thử của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, sau khi xây dựng câu hỏi thô, các nhà chuyên môn sẽ biên tập, lọc lựa rồi kiểm thử 2 đợt. Bộ đồng thời có văn bản hướng dẫn các sở trong việc sao in đề.

Để đảm bảo công bằng cho kỳ thi, tránh thất thoát và giúp các phân môn thi diễn ra đúng thời gian quy định, Bộ Giáo dục sẽ không cho thí sinh mang đề về. Khi kỳ thi hoàn tất, Bộ sẽ đăng tải đề này kèm đáp án để học sinh tiện theo dõi, đối chiếu với bài làm của mình.


Theo VnExpress