>> Tuyển sinh, Tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014

Những ngày này, không khí tại Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM nhuốm màu ảm đạm.

Không chỉ giáo viên mà các học sinh cũng lo âu, bàn tán. Tuổi Trẻ đã trao đổi với bà Phạm Thị Thu Thảo, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, phụ trách Trường THPT Lý Tự Trọng. Bà Thảo cho biết:

Hiện nay trên địa bàn quận Tân Bình, TP.HCM chỉ có bốn trường THPT công lập là Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Bình, Lý Tự Trọng. Khoảng 10 năm trở lại đây, tôi chưa thấy có thêm trường THPT công lập mới nào. Trong khi đó, rất nhiều học sinh Lý Tự Trọng thuộc diện gia cảnh khó khăn. Nếu bây giờ giải thể trường thì hơn 1.600 học sinh sẽ học ở đâu? Chắc chắn trong số đó sẽ có nhiều em phải nghỉ học vì không đủ kinh phí học ở trường dân lập, tư thục. Chẳng lẽ chúng ta đẩy các em ra ngoài xã hội hay sao?- Ông Lê Tấn Long (giáo viên môn sử Trường THPT Lý Tự Trọng)

“Là người trực tiếp phụ trách trường THPT tôi cũng rất bất ngờ và thật sự rất sốc với quyết định giải thể trường. Ngày 12-4, UBND TP.HCM đã có văn bản thông báo về chủ trương giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng theo lộ trình từ năm 2014-2017 nhưng tôi không hề được biết.

Lãnh đạo trường  Lý Tự Trọng búc xúc quyết định giải thể

Lãnh đạo trường  Lý Tự Trọng búc xúc quyết định giải thể

Chiều 14-4, khi tôi lên Sở GD-ĐT TP họp về việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10, tôi cũng không nghe thông tin gì về việc này. Hôm đó, sở có phát cho các trường bảng “Hệ thống trường lớp tuyển sinh trung học năm học 2014-2015”, trong đó vẫn ghi: Trường Lý Tự Trọng tuyển 540 học sinh. Mãi đến khi trường chúng tôi chính thức nhận được thông báo của UBND TP, tôi mới biết việc giải thể.

Và ngay sau đó, Sở GD-ĐT đã có văn bản thông báo cắt chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của trường. Việc giải thể một ngôi trường với hơn 60 giáo viên, hơn 1.800 học sinh (tính cả hệ bổ túc) mà không hề có sự bàn bạc, sắp xếp gì. Tôi có cảm giác việc tiến hành giải thể quá vội vàng, khiến đội ngũ giáo viên rất bức xúc”.

Theo bà, có gì chưa ổn trong chuyện này?

- Việc giải thể một ngôi trường cần có sự bàn bạc, tính toán, thảo luận với đội ngũ giáo viên, không thể “hô” một tiếng là xong, vì có liên quan đến cuộc sống, việc giảng dạy, học tập của hơn 2.000 người.

Hình như các ngành chức năng đã làm việc theo quy trình ngược: đáng lẽ phải xây dựng đề án giải thể với lộ trình chi tiết trong từng giai đoạn: giải quyết chỗ học cho học sinh ra sao, thuyên chuyển giáo viên như thế nào... cho hợp lòng dân và bảo đảm được quyền lợi của học sinh, giáo viên.

Khi đề án đã hoàn tất và nhận được sự đồng tình của đa số giáo viên, phụ huynh, lúc ấy mới ra quyết định giải thể trường.

Còn đây, đùng một cái chúng tôi nhận được thông báo về việc giải thể trường, sau đó trường mới xây dựng đề án giải thể. Cũng chính vì vậy mà đội ngũ giáo viên mới phản ứng.

Với vai trò “thường trực ban chỉ đạo giải thể trường”, bà sẽ đề xuất gì trong cuộc họp vào ngày 12-5?

- Tôi sẽ đề xuất Sở GD-ĐT cho phép nhà trường tiếp tục tuyển sinh lớp 10 trong năm học tới. Đây là nhu cầu đáp ứng nguyện vọng của đại đa số giáo viên, phụ huynh Trường Lý Tự Trọng.

Việc này sẽ giúp ổn định tình hình dạy và học trong nhà trường hiện nay, nhất là trong giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Sau đó, trường sẽ bị giải thể hay tách ra thành một trường THPT độc lập thì sẽ tính tiếp. Nếu xét một cách toàn diện, xét đến sự phát triển chung của thành phố, của ngành giáo dục, tôi vẫn khẳng định: cần giữ lại chỗ học cho học sinh.

Bà dựa vào đâu để khẳng định “Trường Lý Tự Trọng không nên giải thể”?

- Thoạt nhìn ai cũng thấy trường THPT nằm trong khuôn viên của Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Tuy nhiên, ngành GD-ĐT cũng như phụ huynh đã hỗ trợ trường để đầu tư về chuyên môn, cơ sở vật chất, tài chính... đầy đủ như một trường THPT độc lập.

Nếu phải nhường lại cơ sở vật chất đó để ưu tiên phát triển trường cao đẳng thì chúng tôi mong ước sẽ có một ngôi trường THPT mới để giáo viên Trường Lý Tự Trọng có thể giảng dạy ở đó, để học sinh trong khu vực có chỗ học.

Tôi lấy ví dụ: nếu năm học tới, Trường Lý Tự Trọng không được tuyển sinh lớp 10 thì chỉ tiêu 540 học sinh sẽ phải “san sẻ” sang các trường lân cận để họ “gánh” giùm.

“Gánh” trong điều kiện phòng ốc vẫn như cũ thì chắc chắn các trường sẽ phải dồn ép sĩ số lớp học và người gánh chịu hệ lụy không ai khác hơn là học sinh.

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới trường lớp quận Tân Bình thì quận sẽ xây dựng thêm một trường THPT nữa. Điều này rất thuận lợi nếu xúc tiến như ý tôi đã trình bày ở trên.

Theo tác giả Hoàng Hương, Tuổi trẻ