Các trường đại học ngoài công lập kêu cứu
Tại buổi họp, Hiệp hội các trường ngoài công lập một lần nữa phản ánh việc tuyển sinh khó khăn của mình trong vài năm gần đây, nhiều trường đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động mà trong đó có nguyên nhân không nhỏ từ cách thức tuyển sinh hiện hành mà Bộ GD-ĐT đang áp dụng. Từ đó, hiệp hội kiến nghị mấy điểm đổi mới tuyển sinh: Về lâu dài, nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH-CĐ thành 1 kỳ thi, bộ tổ chức tốt kỳ thi “2 trong 1” để các trường lấy kết quả xét tuyển vào ĐH-CĐ mà không cần tổ chức thi. Trước mắt, hiệp hội kiến nghị Bộ GD-ĐT bỏ cơ chế điểm sàn chung hiện nay vì bất hợp lý, nguồn tuyển bị thu hẹp, các trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu.
Giải cứu trường ngoài công lập cần biện pháp cục thể hơn
Nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số trường đại học mới được thành lập chưa có đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thì Bộ GD-ĐT nên có sự giúp đỡ để giúp các trường này tránh việc giải thể.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “ Không vì một số trường ngoài công lập tuyển sinh khó mà Bộ GD-ĐT hạ chất lượng đầu vào. Bộ không bao giờ làm điều này”.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho rằng các trường muốn phát triển bền vững thì cần đầu tư lâu dài về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy. Việc chỉ chăm chăm tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu không phải là một biện pháp lâu dài.
Tất cả các kiến nghị liên quan đến tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong cuộc họp báo chiều qua 5-3 là “Bộ ủng hộ tất cả các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng, có thể thi hay xét tuyển, miễn hợp lý, bảo đảm công bằng, không để xảy ra tiêu cực, không tái diễn luyện thi”. Tuy nhiên, ông Ga cũng lưu ý hiệp hội về kiến nghị xét tuyển ĐH-CĐ dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT. “Năm nay lần đầu tiên bộ cho phép 10 trường nghệ thuật tuyển sinh riêng, trong đó có môn Văn không phải thi mà xét tuyển trên điểm tổng kết 3 năm, thế nhưng điều này cũng đã bị dư luận phản ứng. Mới chỉ xét tuyển 1 môn, trong một diện hẹp nhưng dư luận vẫn còn lo lắng, nếu xét tuyển ở tất cả các môn, cho tất cả các trường chắc chắn dư luận rất lo lắng. Theo tôi, hiệp hội nên cân nhắc về kiến nghị này”, ông Ga cảnh báo.
Vẫn ông Ga cho rằng, hiện chưa thể ghép kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ vào làm một ngay từ năm 2013 như kiến nghị của hiệp hội vì tính chất 2 kỳ thi này quá khác biệt, nếu thực hiện ghép thì tính chất kỳ thi thay đổi, nên phải có sự chuẩn bị, nghiên cứu thận trọng. Bộ vẫn bảo lưu quan điểm từ nay đến 2015 vẫn thi ĐH-CĐ theo “3 chung” và có một số điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Sau 2015 sẽ có phương án tuyển sinh lâu dài, đơn giản, bảo đảm nâng cao chất lượng. Vì thế có tổ chức kỳ thi “2 trong 1” hay không, hay thi theo phương thức nào vẫn phải tính toán, sau 2015 mới quyết định.
Giải pháp giải toả khó khăn cho trường ngoài công lập
Bộ GD-ĐT đang đề nghị Chính phủ giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 10% đối với tất cả các trường để những cơ sở này có điều kiện phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng có công văn đề nghị các tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trường mới thành lập xa khu dân cư trong việc giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông…
Ngoài ra, để giảm sự khác biệt giữa sinh viên trường công lập và trường ngoài công lập, Bộ GD-ĐT đang xem xét việc sẽ cấp kinh phí đào tạo cho tất cả mọi sinh viên. Đối với những sinh viên có điểm thi đầu vào đạt ngưỡng quy định sẽ được cấp kinh phí đào tạo dù là sinh viên trường công lập hay ngoài công lập.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013
Kenhtuyensinh
Tổng hợp từ VTC - SGGP