Đừng chọn nghề chỉ để trú chân!

Hàng chục ngàn bạn trẻ đến tham dự Ngày hôi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2015 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Dù năm nay thi xong có kết quả thí sinh mới cần đăng ký xét tuyển vào các trường, nhưng vẫn có nhiều học sinh mong muốn giải đáp về việc chọn ngành ngay từ bây giờ.

Đề thi chung, đề thi riêng cùng “nóng"

Bao giờ Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi? Định dạng đề thi có gì khác biệt so với các năm trước? Đây là băn khoăn phổ biến của thí sinh trước kỳ thi THPT quốc gia.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng - cho biết những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã không công bố, ban hành cấu trúc đề thi.

Tuy nhiên, thí sinh hoàn toàn có thể tham khảo đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 vì cấu trúc đề thi 2015 sẽ tương tự như vậy.

Riêng môn thi ngoại ngữ, với phần tự luận, thí sinh có thể tham khảo định dạng phần thi này trong đề thi tốt nghiệp THPT 2014.

Không chỉ đề thi của kỳ thi THPT quốc gia được quan tâm, rất nhiều thí sinh còn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến đề thi tuyển sinh 2015 riêng được tổ chức tại ĐH Quốc gia Hà Nội và vào ngành báo chí - Học viện Báo chí và tuyên truyền.

Trước thắc mắc của một số thí sinh lo ngại thi vào trường bằng bài thi đánh giá năng lực liệu có phải học ôn tất cả các môn, TS Vũ Viết Bình - phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định cấu trúc bài thi đánh giá năng lực sẽ có hai phần: phần bắt buộc (kiến thức toán học và ngữ văn), phần tự chọn (khối khoa học tự nhiên: kiến thức các môn lý - hóa - sinh; khối khoa học xã hội: sử, địa, giáo dục công dân).

Thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai phần tự chọn theo sở trường của mình, do đó hoàn toàn không có chuyện thi vào trường bắt buộc phải học ôn quá sâu về tất cả các môn.

Tuy nhiên, với thí sinh có nguyện vọng dự tuyển vào ngành y đa khoa, dược khoa thì phần tự chọn bắt buộc phải làm khối kiến thức khoa học tự nhiên.

Riêng thí sinh có nguyện vọng dự tuyển vào trường ĐH ngoại ngữ sẽ phải làm thêm bài thi ngoại ngữ.

Trong khi đó, TS Mai Đức Ngọc - trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền - cho biết thí sinh thi vào nhóm ngành báo chí sau khi dự kỳ thi THPT quốc gia theo các môn quy định của trường sẽ làm bài thi năng khiếu dự kiến vào ngày 12-8.

Bài thi năng khiếu có hai phần: phần trắc nghiệm chiếm 3/10 điểm (30 câu hỏi trong 30 phút kiểm tra kiến thức hiểu biết chung của thí sinh về đời sống xã hội, trong chương trình phổ thông), phần tự luận 7 điểm (gồm một câu 3 điểm đánh giá năng lực xử lý và biểu đạt thông tin trong xây dựng và hoàn thiện văn bản; một câu 4 điểm đánh giá năng lực phát hiện vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân hiểu biết về ngành báo chí - có thể thông qua yêu cầu thí sinh viết bài luận ngắn).

Đừng chọn nghề vì là nơi trú chân!

“Đừng chọn nghề vì là nơi trú chân mà hãy chọn nghề là một nơi dấn thân” là lời gửi gắm của TS Phạm Mạnh Hà - phó trưởng khoa công tác thanh niên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam - cho các bạn học sinh còn đang cân nhắc giữa một nghề yêu thích nhưng nhiều rủi ro và một nghề an toàn.

Cũng có chung quan điểm đó, PGS.TS Lê Bạch Mai - phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia -chia sẻ với một thí sinh muốn học y học cổ truyền rằng nghề y là một nghề khó khăn, cần rất nhiều nỗ lực. Bởi vậy, chỉ khi có đam mê các em mới có thể đeo đuổi tới cùng.

Phải làm gì khi muốn trở thành hướng dẫn viên du lịch nhưng gia đình và bạn bè nói con gái thì không nên làm du lịch? Chưa trả lời câu hỏi này ngay mà TS Phạm Mạnh Hà hỏi lại em học sinh về sự hiểu biết của em với nghề này như thế nào?

Trước những hiểu biết còn sơ lược của em học sinh, TS Hà cho rằng những ý thích nghề nghiệp khi chỉ xem xét bề ngoài, tên gọi là ý thích không bền vững. “Gắn bó với một nghề nghiệp nào không nên dựa trên hình thức bề ngoài của công việc đó, mà cần dựa vào tính chất lao động của công việc để quyết định” - TS Hà nói.

Nếu như phiên sáng khu tư vấn tâm lý gỡ rối hướng nghiệp chọn lối vào đời thu hút các em học sinh với trò ném phi tiêu thì phiên chiều, TS tâm lý Phạm Mạnh Hà “lôi kéo” các em học sinh vào một trò chơi đóng vai vui vẻ.

Trong vai người đi giới thiệu sản phẩm, với  tài “mời chào” khách hàng mua chai nước khoáng với giá 50.000 đồng, bạn Nam đến từ Trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) đã hoàn toàn thuyết phục được ban giám khảo và khán giả nhờ bạo dạn, tự tin và thể hiện được sự tiếp cận tâm lý khách hàng khác nhau với những phương thức phù hợp.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150315/dung-chon-nghe-chi-de-tru-chan/720800.html

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi tốt nghiệp, điểm thi đại học