>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được tổng số 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Trong đó, khối A cao nhất là 52.453 hồ sơ, khối C 7.250 hồ sơ. Khối A1 20.183 hồ sơ và khối D 39.800 hồ sơ.

Thi đại học: Khối A đứng đầu số lượng thí sinh đăng ký dự thi

Bạn Phạm Thị Thanh Trà, học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thanh Trì) chia sẻ: “Thi đại học năm nay, em vẫn thích chọn các khối ngành kinh tế vì dễ xin việc, lương lại cao. Nhiều người khuyên em nên chọn ngành Luật để theo, vì khối ngành kinh tế nhiều bạn lựa chọn, nhưng em không mấy quan tâm…”

Còn bạn Nguyễn Trọng Quyết, học sinh trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Em quyết định chọn Đại học Ngoại thương, và thi vào Khoa Tài chính Ngân hàng. Em cho rằng, ngành kinh tế vẫn là ngành “hot” hiện nay và cũng là điều kiện tốt để em ra trường có việc làm sớm, lương cũng khá cao…”

Khi PV hỏi nhiều bạn học sinh khác cũng đều nhận được câu trả lời là đã chọn khối ngành kinh tế là tài chính, kế toán, ngân hàng, xây dựng… Theo ghi nhận tại các trường THPT, trong đợt thu nhận hồ sơ thi đại học này, số lượng hồ sơ cho các ngành rải khá đều. Tuy nhiên, khối ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế so với các ngành khác.

Thi đại học: Khối A đứng đầu số lượng thí sinh đăng ký dự thi

Thi đại học: Khối A đứng đầu số lượng thí sinh đăng ký dự thi

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu Trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: "Nhìn vào hồ sơ đăng ký của học sinh tôi thấy khối ngành kinh tế vẫn chiếm ưu thế hơn so với ngành khác. Mặc dù, nhà trường đã làm công tác hướng nghiệp cho các em, nhưng còn việc chọn khối ngành của học sinh đôi khi còn theo phong trào, hay phụ thuộc vào gia đình rất nhiều…”

Theo ông Bình, những năm gần đây, phần lớn các học sinh “chen” nhau thi khối ngành kinh tế như kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kế toán… khiến cung cầu lao động bị mất cân đối nghiêm trọng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường rất khó tìm được việc làm theo ngành nghề đào tạo.

Số 72 nghìn thạc sỹ, cử nhân thất nghiệp thời gian qua đã nói lên điều đó. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các khối ngành kinh tế có phần giảm nhiệt so với những năm trước, nhưng nhìn chung vẫn thu hút nhiều thí sinh. Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng giảm chỉ tiêu tuyển sinh những khối ngành kinh tế, nên tỷ lệ chọi cũng khá cao.

Ngoài ra, có một thực tế có nhiều thí sinh lựa chọn ngành nghề không đúng với năng lực, nhu cầu của xã hội trong tương lai. Các em không biết chọn trường, chọn ngành nghề nào theo học để ra trường dễ tìm được việc làm.

Ông Ngô Văn Sự, Phó Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Sở đã nhận được tổng số 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng. Trong đó, khối A cao nhất là 52.453 hồ sơ, khối C 7.250 hồ sơ. Khối A1 20.183 hồ sơ và khối D 39.800 hồ sơ.”

Theo ông Sự, khối ngành thuộc khối A vẫn chiếm ưu thế, khối B số lượng thí sinh đăng ký rất ít, gần như là dự phòng cho khối A. Trong khi đó khối C vẫn không mấy cải thiện so với những năm trước.

Theo tác giả Nguyễn Hiếu, Infornet