Dự thảo Quy chế đảm bảo tốt các yêu cầu của một kỳ thi quốc gia

Báo GD&TĐ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đồng tình cao với các nội dung Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhìn chung quan điểm của các nhà trường đều thể hiện sự tin tưởng về thành công của kỳ thi, nội dung chi tiết trong các Dự thảo đưa ra không chỉ đảm bảo độ tin cậy, chắc chắn dựa trên các yếu tố kỹ thuật đã được kế thừa từ thành công của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm qua, mà còn thể hiện tính nhân văn trong GD&ĐT.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp: Dự thảo Quy chế thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành GD-ĐT

Cần phải nhận thấy đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là đòi hỏi tất yếu trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Đây chính là khâu đột phá đưa Nghị quyết 29-NQ/TW vào thực tiễn giáo dục, từng bước đáp ứng nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội, tác động tích cực trở lại quá trình dạy học trong các nhà trường phổ thông.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2015

Dự thảo Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo tuyển sinh ĐH, CĐ được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến của toàn xã hội thể hiện tinh thần cầu thị cao. Từ các nội dung dự thảo, tôi cho rằng đảm bảo tốt yêu cầu đặt ra của một kỳ thi quốc gia theo đúng tiêu chí vừa để xét tốt nghiệp cho học sinh nhưng cũng đánh giá được năng lực học tập của người học, giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo nhu cầu của mình.

Nội dung dự thảo cho thấy Kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đặc biệt là kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án “3 chung” của những năm qua, đã được các nhà trường và dư luận xã hội đánh giá cao. Thế nên tôi hoàn toàn đồng tình với các nội dung về đề thi và cách thức tổ chức thực hiện của Kỳ thi.

Việc đưa vào các môn tự chọn, nhìn về tổng thể thì các môn học này sẽ đều nhận được sự quan tâm chung, tạo sự bình đẳng các môn học trong nhà trường phổ thông hiện nay. Có lẽ cách làm này sẽ dần khắc phục tình trạng dạy học đối phó, và việc “học lệch” trong các nhà trường. Với cách làm này sẽ thay đổi căn bản lối mòn cũ của giáo viên và hoạt động của các nhà trường đang nặng về truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của người học, đề thi sẽ tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó.

Khách quan mà nói, các nội dung đưa ra của kỳ thi như vậy là sẽ giảm áp lực nhiều cho thí sinh, thêm nữa điều này phù hợp với thực tế học tập ở bậc THPT hiện nay. Không chỉ với các nhà trường phổ thông mà ngay cả các trường ĐH, CĐ nên coi đây là bước chuẩn bị cho việc học tập để giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai sau khi tốt nghiệp THPT để đi vào cuộc sống hoặc tiếp tục học lên.

Nếu dư luận còn có những quan ngại về độ tin cậy trong đánh giá kỳ thi như các đợt thi tốt nghiệp THPT trước đây thì tôi cho rằng, quy chế thi mới đã đưa ra giải pháp khắc phục tối đa việc này. Bộ giao tổ chức cụm thi cho một trường đại học đứng ra chịu trách nhiệm chứ không phải là các Sở GD&ĐT như kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây nên chăc chắn không còn màu sắc địa phương trong đó.

Thêm nữa, việc tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm thi cũng do các trường ĐH chủ trì, các trường này có trách nhiệm huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi cùng với cán bộ, giáo viên của sở GD&ĐT. Đây là những căn cứ tin tưởng để đảm bảo kết quả sẽ đủ độ tin cậy cho xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời tạo sự yên tâm cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.

Đòn bẩy thúc đẩy các trường thay đổi lớn

Dự thảo Kỳ thi THPT quốc gia 2015 này cho thấy đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy các trường thay đổi lớn, thay vào việc chờ ở kết quả của kỳ thi “3 chung” thì nay các trường sẽ phải nghiên cứu, tiếp cận với việc tuyển sinh mới. Việc quảng bá tuyển sinh không còn chỉ đơn thuần là giới thiệu sức hấp dẫn của các ngành học, rồi chờ kết quả công bố mà lựa chọn thí sinh dự thi vào trường theo điểm số, giờ các trường sẽ phải năng động hơn, phải thuyết phục sao cho người học hiểu sự phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của mình và gia đình để đăng ký theo học trường mình.

Tôi cho rằng, với cách tuyển sinh này, các trường phải vận động nhiều hơn, người học và xã hội được lợi nhiều hơn. Những đổi thay này là sự vận động hoàn toàn phù hợp với quy luật của sự phát triển. Có thể nhận thấy tính nhân văn của chủ trương này vì mục đích của đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT là theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Trong đó có phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Các trường ĐH, CĐ sẽ tuyển sinh theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo; sẽ được quyền tự chủ nhiều hơn trong tuyển sinh đúng như quy định của Luật Giáo dục Đại học. Thực tế cho thấy, thời gian qua ở các trường THPT đã từng bước đổi mới hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Tuy nhiên, những đổi mới này chưa thực sự toàn diện, thế nên việc thực hiện Kỳ thi THPT quốc gia với những đổi mới này sẽ góp phần phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh theo hướng hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Nhìn vào Dự thảo quy chế Kỳ thi THPT quốc gia cho thấy, các nội dung đang hướng tới điều chỉnh hoạt động thi, kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường phải đổi mới theo hướng đánh giá năng lực học sinh, tránh ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Các nội dung này nhằm hướng đến sự đổi mới, chuyển từ cách tiếp cận với trọng tâm đánh giá là nội dung kiến thức sang trọng tâm đánh giá là năng lực của học sinh toàn diện hơn trong chương trình, sách giáo khoa mới. Có thể thấy tính hợp lý trong các nội dung quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ. Tuy vẫn còn nhiều sự lo ngại về tình trạng thí sinh ảo, nhưng theo tôi nội dung chi tiết như vậy sẽ giảm ảo cho các trường so với những kỳ tuyển sinh trước đây.

Vì những thí sinh có điểm thi dưới mức điểm xét tuyển cơ bản do Bộ GD&ĐT quy định sẽ không đăng ký vào trường. Mỗi thí sinh sẽ chỉ có một cơ hội đi học vào một trường nào đó, còn các nhà trường thì cũng sẽ chỉ lựa chọn thí sinh có mong muốn theo học trường mình nhưng cũng đáp ứng được các yêu cầu đào tạo. Vì thế, việc các trường ĐH, CĐ công bố chi tiết các nội dung xét tuyển sẽ giúp người học và nhà trường cùng đạt được yêu cầu của mình. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là các trường ĐH, CĐ chưa có được uy tín với xã hội sẽ thuận lợi hơn trong mùa tuyển sinh năm 2015 này.

Nhiều cơ hội cho cả người học lẫn nhà trường

Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đưa ra thì mỗi thí sinh đã đăng kí sử dụng kết quả thi để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Thí sinh sẽ dùng các giấy chứng nhận kết quả thi này để đăng ký xét tuyển tối đa 4 đợt, mỗi đợt xét tuyển thí sinh được phép đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển.

Như vậy, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội đăng ký các ngành khác nhau của một trường. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh sẽ nhiều hơn và các trường cũng thêm nguồn tuyển từ sự đa dạng này. Việc xếp thứ tự nguyện vọng theo ưu tiên từ 1 - 4 không chỉ giúp thí sinh có được cơ hội tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình, mà các trường cũng sẽ có nhiều cơ hội tuyển được những thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo.

Thêm nữa, việc Quy chế tuyển sinh cho phép các trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cũng  sẽ tạo sự đa dạng về nguồn tuyển, vì thí sinh đăng ký thi nhiều môn hơn sẽ có cơ hội xét tuyển nhiều hơn. Cũng không nên quá lo lắng về nạn thí sinh ảo sẽ tăng cao khi thí sinh được quyền rút hồ sơ sang trường khác. Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua, mỗi thí sinh cuối cùng cũng chỉ quyết định theo học một ngành nào nếu đủ điểm trúng tuyển, hoặc sẽ phải chờ thi lại năm sau.

Còn giờ đây, không chỉ là có quyền được xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau của một trường mà còn được xét tuyển sang trường khác ngay sau khi có kết quả xét tốt nghiệp THPT và tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT công bố, các trường công bố điều kiện xét tuyển vào các ngành của trường. Cùng với đó, các trường lại được phép thực hiện nhiều đợt xét tuyển, mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày. Quy định như vậy giúp thí sinh và nhà trường có thêm nhiều hơn cơ hội chọn lựa cho phù hợp với yêu cầu và đi đến quyết định cuối cùng phù hợp cho mình.

Hơn nữa, trong thời gian quy định của mỗi đợt xét tuyển cho dù quy chế cho phép thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác nhưng chỉ dành cho những thí sinh chưa trúng tuyển ở đợt xét tuyển nào, còn thí sinh đã trúng tuyển vào trường ở một đợt xét tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo.

Tôi cho rằng, với phương án thi mới, tất nhiên công tác tuyển sinh của những trường đã có uy tín, trường tốp trên không có khó khăn gì, nó sẽ dần hình thành sự phân chia thứ hạng trong các trường ĐH, CĐ. Còn với các trường ĐH, CĐ tốp dưới, các trường địa phương, cũng cần lạc quan hơn.

Chúng ta cần phải nhìn vào ý nghĩa xã hội to lớn, mục đích “2 trong 1” của Kỳ thi THPT quốc gia này không chỉ là việc tiết kiệm chi phí cho xã hội mà cũng sẽ giúp các trường địa phương có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển vì ưu thế địa bàn giúp tiết kiệm chi phí học tập cho người học và cũng giúp các trường thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đào tạo. Hơn ai hết những trường này nắm biết rõ nhất nhu cầu nhân lực của địa phương và đây chính là lợi thế thu hút người học. Vấn đề ở đây là tự bản thân các trường cần phải nỗ lực nhiều hơn để đào tạo cho có chất lượng, có được sự tin cậy của người học.

Theo Báo giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/du-thao-quy-che-dam-bao-tot-cac-yeu-cau-cua-mot-ky-thi-quoc-gia-632427-b.html

Video đang được xem nhiều:

Học kỹ năng giao tiếp ứng xử