Trong dự thảo quy chế đào tạo Đại học năm 2021, sinh viên sẽ được xem xét khả năng chuyển ngành, chuyển trường và chuyển nơi học, ngoại trừ SV năm 1.
Được xem xét chuyển khi đảm bảo các điều kiện trúng tuyển
Ông Phùng Xuân Dũng, Chủ tịch hội đồng Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, lấy ví dụ, dự thảo hướng dẫn chi tiết cách đánh giá về điểm, chuyển trường, sinh viên trong diện bảo lưu kết quả học tập. Điều này sẽ khắc phục tình trạng mỗi trường hiểu và triển khai một cách khác nhau.
Theo phó giáo sư Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, trên thực tế, có những sinh viên đôi khi chưa xác định rõ ngành học phù hợp. Dự thảo quy chế mới này mở ra cơ hội chuyển ngành, chuyển trường cho các em. Tuy nhiên, không phải chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, chuyển hình thức học một cách tuỳ tiện.
Cụ thể, Điều 16 của dự thảo quy chế quy định rõ các điều kiện để sinh viên được xem xét: Chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo (hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính); chuyển trường; chuyển từ hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học hoặc đào tạo từ xa của cơ sở đào tạo.
Sinh viên không thể chuyển từ hình thức vừa làm vừa học - đào tạo từ xa sang hệ chính quy
Cơ chế mở ra cơ hội định hướng lại ngành nghề cho sinh viên phù hợp thực tiễn. Theo đó, sinh viên được xem xét chuyển ngành, chuyển trường, chuyển nơi học, ngoại trừ sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa.
Về mốc thời gian này, ông Triệu phân tích phải đến năm thứ hai, sinh viên mới thực sự đủ độ chín để xác định ngành học phù hợp bản thân. Điều này còn đảm bảo quyền lợi của các em vì năm thứ nhất, sinh viên chủ yếu học các môn đại cương, ngành có sự tương đồng. Nhờ đó, việc học tập ở ngành mới, trường mới từ năm thứ hai sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Ông Triệu nhấn mạnh sinh viên chỉ được xem xét chuyển khi đảm bảo các điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo theo quy định.
Sinh viên được công nhận tín chỉ
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó trưởng phòng đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết những tín chỉ đã được tích lũy thuộc về kỹ năng, năng lực chuyên môn người học có, quy chế này cho phép các trường được xem xét, công nhận, thay vì phải bắt đầu lại từ con số không, nếu sinh viên chuyển ngành, trường hay thi lại.
“Đối với các trường, đây là điểm đáng mừng vì chúng tôi cũng thực sự mong muốn như vậy. Không ai muốn khắc nghiệt với người học. Quy chế có tính nhân văn, đã cân nhắc trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người học mà vẫn đảm bảo quy định chung”, ông Tùng nói.
Bên cạnh đó, không phải ai cũng có điều kiện thời gian, trong quá trình học tập mà hoàn thành đúng thời hạn. Thực tế đào tạo cho thấy có những sinh viên gặp vướng mắc trong quá trình học tập, như vấn đề đời sống cá nhân, vất vả trong cuộc sống, có những lúc phải tạm dừng việc học.
Dự thảo quy chế đã cho phép những phần liên quan khối kỹ năng, thời gian để hoàn thành được phép mở rộng hơn.
Cụ thể, dự thảo quy định: Sinh viên chưa hoàn thành học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, nhưng đã hết thời gian tối đa được phép học, trong thời hạn 3 năm tính từ ngày thôi học được trở về cơ sở đào tạo trả nợ để có đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
“Về vấn đề chuyên môn không ảnh hưởng, còn kỹ năng hoàn toàn cho phép các bạn thêm thời gian để trau dồi, đáp ứng quy định về đảm bảo chất lượng. Tôi nghĩ đây là tính nhân văn mà rõ ràng ai cũng có thể thấy”, ông Tùng đánh giá.
Đồng thuận với quy định công nhận tín chỉ, ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Đại học Văn hoá Hà Nội, cho rằng quy định khá chặt chẽ và phù hợp, ví dụ chỉ cho phép công nhận tối đa 50% tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo.
Điều này đã tính đến một số trường hợp sinh viên hoàn thành các học phần đã quá lâu. Khi theo học chương trình đào tạo mới, sinh viên được công nhận 50% tổng số tín chỉ để có cơ hội cập nhật thêm chương trình mới, kiến thức mới. Như vậy vừa mở vừa đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra, dự thảo quy chế đào tạo đại học lần đầu tiên đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định.
Theo đó, các cơ sở đào tạo công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ, làm cơ sở cho phép sinh viên được thực hiện một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và cho phép sinh viên cơ sở đào tạo khác thực hiện tại trường mình (gọi là trao đổi sinh viên).
Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau của các cơ sở đào tạo, sinh viên của cơ sở đào tạo này có thể đăng ký thực hiện học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác nếu được hiệu trưởng của hai cơ sở đào tạo đồng ý; số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở đào tạo khác (nếu có) không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.
Quy chế của cơ sở đào tạo quy định về các yêu cầu trong trao đổi sinh viên, khối lượng học tập đã tích lũy của sinh viên được miễn trừ khi thực hiện chương trình đào tạo và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo.
> Tuyển sinh 2021: Nhiều trường dự kiến tổ chức thi riêng
Theo ZING News