>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Để khép lại Diễn đàn “Đổi mới giáo dục - việc cần làm ngay”, báo Tin Tức xin giới thiệu những trao đổi của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển (ảnh) về những vấn đề then chốt cùng các giải pháp, nhằm triển khai hiệu quả Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đổi mới giáo dục và những khó khăn

* Nhiều ý kiến cho rằng quá trình thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất và đổi mới đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng đánh giá thế nào về nhận định này?

Trong bối cảnh không có nhiều nguồn lực như hiện nay thì việc đổi mới cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có thể còn gặp khó khăn lâu dài. Tuy nhiên, vẫn phải thực hiện đổi mới giáo dục bằng cách sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đã được đầu tư.

Hiện nay, ngân sách nhà nước tập trung đầu tư cho những lĩnh vực trọng tâm như: Giáo dục phổ cập, vùng sâu, vùng xa, vùng khó, các đối tượng chính sách và một số ngành nghề khó xã hội hóa như: tàu ngầm, điện tử; với các hoạt động khác (thiết bị giáo dục, các phong trào ngoại khóa, mở ngành mới... - PV) thì phải huy động từ nguồn xã hội hóa. Tôi muốn nhấn mạnh là phải sử dụng tiết kiệm nguồn lực đã có và muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục thì cần phải đổi mới quản lý và phát triển đổi ngũ nhà giáo.

đổi mới thi cử và đánh giá chất lượng

Đổi mới công tác tuyển sinh đang là mục tiêu mà ngành Giáo dục Đào tạo hướng tới.

* Vậy khâu đột phá của Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là gì? Đâu là việc cần phải triển khai ngay trong thời gian tới, thưa ông?

Khâu đột phá của Đề án này chính là khâu kiểm tra, thực thi và đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục, bởi quá trình triển khai những hoạt động này không đòi hỏi đầu tư nhiều kinh phí. Khi thay đổi cách thi thì sẽ có sự thay đổi về nội dung, phương pháp dạy và học. Bởi vậy, đó chính là nội dung cần tập trung đổi mới hiện nay.

==>Đào tạo giáo viên phải là khâu then chốt

Đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá chất lượng

*Ngành giáo dục đã chuẩn bị gì cho việc đổi mới khâu kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng, thưa ông?

Ngành giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới khâu kiểm tra, thi và đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Thời gian qua, ngành đã tổ chức việc ra đề thi mở, xây dựng một ma trận đề thi trong kiểm tra để đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ. Hiện nay, chúng tôi cũng triển khai việc kiểm tra hướng tới phát triển năng lực người học… Nhưng muốn đổi mới thi cử một cách toàn diện hơn, đúng với ý nghĩa của nó thì những yếu tố khác của chương trình phổ thông cũng phải đổi mới theo. Ví dụ, khi thiết kế nội dung dạy học phải đảm bảo được yêu cầu nghiệm thu kết quả ngay trong quá trình học, học đến đâu thi, kiểm tra đến đó, rồi sử dụng kết quả đó trong việc đưa ra đánh giá cuối cùng. Thời gian tới, dạy học sẽ theo hướng tích hợp mạnh lớp dưới và phân hóa mạnh ở lớp trên.

Như vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ hướng tới đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Và việc chứng nhận tốt nghiệp phổ thông không chỉ dựa vào kỳ thi cuối cùng mà phải căn cứ quá trình học của học sinh cấp THPT; kỳ kiểm tra cuối cùng sẽ tăng cường vận dụng kiến thức kỹ năng tổng hợp chứ không chỉ kiểm tra kiến thức học sinh như hiện nay. Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp có thể được sử dụng để các trường xét tuyển “đầu vào” trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, sao cho phù hợp với điều kiện của từng trường.

*Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo tác giả Lê Vân, baotintuc