Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường
Thay đổi toàn diện chương trình học theo hướng tích hợp để giảm tải thi cử, lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh ĐH, CĐ…
Chiều 19-9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức họp báo giới thiệu Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Đề án này không được thông qua tại Hội nghị BCH Trung ương 6 (khóa XI) tháng 10-2012… và được Bộ GD-ĐT soạn thảo lại với cái nhìn thẳng thắn và nhiều giải pháp cụ thể hơn nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Chương trình giáo dục phổ thông vẫn giữ 12 năm.
9 giải pháp thay đổi
Chỉ rõ 6 yếu kém về chất lượng, về chương trình giáo dục cũng như sự lạc hậu, bất cập trong thi, kiểm tra, về quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo cũng như chính sách và cơ chế tài chính lạc hậu, trong đề án vừa được hoàn thành, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 9 giải pháp nhằm thay đổi mạnh mẽ giáo dục - đào tạo cả về tư duy giáo dục, chương trình giáo dục, thi - kiểm tra, quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo, hệ thống giáo dục cũng như đổi mới về cơ chế chính sách, tài chính…
Bên cạnh tư duy mới, khẳng định đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có vai trò quyết định chất lượng giáo dục, người học là chủ thể của quá trình giáo dục, gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường trong giáo dục nhân cách, lối sống và hướng nghiệp, chọn ngành nghề…, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh đến việc đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Ông Nguyễn Vinh Hiển cho hay mục tiêu của ngành giáo dục là phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức - trí - thể - mỹ thay vì chỉ chú trọng đến trang bị kiến thức, kết hợp hài hòa giữa dạy người, dạy chữ và dạy nghề. Để đạt được mục tiêu này, Bộ GD-ĐT sẽ thay đổi nội dung giáo dục theo hướng tinh giảm, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Nội dung giáo dục phổ thông được thiết kế theo hướng tích hợp cao các môn học ở lớp dưới và phân hóa dần ở lớp trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học chủ đề dành cho học sinh tự chọn. Ông Hiển thừa nhận mục tiêu giáo dục hiện nay nặng về giáo dục toàn diện, mọi người giống nhau nên không phát huy được năng lực của từng người. Giáo dục chỉ chú trọng đến trang bị kiến thức chứ chưa chú ý đến phương pháp học nên chủ yếu là đọc chép để cốt sao có nhiều kiến thức. Ông Hiển khẳng định việc tích hợp kiến thức trong các môn học phổ thông sẽ giúp giảm tải chương trình, số môn học ít đi, nội dung không bị chồng lấn. Giải pháp này cũng khắc phục được tính đồng loạt, phát huy năng lực riêng của từng học sinh.
Chuyển biến mạnh về thi cử
Từ những thay đổi căn bản về chương trình giáo dục sẽ có sự thay đổi đột phá về thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục. Ông Nguyễn Vinh Hiển khẳng định đổi mới thi phải gắn với chương trình, khi chương trình chưa thay đổi thì thi - kiểm tra cũng chỉ thay đổi được phần nào. Khi chương trình và sách giáo khoa thay đổi như đề án đưa ra, thi và tốt nghiệp phổ thông sẽ được thay đổi theo hướng kiểm tra năng lực của học sinh, thiết thực, tin cậy và kết quả này sẽ được dùng để làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ. Nội dung, hình thức thi, kiểm tra sẽ tập trung vào việc vận dụng kiến thức, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc và đánh giá được sự tiến bộ về phẩm chất và năng lực của người học.Ông Hiển nhấn mạnh: Giáo dục hiện nay chỉ “siết” đầu vào mà buông lỏng đầu ra, vì thế sẽ phối hợp sử dụng kết quả đánh giá cả trong quá trình học, đánh giá cuối kỳ và cả năm học. Việc tuyển sinh ĐH, CĐ được đổi mới theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo.
Trước khi đề án được hoàn thành, đã có nhiều ý kiến, nhiều cuộc hội thảo được tổ chức nhằm lựa chọn một hệ thống giáo dục phổ thông hợp lý nhất, trong đó có nhiều ý kiến đề nghị chương trình giáo dục phổ thông chỉ cần 11 năm, thậm chí ít hơn. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ vẫn ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay, thực hiện giáo dục cơ bản, bắt buộc 9 năm.
“Cú hích đầu ra” cho ngành sư phạm
Ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ Tổ chức, thường trực ban soạn thảo đề án - cho rằng trong tam giác người - việc - tiền thì ngành giáo dục mới chỉ quyết được “việc”, còn “tiền” và “người” đều không được tự chủ. Ông Nhị nói thêm nhân sự của ngành giáo dục phụ thuộc vào cơ quan nội vụ, cả việc bổ nhiệm hiệu trưởng, trưởng phòng GD-ĐT cũng không được tự quyết mà phải do phòng nội vụ quyết định. Thời gian tới, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương sẽ được chủ động quyết định hoặc tham gia trực tiếp về quản lý nhân sự, tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Về đội ngũ nhà giáo, ông Bùi Mạnh Nhị cho biết sẽ có cơ chế tuyển sinh riêng và cử tuyển riêng để tuyển chọn những người có năng lực phù hợp vào ngành sư phạm. Ông Nhị cũng nói thêm rằng ngành giáo dục từng có một “cú hích đầu vào” là việc miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm đã thu hút được nhiều sinh viên giỏi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành cần có thêm một “cú hích đầu ra” với nhiều đãi ngộ đối với giáo viên. Riêng đối với những người không đủ năng lực, sẽ bố trí công tác khác hoặc đưa ra khỏi ngành giáo dục.
Theo Hoàng Lan Anh, NLĐ