>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015


Chiều nay, 28/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn đại học

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều nay, Bộ sẽ họp để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các thí sinh muốn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Theo đó, đến cuối giờ chiều nay, “điểm sàn” của kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 sẽ được công bố.

Đây là mức điểm thấp nhất để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển nếu sử dụng điểm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia làm căn cứ tuyển sinh.

Sau khi Bộ công bố “điểm sàn”, các trường đại học sẽ chính thức công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường mình. Ngưỡng này có thể bằng hoặc cao hơn nhưng không được thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ công bố.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, phổ điểm của kỳ thi năm nay tập trung ở ngưỡng từ 5 đến 6 điểm. Do đây là kỳ thi có hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng nên đề thi có đến 60% số câu hỏi thuộc phần kiến thức cơ bản. Điểm thi của thí sinh vì thế cũng cao hơn so với các kỳ thi tuyển sinh đại học các năm trước.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng với mức điểm số này, các trường sẽ có nguồn tuyển dồi dào, nhất là các trường đại học nhóm giữa. Các trường nhóm trên cũng không lo thiếu nguồn tuyển do số lượng thí sinh có điểm cao sẽ tập trung vào nhóm này.

Hiện các hội đồng thi cũng đang tích cực công tác in ấn và gửi phiếu báo điểm cho thí sinh. Mỗi thí sinh sẽ nhận được 4 phiếu báo điểm, gồm một phiếu sử dụng cho xét tuyển nguyện vọng một và ba phiếu sử dụng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung.
Đợt xét tuyển nguyện vọng một của các trường đại học sẽ bắt đầu từ ngày 1/8.

Đảm bảo phiếu điểm đến tay thí sinh trước ngày 1-8

Chiều 27-7, ThS Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết nhà trường dự kiến sẽ chuyển phiếu điểm về Sở GD&ĐT địa phương trong ngày 28-7 để kịp thời phát cho thí sinh nộp xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ bắt đầu từ ngày 1-8.
Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho hay bộ phận phụ trách in, kiểm tra, đóng dấu phiếu điểm đang khẩn trương hoàn thành để kịp chuyển cho Sở GD&ĐT các địa phương trước ngày 1-8.

PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trong buổi sáng 28-7, Trường ĐH Cần Thơ sẽ giao phiếu điểm đến tận các Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang và Vĩnh Long để phát cho thí sinh.

Điểm chuẩn trường ĐH top trên sẽ cao hơn mọi năm

Đó là nhận định được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra trước khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển ĐH, CĐ trong ngày hôm nay (28/7).
Thông tin về ngưỡng điểm xét tuyển dự kiến sẽ được đưa ra trong cuộc họp của “Hội đồng xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào” diễn ra vào chiều nay (28/7).
Trước đó, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã nhận định: Điểm chuẩn của những trường top trên, có thương hiệu sẽ cao hơn mọi năm, như: ngành Bác sĩ đa khoa của ĐH Y Hà Nội sẽ từ 28,5 điểm hoặc khoa Kinh tế đối ngoại của ĐH Ngoại thương Hà Nội không dưới 26 điểm, trong khi năm 2014 chỉ tuyển sinh ở mức 24-25 điểm.

27,5 điểm có đỗ ĐH Y Hà Nội?

Trước băn khoăn của thí sinh vừa tham gia kì thi quốc gia đạt 27,75 điểm liệu có đỗ vào trường? GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, với mức điểm đó, thí sinh có khả năng cao đỗ vào ngành Bác sĩ đa khoa.
Cũng theo ông Tú, điểm chuẩn vào trường cao nhất thông thường vẫn là ngành Bác sĩ Đa khoa. Còn thấp nhất, theo dự kiến vẫn thuộc các ngành cử nhân.

Ông Tú cho rằng, thời điểm này, chưa thể khẳng định điểm chuẩn của Đại học Y Hà Nội sẽ cao hơn những năm trước 1,5-2 điểm. Thí sinh nên tìm hiểu thông tin về điểm chuẩn của trường các năm trước trên website của Đại học Y và đăng ký vào các ngành này.

Năm nay, Đại học Y Hà Nội năm nay có ngành mới là Cử nhân Khúc xạ nhãn khoa. Nhà trường đã có đầy đủ thông tin về mã ngành này trên trang web www.hmu.edu.vn, mục Tuyển sinh đại học: “ Đây là ngành hoàn toàn mới tại Việt Nam. Bởi vậy, nhu cầu thực tế sẽ rất lớn. Thông thường, tỷ lệ chọi của những ngành mới chưa cao”- Thầy Tú khẳng định.

Còn với những thí sinh được 20 điểm khối B liệu có đỗ được ngành nào của trường, nếu chưa cộng điểm ưu tiên khu vực: “Thí sinh vẫn có cơ hội đỗ vào một số ngành cử nhân của Đại học Y Hà Nội”- thầy Tú tư vấn.

Điểm "liệt", do đâu?

Trong khi hàng trăm nghìn thí sinh đang háo hức lựa chọn trường để nộp hồ sơ, thì cũng có tới hàng chục nghìn thí sinh đành tạm gác giấc mơ đại học vì điểm “liệt”. 12 năm đèn sách, “dùi mài kinh sử”, giờ coi như “xôi hỏng bỏng không”. Vậy nguyên nhân sâu xa là bởi học sinh, giáo viên hay chương trình sách giáo khoa?

Khách quan mà nói, trong kỳ thi chung 2 mục đích lần đầu tiên được Bộ GD-ĐT áp dụng, thì mục đích tốt nghiệp THPT vẫn là quan trọng nhất, bởi nếu không vào đại học hoặc cao đẳng, thí sinh tốt nghiệp THPT vẫn có được chứng chỉ tối thiểu và cần thiết để vào các trường dạy nghề, trung cấp. Mặc dù, kết quả điểm thi vừa được công bố cuối tuần qua với tỷ lệ 92% tốt nghiệp đã cách xa tỷ lệ “không tưởng” vượt quá 99% như năm 2014, song kỳ thi năm nay lại bộc lộ hai “lỗ hổng” rất đáng lo ngại.

Đó là hai môn hết sức cần thiết cho học sinh, Toán và Tiếng Anh có quá nhiều điểm “liệt”: Môn Toán gần 40.000 bài, môn Tiếng Anh cũng có tới hàng chục nghìn bài điểm 2. Không chỉ năm nay mới xuất hiện điểm “liệt” và cũng không chỉ rơi vào môn Toán hay Tiếng Anh.  Nếu chỉ là mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì điểm “liệt” như năm nay không nhiều.

Tuy vậy, kỳ thi còn một mục tiêu rất quan trọng là tốt nghiệp THPT, thì điểm “liệt” như vậy là quá nhiều. Vì sao có thực trạng này? Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,  Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, một nguyên nhân chủ yếu vì đề thi phục vụ cho 2 mục đích nên yêu cầu ra đề cao hơn đề thi tốt nghiệp THPT và thấp hơn tuyển sinh đại học – cao đẳng. Do vậy, việc kết hợp 2 kỳ thi, kết hợp 2 mục tiêu là bất khả thi.

Để có nhiều bài thi điểm kém, không thể không “truy cứu” trách nhiệm của chương trình, sách giáo khoa và cách giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Ví dụ như môn Toán có khoảng 60-70% câu hỏi của đề thi dễ hơn cả câu hỏi của đề thi các năm trước và “cho không” thí sinh 5-6 điểm mà vẫn có tới 40.000 điểm “liệt”, tức là chất lượng học tập, truyền đạt kiến thức cũng rơi vào “điểm liệt”.

TP. HCM: Hỗ trợ thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng

Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1, nhiều trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP.HCM đã chủ động phương án hỗ trợ xét tuyển.
Hệ thống nhận hồ sơ xét tuyển trực tuyến được áp dụng cho 6 trường Đại học trên địa bàn TP.HCM gồm: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế Luật, Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ Thông tin. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, để tạo thuận lợi cho thí sinh nộp hồ sơ, sự thay đổi phổ điểm từng ngành, từng ngày phải được các trường công bố trên trang thông tin điện tử 3 ngày/lần. Tuy nhiên các trường Đại học tại TP.HCM đã tổ chức công bố thông tin mỗi ngày/lần.

Tại TP.HCM, hầu hết các trường Đại học công lập đều tổ chức xét tuyển dựa trên điểm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2015; học lực, hạnh kiểm của 5 học kỳ tại trường THPT. Riêng Đại học Quốc Gia TP.HCM chỉ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng của các thí sinh dự thi tại cụm thi quốc gia do trường Đại học tổ chức.

Cũng bắt đầu từ ngày 1/8, tại TP.HCM sẽ diễn ra ngày hội tư vấn tuyển sinh 2015. Tại đây, các thí sinh sẽ được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc về việc chọn ngành, chọn trường, cách tham gia xét tuyển, hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển và tư vấn nộp hồ sơ xét tuyển với cơ hội trúng tuyển cao nhất
Tổng hợp