>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2

Đến thời điểm này, hàng loạt các trường đại học trong và ngoài công lập đã công bố xét tuyển nguyện vọng 2. Những trường đại học tốp trên có số lượng hồ sơ đăng ký vào nhiều nhất, thứ đến là các trường đại học tốp giữa, các đại học ngoài công lập tuy năm nay có thêm nhiều nguồn tuyển nhưng vẫn đứng trước khó khăn trong việc tuyển hết chỉ tiêu. Trong một môi trường cạnh tranh mạnh thì trường nào tạo dựng uy tín tốt, có sức hút trong xã hội - phần thắng sẽ thuộc về họ.

Trường tốp trên điểm cao

Đến thời điểm này Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận xét tuyển nguyện vọng 2 cho các thí sinh thi khối B vào nhóm ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm với 40 chỉ tiêu cho cả nhóm ngành, điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển  24 điểm khối B. Trường này dự tính sẽ công bố kết quả xét tuyển vào ngày 12/9, nhưng đến nay số hồ sơ đăng ký đã khá nhiều, chắc chắn điểm trúng tuyển NV2 sẽ khá cao.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội năm nay xét tuyển 760 chỉ tiêu với mức điểm từ 17/22. Đến nay, số hồ sơ trường này nhận được đã gấp hơn 2 lần.

Nhiều trường khác cũng đang trong tình trạng “bội thu” hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 như: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đến thời điểm này cũng đã nhận được hơn 2.000 bộ hồ sơ. Trường Đại học Điện lực, chỉ tiêu xét tuyển chỉ có 200, nhưng số hồ sơ đã nhận được gần 1.000 bộ. Trường Đại học Thủy lợi (khu vực phía Bắc), số chỉ tiêu là 170 nhưng số hồ sơ trường này nhận trực tiếp không qua bưu điện cũng đã tới hơn 1.000 bộ hồ sơ. Còn Học viện Ngân hàng, chỉ tiêu xét tuyển NV2 khối D1 có 30 chỉ tiêu nhưng số hồ sơ đăng ký nộp vào xét tuển đã gấp 10 lần.

Trường ngoài công lập chờ đợi

Trái ngược với các trường tốp trên và tốp giữa, việc nhận hồ sơ ở các trường ĐH, CĐ  ngoài công lập lại có phần thưa thớt hơn nhiều. Năm nay điểm thi của thí sinh cao cũng dẫn đến mức điểm chuẩn NV1 vào nhiều trường công lập tăng lên. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ tuyển nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước. Điều này đồng nghĩa với điểm tuyển nguyện vọng bổ sung vào các trường đại học công lập chắc chắn sẽ khá cao. Đây được coi là cơ hội để các trường ngoài công lập tuyển với các nguyện vọng sau, vì ngay ở NV1 thì các trường ngoài công lập cũng phần lớn chỉ tuyển với mức điểm đầu vào ngang với điểm sàn.

Là một đại học ngoài công lập mới thành lập và năm nào cũng tổ chức thi, Đại học Đại Nam cũng không nằm ngoài khó khăn chung của các trường ngoài công lập trong việc lấp kín chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, Hội đồng Quản trị và Ban giám hiệu trường này chủ trương đầu tư mạnh hạ tầng cơ sở, đảm bảo chất lượng đào tạo, lấy uy tín làm sức hút để thu hút người học.

Còn ở Đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội, GSTS Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng vẫn không khỏi băn khoăn sẽ không tuyển hết chỉ tiêu được giao. Lý giải điều này, ông Hóa cho rằng: Thí sinh dự thi vào trường năm nay mặc dù tỷ lệ khá lớn, nhưng những thí sinh đạt điểm cao của trường cũng đạt điểm cao ở các trường ĐH công lập khác nên lo lắng của chúng tôi là các em lựa chọn học ở công lập. Ngoài ra, năm nay ở nhiều địa phương, thí sinh có xu hướng chọn trường gần nhà, thay vì học ở trường ĐH ngoài công lập trên thành phố, đỡ chi phí cho gia đình. Đến nay, trường đã giải quyết cho hơn chục thí sinh đã đỗ NV1 nhưng xin rút hồ sơ để xét tuyển về trường địa phương.

Đại học Phương Đông cũng là trường ngoài công lập có tỷ lệ tuyển sinh ổn định, hàng năm luôn vào khoảng 70% chỉ tiêu. Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng  - cho biết: Điểm sàn năm nay được xây dựng hợp lý, số thí sinh dôi dư trên điểm sàn nhiều sẽ giúp các trường ĐH ngoài công lập thuận lợi hơn trong xét tuyển. Thêm nữa, trong mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT quy định thí sinh phải nộp giấy xét tuyển dấu đỏ, điều này cũng tạo thuận lợi và chắc chắn hơn cho các trường. Tuy nhiên, ông Dụ không khỏi băn khoăn lượng thí sinh ảo khá lớn với khoảng 900 nghìn học sinh lớp 12 tốt nghiệp/khoảng 1,2 triệu thí sinh dự thi ĐH, CĐ. Như vậy, sẽ có khoảng 300 nghìn thí sinh dự thi 2 trường, trong đó khoảng 100 nghìn thí sinh tự do năm nay thi hoặc thi lại.

Đến thời điểm này còn đúng một tuần nữa (ngày 10/9) là kết thúc đợt I xét tuyển của các trường. Ở các trường tốp trên và tốp giữa khá gay cấn, thí sinh có điểm thi cao nếu đăng ký xét tuyển vào những trường có nhiều thí sinh điểm cao đăng ký nhưng ít chỉ tiêu NV2, thì cũng rất dễ trượt nguyện vọng đăng ký. Còn với các trường ngoài công lập và đại học địa phương, đa dạng chỉ tiêu và phong phú nguồn tuyển là điều có thể thấy. PGSTS Trần Văn Nghĩa – Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định CLGD (Bộ GD&ĐT), khuyên các thí sinh: Nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng bổ sung là lấy điểm từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Thí sinh nên cân nhắc lựa chọn đăng ký vào những trường, ngành có điểm điều kiện (mức điểm tối đa nhận hồ sơ) thấp hơn điểm thi của thí sinh và khoảng cách càng lớn thì sẽ có nhiều hơn cơ hội trúng tuyển.

Bộ GD&ĐT quy định, các trường sẽ bắt đầu xét tuyển từ ngày 20/8 và kết thúc vào 31/10. Trong thời gian này, các trường có thể xét tuyển nhiều đợt khác nhau, thời gian mỗi đợt xét tuyển là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Mỗi thí sinh không trúng tuyển NV1 sẽ được trường tổ chức thi cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có thể dùng giấy chứng nhận này đăng ký xét tuyển vào ba trường, hoặc ngành khác nhau trong cùng một thời điểm. Nếu thí sinh muốn thay đổi nguyện vọng bổ sung, hoặc không được tuyển vào trường, ngành đã đăng ký nguyện vọng bổ sung thì được quyền rút hồ sơ (trong đó có giấy chứng nhận kết quả thi) để nộp vào trường, ngành khác.

Theo Hiên Kiều, Báo GDTĐ