Với CDIO, việc định hướng nghề cho sinh viên được tích hợp ngay trong chương trình đào tạo. Qua đó, các em sẽ nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này.
> Giới thiệu về trường Đại học Xây Dựng Hà Nội
> Học phí của Đại học Xây Dựng Hà Nội
Nhằm nâng cao năng lực cũng như chuẩn đào tạo cho sinh viên, Đại Học Xây Dựng áp dụng phương pháp tiếp cận CDIO, hướng đến các chuẩn kiểm định quốc tế.
CDIO là gì?
CDIO là quy trình đào tạo mang tính khoa học và thực tiễn
CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive (Hình thành ý tưởng) - Design (Thiết kế) - Implement (Triển khai) - Operate (Vận hành). Khởi nguồn từ viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ), cho đến nay, mô hình này đã được áp dụng rộng rãi tại các trường ĐH, CĐ trên toàn thế giới.
Về bản chất, CDIO là quy trình đào tạo căn cứ vào chuẩn đầu ra để thiết kế chuẩn đầu vào. Quy trình này được xây dựng đảm bảo tính khoa học và thực tiễn chặt chẽ.
CDIO là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội (XH) trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra, từ đó thiết kế chương trình và kế hoạch đào tạo. Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic, có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau.
Theo Thạc sĩ Nghiêm Hà Tân, giảng viên khoa Xây dựng dân dụng và Công nghiệp, Trường Đại học Xây dựng, nếu trước đây nhà trường chỉ kết nối với các doanh nghiệp và hướng nghiệp cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa thì nay với CDIO, việc định hướng nghề cho sinh viên được tích hợp ngay trong chương trình đào tạo, giúp các em có những trải nghiệm thực tiễn và tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này.
Kết hợp giữa đào tạo kỹ năng chuyên môn với ngoại ngữ
Tiến sĩ Nguyễn Cao Lãnh, Trưởng Khoa Kiến trúc - Quy hoạch cho biết, hiện Trường Đại học Xây dựng có nhiều chương trình liên kết, trao đổi quốc tế với các nước như Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chính vì vậy, nhà trường hiện đang chú trọng đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Điển hình, ngành Kiến trúc và Xây dựng hiện nay đã thiết kế những chương trình đặc biệt được giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Pháp.
Trường đang chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ cho sinh viên
Ngoài ra, sinh viên năm ba sẽ học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp với giảng viên chất lượng cao và giàu kinh nghiệm. Sinh viên cũng bảo vệ đồ án tốt nghiệp bằng ngoại ngữ mà mình đăng ký và được trường cấp chứng chỉ đào tạo chương trình hệ Anh ngữ hoặc Pháp ngữ. Chương trình tiếng Pháp được bảo trợ bởi Tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF) và bằng cấp công nhận bởi tất cả quốc gia thuộc Hệ thống Pháp ngữ.
"Việc kết hợp đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn với đào tạo ngoại ngữ là một trong những ưu tiên của trường thời gian gần đây để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên có cơ hội phát triển trong môi trường hội nhập và quốc tế", Tiến sĩ Nguyễn Cao Lãnh chia sẻ.
Ngoài hai ngành Kiến trúc và Xây dựng, các ngành Cầu đường, Kinh tế .xây dựng và Môi trường nước cũng có hệ đào tạo Anh ngữ.
Theo VnExpress