Đại học Quốc Gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực mới. Đề thi sẽ được xây dựng theo hướng phi truyền thống, nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT.
Thí sinh thi thử kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2015
Năm 2021, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT phục vụ nhiều mục đích, trong đó có mục đích dùng kết quả để tuyển sinh vào các trường, khoa trực thuộc đại học này.
Trao đổi với báo chí về các thông tin liên quan tới kỳ thi này, PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Trên cơ sở ứng dụng khoa học đo lường chất lượng giáo dục đã áp dụng cho bài thi đánh giá năng lực các năm 2015 và 2016, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trung tâm Khảo thí là đơn vị chuyên môn xây dựng bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT.
Khác với những năm trước, bài thi đánh giá năng lực trong giai đoạn tới đây tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực học sinh THPT một cách toàn diện hơn, phù hợp khoa học khảo thí hiện đại. Ba nhóm năng lực chính cần đánh giá gồm: sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên - xã hội).
Do đó, kết quả bài thi đánh giá năng lực hướng tới nhiều mục đích: đánh giá năng lực học sinh THPT để phân loại sau khi tốt nghiệp THPT; tư vấn cho hoạt động dạy và học, đảm bảo chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; phục vụ công tác tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; hướng nghiệp cho học sinh…
Xin ông cho biết những điểm mới của bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT so với bài thi Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức năm 2015 - 2016?
Bài thi đánh giá năng lực tới đây tiếp cập theo hướng phi truyền thống (học và thi theo khối hay tổ hợp) nhằm đánh giá toàn diện năng lực học sinh THPT đang theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ (ban hành 2006) và tiếp nối chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (năm 2018).
Do đó, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như giai đoạn 2015 - 2016.
Về cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực gồm 3 hợp phần:
Phần 1: tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút.
Phần 2: Tư duy định tính có 50 câu hỏi, 60 phút.
Phần 3: Khoa học gồm 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn 1 trong 4 đáp án) và câu hỏi điền đáp án, thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150 điểm.
Năm 2021, việc chấm điểm thực hiện theo quy trình: câu trả lời đúng được 1 điểm, câu trả lời sai không tính điểm. Thí sinh biết điểm thi từng phần và tổng điểm ngay sau khi hoàn thành bài thi. Ngoài ra, các em có thể tra cứu kết quả thi trên cổng www.khaothi.vnu.edu.vn. Giấy chứng nhận kết quả thi được gửi tới thí sinh sau 14 ngày dự thi.
Đề thi mẫu sẽ được công bố vào ngày 15/3
Việc tổ chức kỳ thi này năm 2021 sẽ được tiến hành ra sao, thưa ông?
Từ năm 2020, Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Đây là đơn vị chuyên môn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT, do đó kỳ thi sẽ được tổ chức một cách chuyên nghiệp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí xã hội và đảm bảo tối đa quyền lợi cho học sinh.
Đến nay, chúng tôi đã xây dựng kịch bản chi tiết cho các đợt thi năm 2021. Đề thi được rà soát từ hơn 12.000 câu hỏi của ngân hàng đề thi đánh giá năng lực năm 2016 để lựa chọn những nhóm câu hỏi phù hợp với 3 nhóm năng lực xác định nêu trên, kết hợp với hơn 3.500 câu hỏi được xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2020.
Với số lượng câu hỏi phong phú sẽ đảm bảo tính toàn diện của kỳ thi, đáp ứng sự cân bằng độ khó của từng đề thi cho mỗi học sinh tham dự nhiều đợt trong năm. Bài thi mẫu sẽ được công bố trước ngày 15.3.
Năm nay, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức nhiều đợt thi, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Thí sinh đăng ký trực tuyến đợt thi đầu tiên từ ngày 1.4 tại địa chỉ www.khaothi.vnu.edu.vn. Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân; được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi. Đại học Quốc gia Hà Nội ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để tăng tính chủ động cho thí sinh và tiết kiệm chi phí xã hội.
Căn cứ vào tình hình thực tế, đơn vị tổ chức thi sẽ xác định quy mô phù hợp cho từng đợt thi, điểm thi. Theo báo cáo của Trung tâm Khảo thí, năm 2021, quy mô dự kiến khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi, chủ yếu ở địa bàn Hà Nội.
Một trong những mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực năm nay là phục vụ công tác tuyển sinh đại học. Xin ông cho biết cụ thể hơn là thí sinh và các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả bài thi này như thế nào cho hoạt động xét tuyển?
Như đã thông tin ở trên, bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT phục vụ nhiều mục đích, trong đó có sử dụng để tuyển sinh đại học và hướng nghiệp cho học sinh. Công tác thi và tuyển sinh là hoàn toàn tách biệt.
Tất cả các chương trình đào tạo đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dành chỉ tiêu, tiêu chí phù hợp để xét tuyển đối với các thí sinh sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT (mã bài thi Q00) bên cạnh các phương thức xét tuyển đã áp dụng năm 2020.
Các trường đại học bên ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội nếu muốn sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển thì liệu có được phép?
Hiện nay, công tác thi và tuyển tách hoàn toàn nhau. Các trường đại học trong và ngoài Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Về phía đơn vị tổ chức thi, Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT với các cơ sở giáo dục đào tạo để đạt mục tiêu đề ra.
Riêng đối với hoạt động tuyển sinh đại học, việc giảm tỷ lệ ảo là điều luôn được quan tâm nên nếu các trường đại học cùng phối hợp tuyển sinh sẽ hạn chế được lượng thí sinh ảo từ nhiều nguồn xét tuyển khác nhau. Đại học Quốc gia Hà Nội tạo mọi điều kiện để công tác xét tuyển và lọc ảo diễn ra thuận lợi.
“Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm mục đích đánh giá năng lực của các ứng viên (học sinh THPT, thí sinh tự do). Các bạn học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ nơi nào và dành thời gian ôn tập lại kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tác phong, thái độ trước khi thi. Trường hợp thí sinh sử dụng kết quả bài thi để xét tuyển đại học hãy tìm hiểu thông tin Đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi”. PGS Nguyễn Hoàng Hải, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội |
> Các trường đại học khối kinh tế có những điểm mới nào ở tuyển sinh 2021?
> Tuyển sinh 2021: Xét tuyển bằng phỏng vấn có trở thành xu hướng?
Theo Thanh Niên