Trong kỳ thi 2021, các trường Đại Học đã tiến hành bổ sung phương án xét tuyển mới, nổi bật trong số đó là xét tuyển bằng phỏng vấn. Hiện nay hình thức xét tuyển này đang được thực hiện trên quy mô nhỏ. Thế nhưng, liệu đây có phải là phương thức tuyển sinh xu hướng trong tương lai?
Theo đề án tuyển sinh dự kiến, năm 2021, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ sử dụng hình thức phỏng vấn cho 1-5% tổng chỉ tiêu của trường (tối đa 250 thí sinh). Phương thức tuyển sinh này dành cho chương trình chuyển tiếp quốc tế của ĐH Bách khoa. Đối tượng được xét là thí sinh đã tốt nghiệp THPT dự tính du học nước ngoài.
Một số trường khác cũng có dự định đưa phỏng vấn thành bước cuối cùng trong quy trình tuyển sinh.
Hiện tại, tuyển sinh bằng phỏng vấn vẫn chưa được áp dụng rộng rãi tại các trường ĐH
Một kỳ thi không thể hiện được toàn bộ năng lực thí sinh
PGS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa, chia sẻ đây là năm đầu trường áp dụng hình thức phỏng vấn. Do đó, trường chỉ áp dụng trên phạm vi chỉ tiêu rất nhỏ với mục đích thử nghiệm, để có thêm nguồn đối sánh với các phương thức truyền thống.
Theo ông Thắng, khi phỏng vấn trực tiếp, cán bộ tuyển sinh có thể xác định rõ năng lực học ngành mà thí sinh dự tuyển, lộ trình và kế hoạch chuyển tiếp nước ngoài, tính chín chắn về khả năng chuyển tiếp và năng lực tài chính. Trường rất xem trọng hình ảnh của nhà trường khi chuyển tiếp sinh viên ra nước ngoài. Do đó, ban tuyển sinh rất muốn tìm được thí sinh xứng đáng.
"Một kỳ thi hay một bộ hồ sơ đôi khi không thể hiện được toàn bộ năng lực, phẩm chất của thí sinh mà cần sự kết hợp giữa những yếu tố này. Việc xét chọn thí sinh sẽ dựa trên cả thành tích học tập, bài luận và phỏng vấn. Năm nay, nhà trường thử nghiệm trên tỷ lệ nhỏ, dần dần sẽ phát triển và mở rộng phương thức phỏng vấn, nếu kết quả khả quan", PGS Thắng cho biết.
Về nội dung phỏng vấn, những câu hỏi tập trung vào khả năng học đại học và sự phù hợp với ngành nghề, kế hoạch học tập ở nước ngoài, xác minh năng lực tài chính của thí sinh và gia đình. Các câu hỏi này không liên quan nhiều đến kiến thức của thí sinh đã học ở bậc phổ thông. Nếu có chỉ là những câu hỏi kiểm tra tố chất liên quan ngành học.
Đặc biệt, hội đồng chuyên môn từng ngành học sẽ trực tiếp phỏng vấn thí sinh. Ngôn ngữ phỏng vấn có thể là bằng tiếng Anh để thí sinh thể hiện sự sẵn sàng tham gia học tập trong môi trường quốc tế.
Yêu cầu ứng viên không chỉ có năng lực học tập tốt
Trước ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm 2020, ĐH Bách khoa Hà Nội đã lần đầu tổ chức xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn để tuyển thẳng các thí sinh tài năng.
Đối tượng thí sinh được xét tuyển gồm những em được tuyển thẳng nhưng không dự tuyển hoặc không trúng tuyển vào các ngành theo quy định. Những em được chọn tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, hoặc đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố (lớp 10, 11, 12), những em được chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hoặc là học sinh học hệ chuyên toán, lý, hóa, sinh, tin học và tiếng Anh của các trường THPT chuyên trên toàn quốc.
Năm 2021, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục dành 10-20% chỉ tiêu (dự kiến) để xét tuyển theo phương thức này.
ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng thông báo tiếp tục áp dụng hình thức xét tuyển kết hợp giữa phỏng vấn và xét kết quả THPT để tuyển sinh 235 chỉ tiêu cho chương trình liên kết quốc tế do đại học đối tác cấp bằng.
Các trường đào tạo nhóm ngành sức khỏe như ĐH Y Dược TP.HCM, Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự định đưa hình thức phỏng vấn vào các phương thức tuyển sinh trong một vài năm tới.
Là trường tuyển sinh hoàn toàn bằng việc kết hợp giữa xét hồ sơ và phỏng vấn, bà Lê Thị Quỳnh Trâm, Giám đốc Tuyển sinh & Hỗ trợ Tài chính, ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng phỏng vấn kết hợp xét hồ sơ năng lực là phương pháp tuyển sinh toàn diện.
Trường Fulbright yêu cầu ứng viên không chỉ có năng lực học tập tốt mà còn phải có những phẩm chất mà trường tìm kiếm. Năng lực có thể thể hiện qua hồ sơ, điểm số nhưng phẩm chất thì khó bộc lộ qua hồ sơ hoặc ít thí sinh biết cách thể hiện nó qua hồ sơ. Bài phỏng vấn chính là cơ hội để ban tuyển sinh hiểu thí sinh rõ hơn.
Thông thường, vòng hồ sơ sẽ có 2 hoặc 3 cán bộ tuyển sinh chọn lọc. Sau khi thí sinh vượt qua vòng hồ sơ sẽ có hai cán bộ tuyển sinh phỏng vấn ứng viên. Bà Trâm cho hay lâu nay, các trường ở Mỹ đều nhờ các cựu học viên phỏng vấn thí sinh. Nhưng hiện nay, ĐH Fulbright chưa thể áp dụng hình thức này vì chưa có sinh viên tốt nghiệp.
"Việc kết hợp phỏng vấn để tuyển sinh sẽ tùy thuộc yêu cầu của các trường đối với ứng viên. Nếu trường chỉ cần một thí sinh học thật giỏi, điểm số thật cao thì có thể không cần đến bước phỏng vấn. Nhưng nếu họ tìm kiếm một ứng viên ngoài học giỏi còn biết làm việc nhóm, chia sẻ, có tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi, phương pháp phỏng vấn kết hợp xét hồ sơ sẽ cho kết quả đúng hơn", bà Quỳnh Trâm nói.
Bà Trâm đánh giá các trường đại học Việt Nam đang có những thay đổi rất tích cực, học hỏi các trường hàng đầu trên thế giới trong tuyển sinh. Các trường đã nhìn thí sinh bằng nhiều mặt khác nhau, đa dạng hơn, chứ không chỉ nhìn vào điểm số như trước. Đây là tín hiệu lạc quan.
Theo ZING News