Đề xuất tạm hoãn nghĩa vụ quân sựhọc sinh phổ thông, sinh viên đại học chính quy

Số công dân được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học đại học (ĐH), sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Vì vậy, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS- sửa đổi) bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi đối với công dân học chương trình đào tạo ĐH đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ. Đó là một trong những nội dung mới của dự thảo Luật NVQS được trình Quốc hội ngày 3.11.

Theo tờ trình của Chính phủ thì Luật NVQS hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 - hết 25 tuổi nên hàng năm tỷ lệ công dân có trình độ ĐH trở lên được gọi nhập ngũ vào quân đội khá thấp. Mặt khác, số được ưu tiên tạm hoãn gọi nhập ngũ để học ĐH, sau khi tốt nghiệp phần lớn đã hết độ tuổi. Do vậy dự thảo luật đã bổ sung quy định tăng thêm tuổi gọi nhập ngũ với đối tượng này.

Tuy nhiên, một số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng nên giữ nguyên tuổi gọi nhập ngũ như hiện hành. Còn những vướng mắc trong khâu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ đối với sinh viên tốt nghiệp đào tạo bậc ĐH và cán bộ, công chức không phải do hạn chế về độ tuổi mà do khâu tổ chức thực hiện.

Dự thảo luật cũng quy định chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo ĐH chính quy và bãi bỏ quy định về việc tạm hoãn đối với công dân “đi xây dựng vùng kinh tế mới trong 3 năm đầu”. Đồng thời, để bảo đảm chính sách đối với người nhiễm chất độc da cam, dự án luật bổ sung quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình đối với 1 con của người nhiễm chất độc da cam bị suy giảm khả năng lao động.

Đề xuất tạm hoãn nghĩa vụ quân sự sinh viên đại học chính quy

Sẽ có nhiều thay đổi trong quy định thực hiện nghĩa vụ quân sự

Về đối tượng được miễn gọi nhập ngũ, dự thảo luật kế thừa Luật NVQS hiện hành - chỉ miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) phân tích thêm: Với một dân tộc từng trải qua chiến tranh, chứng kiến nhiều tấm gương của thế hệ cha anh đi trước thì Luật NVQS mang ý nghĩa hết sức to lớn. Ông Quốc cũng cho rằng, ngoài tính thiêng liêng, dự luật này cũng cần phải đảm bảo sự bình đẳng công bằng. “Thực hiện NVQS vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của mỗi công dân. Vì thế tôi cho rằng những điều chỉnh trong lần này của luật sửa đổi là hợp lý. Chúng ta vẫn thấy ngay như ở Hàn Quốc, các ngôi sao nổi tiếng vẫn phải thực hiện NVQS một cách bình đẳng. Đó là nhận thức văn minh, chứ không phải là gánh nặng. Thứ hai là thời gian thực hiện NVQS được kéo dài và chỉ thống nhất một thời gian, không phân nhiều loại đối tượng. Thứ ba là giới hạn đối tượng được miễn, tạm hoãn thực hiện NVQS ở những người có thể tạo ra nguồn lực phát triển cho đất nước” - nhà sử học phân tích.

Về việc thay thế NVQS bằng cách đóng tiền hay lao động công ích, đại biểu Dương Trung Quốc nói: Đây là một bài toán cần thiết phải tính đến, nhưng điều quan trọng hơn vẫn là phải đảm bảo tính bình đẳng và công bằng.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng - An ninh có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” để bảo đảm chính sách công bằng giữa người thường trú ở khu vực này với người ở nơi khác đến có liên quan đến thực hiện NVQS tại ngũ.

Theo Báo Dân Việt, http://danviet.vn/thoi-su/de-xuat-ve-thuc-hien-nghia-vu-quan-su-chi-tam-hoan-voi-hoc-sinh-sinh-vien-dai-hoc-chinh-quy-499436.html