Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội) vừa đưa ra một số phương án giải quyết về việc học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An phải học ngày nghỉ và nghỉ ngày giữa tuần do sĩ số quá đông.
> Xây dựng các hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh trung học
> Đề xuất chấm thi THPT quốc gia theo ma trận để chống gian lận
Về lịch học “lạ đời” của nhà trường khi học sinh phải học luân phiên 4 ngày/tuần, có lớp phải đi học thứ 7, phụ huynh phải đau đầu tìm chỗ gửi con hoặc nhờ người trông vì không thể nghỉ ở nhà trông con, chiều 15/9, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã thông tin đến báo chí.
Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh - Trưởng Phòng GD&ĐT Hoàng Mai hiện tại, riêng địa bàn phường Hoàng Liệt có trên 85.000 dân, tăng khoảng 10.000 dân so với năm 2017. Số dân tăng quá nhanh khiến cho các trường bị quá tải, nhất là Trường Tiểu học Chu Văn An.
Cũng theo bà Hạnh, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đưa ra một số phương án về lịch học để lấy ý kiến phụ huynh.
Phương án 1: Nếu học sinh quá đông thì có nên cho nhà trường chỉ tuyển sinh hộ khẩu thường trú trên địa bàn, tạm trú dài hạn trước tháng 4/2018. Nếu vậy, số đông học sinh có hộ khẩu tại phường sau tháng 4/2018 sẽ mất quyền lợi nên không thể thực hiện.
Phương án 2: Trường sẽ tổ chức cho học sinh học 1 buổi/ngày. Phương án này đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh lại cho rằng sẽ gây khó cho bố mẹ vì không có ai trông con nửa ngày còn lại vì bận đi làm giờ hành chính. Do đó, phương án này không khả thi.
Phương án 3: Nếu trường bố trí 70 em/lớp ở khối 1. Các khối 2, 3, 4, 5 bố trí 68 em/lớp thì vừa đủ với số phòng, đảm bảo học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên như vậy lại vướng vào quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về sĩ số học sinh/lớp, nhất là khối 1 nên không thể thực hiện được.
Bởi các lý do trên và được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường đã tổ chức mô hình học 4 ngày/tuần, tức 8 buổi/tuần và học luân phiên vào thứ 7. Được biết, toàn trường Tiểu học Chu Văn An có 57 lớp ở cả 5 khối nhưng tổng số phòng học chỉ có 41 phòng. Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho hay với nhà trường thực sự là quá tải, trường hiện có 23 lớp 1, tăng 16 lớp so với năm ngoái. Với số lớp tăng gần bằng cả một trường tiểu học, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn và rất cần sự chia sẻ của phụ huynh.
Phụ huynh lo ngại khi lịch nghỉ quá nhiều/tuần khiến học sinh không thể đủ thời gian của chương trình/năm, bà Thêu cho hay: “Thực ra, học sinh mất 1 ngày so với mô hình 10 buổi/tuần. Nhưng số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT ở Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung giờ học trong 8 buổi/tuần vẫn đầy đủ. Chúng tôi phải chọn cách nào tối ưu nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho con khi đến trường. Tiểu học không bắt buộc học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường phải sắp xếp cho các con ngày nào đi học, phải được học cả ngày, không thể học 1 buổi”, bà Thêu chia sẻ.
Bà Thêu chia sẻ thêm vì không thể khắc phục tình trạng học luân phiên nên trường đã nhận được chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận. Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ thực hiện mô hình học 1 buổi/ngày. Học sinh khối 1, 2 sẽ học vào các buổi sáng; học sinh khối 3, 4, 5 học vào các buổi chiều (từ thứ 2 - thứ 6), bắt đầu từ ngày 17/9. Tuy nhiên, với lịch học thế này, sẽ không còn các tiết học tăng cường, tự chọn, hoạt động tập thể, học liên kết. Nhà trường sẽ tiến hành xin ý kiến của phụ huynh học sinh để đưa vào thực hiện. Sau khi thống nhất với lãnh đạo và được phê duyệt, nhà trường sẽ tiến hành thực hiện lịch học mới.
Kênh Tuyển Sinh - Trang Nguyễn
> Những thay đổi cần lưu ý ở kỳ thi THPT quốc gia 2019
> Bộ GD&ĐT giữ duy trì ổn định kỳ thi THPT quốc gia đến năm 2020