Sự kiện: Tuyển sinh / điểm thi đại học / điểm chuẩn đại học
Đề thi cao đẳng môn Văn thí sinh viết suy nghĩ về lòng yêu nước
Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời, nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời", đề thi Văn cao đẳng trích dẫn.
Đề thi Ngữ văn Cao đẳng cấu trúc 3 phần quen thuộc. Câu một là phần đọc hiểu, yêu cầu thí sinh chỉ ra biện pháp tu từ và ý nghĩa của biện pháp tu từ, các hình ảnh trong một đoạn thơ thuộc tác phẩm "Chiều xuân" của Anh Thơ.
Câu hai là bài nghị luận xã hội buộc thí sinh trình bày suy nghĩ về đoạn văn nói về lòng yêu nước: "Lòng yêu nước chân chính có thể trào lên như những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời nhưng bao giờ cũng thuộc về nguồn tình cảm bền vững, gắn với những cống hiến suốt đời". Câu ba là nghị luận văn học yêu cầu người làm nêu cảm nhận về nhân vật Chiến và Việt trong truyện ngắn "Những đứa con trong gia đình" của tác giả Nguyễn Thi.
Thời gian làm bài 180 phút nhưng chỉ sau 2/3 thời gian, rất đông thí sinh đã ra khỏi phòng thi với gương mặt rạng rỡ. Hầu hết sĩ tử cho rằng, đề Văn không khó, các tác phẩm được ra đều dễ, nằm trong chương trình sách giáo khoa.
"Đề Văn cao đẳng dễ hơn đại học nhiều. Sau 20 phút đọc hiểu đề, em bắt đầu làm bài. Do đề thi không quá khó nên em chỉ mất hơn 2/3 thời gian là hoàn thành bài", Nguyễn Lê Phương, thi khoa Giáo dục mầm non nói.Thuộc tốp thí sinh rời khỏi trường thi sớm nhất, Nguyễn Thị Hạnh (THPT Thạch Thất, Hà Nội) vui vẻ khoe, mình sẽ được 7-8 điểm môn Văn. Hạnh cho biết, bài đọc hiểu và nghị luận văn học bản thân chỉ mất chút ít thời gian để làm vì "đề dễ, tác phẩm quen thuộc".
Thí sinh này cảm thấy hứng thú nhất với bài nghị luận xã hội hỏi về lòng yêu nước. Theo em, đề thi về lòng yêu nước sẽ khiến thí sinh có cơ hội được thể hiện tình cảm, chính kiến, tinh thần dân tộc, nhất là trong tình hình hiện tại vùng đặc quyền kinh tế trên biển Đông của Việt Nam đang bị Trung Quốc xâm phạm.
"Em đã nêu sự việc Trung Quốc hạ đạt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong bài. Em đưa ra dẫn chứng về các cuộc biểu tình của người Việt trong và ngoài nước, tinh thần chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của các chiến sĩ cảnh sát biển, cán bộ kiểm ngư ở vùng biển đang tranh chấp... để cho thấy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của chúng ta", Hạnh nói.
Theo em, một số cuộc biểu tình, những phát ngôn kiểu "xin ra trận để chiến đấu, đánh tan quân Trung Quốc" có thể là biểu hiện của lòng yêu nước "trào lên như những cảm xúc bồng bột, những hành vi nhất thời" nhưng chúng đều xuất phát từ lòng yêu nước, yêu đồng bài và tinh thần tự tôn dân tộc được hun đúc trong mỗi người từ khi được sinh ra, dưỡng dục. Sự xả thân ra ngoài biển đảo chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của các chiến sĩ cũng có nguồn gốc từ lòng yêu nước bền vững ấy.
Đề thi cao đẳng môn Văn thí sinh viết suy nghĩ về lòng yêu nước
Thí sinh Lương Thị Nga cũng đưa sự việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền quốc gia với Việt Nam vào bài làm của mình để nói về lòng yêu nước. Theo em lòng yêu nước tồn tại trong mỗi con người là cao đẹp nhưng tình cảm đó phải dẫn đến hành vi đúng đắn. "Trong thời gian vừa qua, vì Trung Quốc vi phạm chủ quyền quốc gia, người dân một số tỉnh đã đập phá tài sản của các công ty Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Hành vi này là sai trái, không những không thể hiện được tình yêu nước mà còn làm mất hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Vì thế, phải yêu nước một cách đúng đắn, thông minh", Nga nói.
Tương tự các buổi thi trước, tại điểm thi trường THPT Gò Vấp (TP HCM) khi vừa hết 2/3 thời gian nhiều thí sinh đã rời khỏi phòng thi môn Văn. Chia sẻ về đề thi, thí sinh Nguyễn Thị Khánh Ngân cho biết với câu 2, em cho rằng trong mỗi con người luôn có một tình yêu thương cao cả mà không phải ai cũng nhận ra nó đang tồn tại trong mình - Đó là tình yêu nước. Khi hòa bình, người ta mải mê làm việc và cống hiến như một lẽ hiển nhiên, đấy cũng chính là lòng yêu nước. Đặc biệt, khi đất nước đứng trước những thời khắc khó khăn, tình yêu này ở mỗi con người mới được bộc lộ rõ nét và trỗi dậy.
"Lòng yêu nước là hy sinh bản thân mình để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Lòng yêu nước thời nào cũng có, người nào cũng có nhưng không phải ai cũng yêu nước đúng đắn, khi người ta không nhận thức được rõ ràng thì nó như là một cảm xúc trào lên bồng bột với những hành vi nhất thời, mà những vụ bạo loạn của công nhân ở Bình Dương, Hà Tĩnh... trong thời gian qua là một minh chứng rõ ràng nhất. Những người công nhân đi biểu tình cũng có lòng yêu nước nhưng họ không nhận thức được vấn đề đúng đắn nên lòng yêu nước đó bị lợi dụng", Ngân viết.
Cô cũng khẳng định, lòng yêu nước ở thời nào cũng có, khi thời chiến nó được thể hiện ở những người lính sẵn sàng tòng quân giết giặc, bảo vệ quê hương. Còn khi thời bình nó được thể hiện ở những người dân hăng say sản xuất trên tất cả các lĩnh vực.
Ngoài câu hỏi này, Ngân cho biết ở những câu còn lại đều là kiến thức nằm trong chương trình ôn tập nên làm bài khá tốt. Nữ sinh này thi khối D vào ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống trường CĐ Kinh tế công nghệ TP HCM.
Còn thí sinh Võ Xuân Lan, thi khối C vào ngành Quản trị văn phòng cũng cho biết đề thi khá nhẹ nhàng, riêng ở câu cuối đề thi yêu cầu thí sinh yêu cầu thí sinh cảm nhận hai nhân vật Chiến và Việt trong tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" (tác giả Nguyễn Thi) khiến Lan khá bối rối vì câu này chiếm tới 5 điểm.
"Mặc dù đã học và ôn bài này nhưng em vẫn cảm thấy không tự tin lắm, câu này lại chiếm tới 1/2 điểm của đề thi nên em sợ nó ảnh hưởng đến kết quả toàn bài", Lan chia sẻ.
Theo Vnexpress, vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/de-van-cao-dang-de-cap-long-yeu-nuoc-chan-chinh-3018321.html