Đề thi THPT quốc gia có 2 nhóm câu hỏi

Học sinh tỉnh Lạng Sơn đặt nhiều câu hỏi về quy chế tuyển sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức tại tỉnh này chiều qua - Ảnh: Đan Hạ

Buổi tư vấn diễn ra ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành quy chế thi nên rất nhiều thông tin nóng mà học sinh (HS) đặc biệt quan tâm đã được các chuyên gia giải đáp thỏa đáng.

Hạn chế câu hỏi thuộc lòng

Mở đầu chương trình tư vấn, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đã cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên sẽ được tổ chức trong năm 2015. Bên cạnh kỳ thi chung này, theo ông Tuấn, có rất nhiều trường ĐH, CĐ có đề án tuyển sinh riêng.

Đông đảo HS quan tâm tới cách thức ra đề thi với 2 mục đích, Bộ có phân định phần cho xét tốt nghiệp THPT và phần tuyển sinh ĐH, CĐ hay không? Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Đề thi có 2 nhóm câu hỏi, một nhóm câu hỏi có độ khó tương tự đề thi tốt nghiệp THPT các năm trước, trong đó có xét đến HS GDTX có thể làm được. Nhóm câu hỏi thứ hai tương đương với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Các em có thể tham khảo 2 loại đề thi năm ngoái để ôn thi cho phù hợp với mục đích của mình”.

Về hướng ra đề thi, theo ông Nghĩa, ngữ liệu, số liệu sẽ đưa ngay trực tiếp vào đề thi để các em bình luận, phân tích, hạn chế những câu hỏi học thuộc lòng, tăng cường những câu hỏi vận dụng kiến thức, vốn sống để làm bài.

Về quy định bảo lưu, ông Nghĩa cho biết nếu năm nay trượt tốt nghiệp thì vẫn được bảo lưu kết quả của những môn có điểm từ 5 trở lên để xét tốt nghiệp vào năm sau.

Đề thi ngoại ngữ dự kiến có phần trắc nghiệm và viết

Nhiều HS Trường THPT Cao Lộc thắc mắc đề thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ năm 2014 có phần trắc nghiệm và phần viết nhưng đề thi tuyển sinh ĐH chỉ có phần thi trắc nghiệm. Vậy đề thi môn ngoại ngữ năm nay ra sao? Ông Trần Văn Nghĩa cho biết đề thi ngoại ngữ sẽ được quy định cụ thể trong hướng dẫn thi THPT quốc gia dự kiến ban hành vào khoảng giữa tháng 3.2015. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là dự kiến đề thi ngoại ngữ có 2 phần: trắc nghiệm và viết.

Thí sinh không được chọn cụm thi liên tỉnh

HS muốn biết có được quyền chọn cụm thi theo mong muốn của mình, không nhất thiết phải thi ở cụm dành cho HS học THPT ở trường nào đó? Ông Trần Văn Nghĩa khẳng định: “Với cụm thi liên tỉnh, thí sinh học trường THPT ở nơi nào thì đăng ký dự thi tại cụm thi ở nơi đó. Bộ sẽ quy định cụ thể HS học THPT ở đâu sẽ thi ở cụm đó và thí sinh không có quyền lựa chọn cụm thi”.

Ông Nghĩa cũng giải thích thêm thí sinh tự do có hộ khẩu thường trú ở nơi này nhưng hiện đang cư trú, ôn tập ở nơi khác thì được phép đăng ký cụm thi ở gần nơi cư trú. Về đăng ký cụm thi, Bộ sẽ có quy định cụ thể trong thời gian sắp tới.

Ông Nghĩa cũng lưu ý sau 30.4.2015, thí sinh không có quyền thay đổi cụm thi tỉnh hay liên tỉnh cũng như không được thay đổi môn thi tự chọn để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh chỉ được quyền sửa chữa những sai sót liên quan đến thông tin cá nhân.

Liên quan đến vấn đề cụm thi, bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Lạng Sơn, cho biết kết quả thăm dò tháng 12.2015 trong tổng số hơn 8.800 HS lớp 12  thì có khoảng hơn 3.800 (khoảng 44%) dự kiến chỉ đăng ký thi tại cụm thi tỉnh để xét tốt nghiệp THPT.

Với số lượng thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT lớn như vậy nên theo bà Yến, dự kiến Lạng Sơn sẽ đề nghị tổ chức cụm thi tỉnh và mỗi huyện, thành phố sẽ có một điểm thi để thuận tiện cho việc dự thi dành cho HS có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT. Trước băn khoăn của HS về cơ hội vào ĐH, CĐ nếu chỉ dự thi ở cụm thi tỉnh, ông Nghĩa cho biết những thí sinh đăng ký cụm thi tại tỉnh vẫn có quyền đăng ký xét tuyển sinh vào những trường có đề án tuyển sinh riêng nếu trường đó tiếp nhận kết quả ở những cụm thi này.

Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT năm ngoái, năm nay muốn thi để xét tuyển ĐH, CĐ, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng ngoài việc phải đăng ký đúng các môn thi mà trường yêu cầu, thi ở cụm thi nào sẽ do sở GD-ĐT quy định.

ĐH Quốc gia Hà Nội có công nhận kết quả thi chung?

Ông Vũ Viết Bình, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết năm 2015 ĐHQG Hà Nội là đơn vị duy nhất tổ chức thi riêng theo hình thức đánh giá năng lực để xét tuyển vào các ngành học.

Trong đợt 1, thí sinh được phép đăng ký dự tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội theo thứ tự ưu tiên. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu của đợt 1. Nếu thí sinh không trúng tuyển đợt 1, được phép đăng ký dự tuyển đợt 2. Sau 1 tuần của mỗi đợt thi, ĐH này sẽ công bố kết quả của đợt thi đó.

Có 7 cụm thi đã công bố trên website của ĐH này, HS có thể đăng ký dự thi ở một trong 7 cụm thi đó từ ngày 25.3 bằng 3 hình thức: đăng ký trên mạng, gửi phiếu qua bưu điện, đăng ký tại trường THPT nơi đang học lớp 12.

Do tuyển sinh riêng theo bài thi đánh giá năng lực nên theo ông Vũ Viết Bình, trường chỉ sử dụng kết quả của kỳ thi do ĐHQG Hà Nội tổ chức, không dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH.

Trong khi đó, cả ông Hoàng Minh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, đều cho biết trường có yêu cầu về điểm trung bình các môn học của thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào trường.

Theo Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/de-thi-thpt-quoc-gia-co-2-nhom-cau-hoi-537398.html

Kỳ thi THPT quốc gia 2015, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh 2015